Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: Nam sinh lớp 10 hai lần tự tử bất thành-Lỗ hổng giáo dục hay đạo đức nghề nghiệp?

Quá nghịch ngợm nên em Nguyễn Văn Sơn, trú tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, bị hạnh kiểm loại yếu, không đủ tiêu chuẩn được xét lên lớp 11. Sơn nhờ mẹ đến xin thầy chủ nhiệm và cô hiệu trưởng cho em một cơ hội phấn đấu, khi không được chấp thuận em đã hai lần tìm tới cái chết bằng thuốc trừ sâu…

Hai lần uống thuốc trừ sâu tự tử

Em Nguyễn Văn Sơn học sinh lớp 10E, trường THPT Cẩm Bình, huyệnCẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, vì quá nghịch ngợm nên cuối năm bị hạnh kiểm yếu, không đủ tiêu chí xét duyệt lên lớp 11. Xấu hổ với bạn bè, mong muốn có cơ hội để sửa sai, Sơn đã nhờ mẹ tới nhà thầy giáo chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường để xin cho em được lên lớp. Thấy mẹ chạy đôn chạy đáo, vẫn không xin được cho mình nên em đã nghĩ tới cái chết. Hai lần liên tiếp Sơn đã uống thuốc trừ sâu để tự tử, do người nhà phát hiện kịp thời nên Sơn thoát chết.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Đông, mẹ Sơn, ngậm ngùi: “Nó là đứa biết nghĩ, thương cha mẹ. Chỉ có điều vì quá ham chơi, nghịch ngợm, khiến thầy cô phiền lòng. Cuối năm nay, cháu thủ thỉ với tôi việc không được lên lớp vì hạnh kiểm yếu. Nó bảo mẹ gắng giúp con lần này, con biết lỗi rồi, con thấy xấu hổ với bạn, với bố mẹ, mong mẹ xin thầy cô cho con cơ hội lên lớp để chuộc lỗi. Thấy con biết nghĩ như vậy nên tôi cũng mạnh dạn tới nhà thầy chủ nhiệm và cả nhà cô hiệu trưởng để xin cho cháu. Thế nhưng ai cũng khước từ…”.

Gặp trực tiếp cô hiệu trưởng để nói chuyện, qua trò chuyện cô hướng dẫn chị Đông nên gặp giáo viên chủ nhiệm xin, nếu được thì hiệu trưởng sẽ đồng ý giúp đỡ em Sơn lên lớp. Chị Đông đã năm lần bảy lượt đến nhà thầy chủ nhiệm để xin cho con. Đi lại tới “mòn đường chết cỏ” mà vị giáo viên chủ nhiệm của Sơn vẫn không nhất trí cho đến khi được giáo viên chủ nhiệm nhất trí thì hiệu trưởng nhà trường lại kiên quyết từ chối việc xét duyệt cho Sơn.

“Nói thật lòng, trong tâm tưởng của tôi, tôi chẳng nghĩ điều gì lớn lao, thấy con nó hối hận, muốn có cơ hội để sống và học tốt hơn thì bậc làm cha làm mẹ như tôi ai nỡ không giúp cháu. Ai ngờ, cô Loan là hiệu trưởng, không giúp đỡ cháu như đã hứa”, chị Đông bày tỏ.

Trò chuyện với chúng tôi, khi được hỏi về việc làm dại dột ấy, Sơn thủ thỉ: “Cháu thương bố mẹ, vì cháu nghịch mà bố mẹ phải khổ. Lúc uống thuốc trừ sâu cháu cũng chỉ nghĩ chết đi cho xong, bố mẹ đỡ khổ vì cháu. Không được lên lớp cũng được, nhưng thấy mẹ chạy đi chạy lại còn bị thiếu tôn trọng…”.

Trường THPT Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên nơi Sơn theo học .     Ảnh: Hoàng Phạm

Khiếm khuyết đạo đức nghề nghiệp?

Ít ai biết rằng, phía sau câu chuyện xót lòng ấy là một hoàn cảnh hết sức thương tâm. Giá như bậc làm thầy, làm cô hiểu được hoàn cảnh của Sơn thì chắc chắn sẽ thông cảm, gần gũi hơn trong việc chỉ bảo em chăm lo học hành. Để rồi, trong tư tưởng còn non nớt về cuộc sống ở độ tuổi như em đã không phải chịu áp lực, tìm tới cái chết như đã nêu.

Sinh ra và lớn lên em đã phải chịu thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa về mặt tinh thần. Cuộc sống gia đình em gặp nhiều sóng gió, bố mẹ từng mỗi người mỗi nơi khiến Sơn tổn thương về mặt tinh thần.

So với gia cảnh bạn bè cùng trang lứa, nhà Sơn kinh tế rất eo hẹp, khó khăn, cả gia đình chỉ biết dựa vào nghề làm thịt lợn để kiếm sống. Thường nhật, 3g sáng Sơn phải dậy phụ giúp bố mẹ làm thịt lợn, tới 5g khi bố mẹ mang thịt ra chợ bán thì em mới chuẩn bị sách vở tới trường để học.

Xung quanh câu chuyện này, nhiều người cho rằng, việc Sơn nghịch ngợm, hạnh kiểm yếu không được xét lên lớp là việc hoàn toàn theo đúng quy định trong giáo dục. Thế nhưng, xét cho cùng, ở độ tuổi các em, nếu như đánh giá được sự phát triển nhận thức của các em để có hướng tác động tích cực, luôn có sự chăm nom chỉ bảo tận tình, sự khích lệ đúng lúc, đúng thời điểm thì sẽ giúp các em trưởng thành hơn, để rồi học tập tốt hơn. Nếu quá cứng nhắc, không thân thiện, thậm chí còn có những lời lẽ chưa phù hợp sẽ khiến các em tổn thương tinh thần, dẫn tới việc  phát triển lệch lạc theo hướng tiêu cực, ngày càng lỳ lợm, bất cần hơn, học hành sa sút thậm chí bỏ học… là điều tất yếu.

Là lãnh đạo nhà trưởng, đáng ra cô Loan phải ít nhiều hiểu về hoàn cảnh gia đình học sinh để có biện pháp phối hợp với gia đình chỉ dạy các em cho tốt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Lý Trí – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh, bày tỏ: “Sau khi nhận được phản ánh, phía Sở cũng đã cử Thanh tra làm việc với nhà trường, phụ huynh học sinh. Hiện nay vẫn chưa có kết quả thanh tra. Tuy nhiên, phía Sở cũng đã đình chỉ một số việc liên quan tới cô Loan”.

Hậu quả của sự việc trên đã “vô tình” đẩy học sinh vào vòng áp lực, các em vì chưa nhận thức được đầy đủ nên chỉ nghĩ tới cái chết như một sự giải thoát. Có lẽ câu chuyện này không là của riêng ai, của riêng bất cứ ngôi trường nào khi mà hàng năm chúng ta luôn phải chứng kiến những cái chết thương tâm của học sinh trước áp lực học tập, cuộc sống.

theo Hoàng Phạm/phapluatxahoi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP