Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh muốn xây khu thương mại tự do tại Vũng Áng

Khu thương mại tự do Vũng Áng được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm logistics quốc tế, phục vụ cả thị trường Đông Dương.

Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp chuyên đề nhằm thảo luận và định hướng xây dựng Khu thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ) tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Đề án sẽ được trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 10/8/2025.

Khác với các khu công nghiệp hoặc khu kinh tế truyền thống, FTZ được thiết kế như một không gian thể chế đặc biệt – nơi áp dụng cơ chế ưu đãi vượt trội về thuế quan, hải quan, đầu tư, tài chính, lao động và đất đai. Mô hình FTZ cho phép thí điểm cơ chế “chính quyền phục vụ – doanh nghiệp dẫn dắt”, hướng tới mục tiêu tạo môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả, linh hoạt và tích hợp quốc tế.

Hà Tĩnh nghiên cứu thành lập KKT thương mại tự do Vũng Áng gắn với cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương


Về địa lý, Vũng Áng là điểm kết nối trực tiếp với hành lang kinh tế Đông – Tây, nơi tập trung hàng hóa xuất nhập khẩu của miền Trung, Lào và Đông Bắc Thái Lan. Hệ thống cảng nước sâu Sơn Dương – Vũng Áng hiện có thể đón tàu trên 50.000 DWT, và đang được quy hoạch nâng cấp thành trung tâm trung chuyển quốc tế. Bên cạnh đó là không gian quy hoạch rộng trên 22.000 ha của Khu kinh tế Vũng Áng, với đầy đủ hạ tầng điện, nước, đường bộ, đường sắt và logistics.

Theo TS. Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam), với vị trí địa kinh tế đặc biệt, nếu được trao quyền về thể chế, FTZ Vũng Áng hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics quốc tế, phục vụ cả thị trường Đông Dương.

Trong khi đó, PGS. TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam nhận định Vũng Áng đang đứng trước cơ hội trở thành một ‘Thâm Quyến cấp vùng'. Để làm được việc này, điều kiện cần là thể chế và điều kiện đủ là dám làm.

Giới đầu tư đang kỳ vọng rằng FTZ Vũng Áng sẽ sớm được hiện thực hóa, đóng vai trò như một “tuyến đầu thể chế” trong bức tranh thu hút FDI của khu vực miền Trung.

Được biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Tài chính chủ trì xây dựng đề án, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các đơn vị tư vấn chiến lược. Ngoài việc xây dựng mô hình FTZ, tỉnh cũng sẽ đánh giá lại toàn bộ hệ thống ưu đãi đầu tư hiện có, nhằm chuyển hướng sang cách tiếp cận mới – cạnh tranh bằng chất lượng thể chế thay vì chỉ dựa vào chính sách miễn giảm thuế.

Đối tượng thu hút mà FTZ Vũng Áng hướng tới bao gồm: các doanh nghiệp sản xuất định hướng xuất khẩu, doanh nghiệp logistics xuyên biên giới, tập đoàn thương mại điện tử quốc tế, trung tâm kho ngoại quan, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp công nghệ cao. Những ngành này đang cần một không gian thể chế thông thoáng, chi phí thấp, thời gian xử lý thủ tục ngắn và kết nối hạ tầng tốt.

Hà Tĩnh đang xem xét áp dụng hàng loạt cơ chế mới như: miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu với hàng hóa trong FTZ; cơ chế tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài dễ dàng hơn; quyền sở hữu 100% vốn với nhà đầu tư nước ngoài; thủ tục đầu tư – xây dựng – hải quan thực hiện qua cổng điện tử tích hợp “một cửa số hóa”.

Nếu được phê duyệt và triển khai đúng định hướng, Khu thương mại tự do Vũng Áng không chỉ là không gian thể chế đổi mới của Hà Tĩnh, mà còn là “cửa ngõ logistics – thương mại” mới của cả vùng Bắc Trung Bộ, có khả năng trung chuyển hàng hóa quốc tế và thu hút các tập đoàn đa quốc gia đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng sau đại dịch và biến động địa chính trị.

Giới đầu tư đang kỳ vọng rằng FTZ Vũng Áng sẽ sớm được hiện thực hóa, đóng vai trò như một “tuyến đầu thể chế” trong bức tranh thu hút FDI của khu vực miền Trung – nơi cạnh tranh hiện không còn là về tài nguyên, mà là về môi trường thể chế và hiệu quả quản trị.

Tác giả: Văn Tuân

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP