Ông Lê Văn Hưng – TGĐ Cty CP sửa chữa tàu biển Phà Rừng (bìa trái) – cùng chuyên gia Đài Loan làm việc trên ụ nổi How-yu 01. Ảnh: X.H
Ngả mũ trước người thợ Việt Nam
Tại cảng nước sâu Sơn Dương (KKT Vũng Áng), 2 ụ nổi khổng lồ của Tập đoàn How-yu đã được Cty CP sửa chữa tàu biển Phà Rừng trục vớt. Ụ How-yu 01 đã được sửa chữa, vận hành thành công và đang chuẩn bị vận hành chuyến thứ hai sau trục vớt. Ụ Tahan 08 đang chuẩn bị được sửa chữa. Trước đó, ngày 10.2.2014, ụ nổi How-yu 01 bị chìm khi đang khai thác; ngày 27.6, ụ nổi thứ hai mang tên Tahan 08 cũng bị chìm vì sóng biển quá lớn do ảnh hưởng của bão. Đây là 2 ụ nổi “khổng lồ” do Đài Loan sản xuất. Mỗi ụ như một sân vận động với chiều dài gần 90m, rộng gần 40m, nặng 8.600 tấn, có thể chở 2 giếng chìm bêtông lớn, mỗi giếng nặng 4.500 tấn. “Khi đó chúng tôi rất lo lắng. Ngày nào chưa trục vớt được ụ nổi thì thiệt hại sẽ rất lớn, khi toàn bộ dây chuyền thi công sẽ phải dừng lại, hơn thế còn thiệt hại lớn đến uy tín của TCty và tiến độ công trình” – ông Bensonchen cho hay.
Ngay sau đó, ông Kuo Lai Kun – Tổng giám đốc How-yu Việt Nam – đã đốc thúc tìm đơn vị trục vớt, nhưng nhiều đơn vị đến khảo sát rồi lại… ra đi khi thấy 2 ụ nổi, mỗi ụ như tàu sân bay chỉ còn nổi lên mặt nước cabin điều khiển. Yêu cầu khắt khe của Tập đoàn How-yu cũng là nguyên nhân khiến nhiều đơn vị phải chào thua. Cty CP sửa chữa tàu biển Phà Rừng (Hải Phòng) đã ký hợp đồng trục vớt. “Có người cho đó là việc làm mạo hiểm, nhưng với chúng tôi đó là sự tự tin, bản lĩnh, bởi chúng tôi có thể làm chủ được công nghệ này” – ông Lê Văn Hưng – TGĐ Cty sửa chữa tàu biển Phà Rừng – nói.
Ngày 28.3.2014, Cty đã tiến hành trục vớt thành công ụ nổi How-yu 01, chỉ mất 10 ngày, nhanh hơn 5 ngày so với thời hạn đối tác giao. Ngày 14.8.2014, Cty trục vớt thành công ụ nổi Tahan 08. Gần 4 tháng sau, ụ nổi 01 đã được khắc phục như mới. Ngày 31.7 là một dấu mốc quan trọng khi Cty đưa 2 giếng chìm (trọng lượng 4.500 tấn/khối) ra biển thực hiện việc đánh chìm để đưa giếng chìm vào. Theo ông Bensonchen, lãnh đạo Tập đoàn How-yu thêm kính phục kỹ sư, thợ máy Việt Nam hơn.
Phát triển ngành sửa chữa tàu biển – tại sao không?
Theo ông Bensonchen, năng lực, trình độ sửa chữa tàu biển của Cty CP Phà Rừng không kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Theo ước tính của các chuyên gia trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, hiện mỗi năm chúng ta có khoảng 400 lượt tàu biển phải sửa chữa, kiểm tra theo phân cấp và chi phí ước lên đến 3.500 triệu USD.
Tuy nhiên, những con tàu cần sửa chữa vẫn phải kéo đi nước ngoài. Hàng nghìn triệu USD đã và sẽ vẫn chảy theo những con tàu cũ ra nước ngoài, trong khi những đơn vị có đủ năng lực như Cty CP Phà Rừng lại rất khó tiếp cận. Ngay cả việc thuê cầu cảng, xưởng sửa chữa – những công trình lớn đã được Nhà nước đầu tư xây dựng giờ đang “đắp chiếu” – đối với các Cty tư nhân cũng không phải dễ, vì vướng rào cản chằng chịt các thủ tục hành chính.
Để thành công được hợp đồng trục vớt, sửa chữa trị giá triệu USD, Cty CP sửa chữa tàu biển Phà Rừng đã mời được những kỹ sư, chuyên gia hàng đầu trong nước góp sức. Rõ ràng, chúng ta đang có đội ngũ chuyên gia đẳng cấp trong ngành sửa chữa tàu biển, vấn đề quan trọng là có môi trường, có “sân chơi”, mà ở đó, chất xám, sự nhiệt huyết có được đón nhận hay không mà thôi.
Với chiến lược hướng ra biển để làm giàu và bảo vệ chủ quyền, ngành công nghiệp sửa chữa tàu biển Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm, rất cần Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước có sự thay đổi mạnh mẽ, có sự ghi nhận và có biện pháp hỗ trợ thực tế để những Cty như Cty CP sửa chữa tàu biển Phà Rừng khẳng định mình, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, giữ lại và tạo ra nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước.