>> Hà Tĩnh: Dân “nổ đom đom mắt” vì thủ tục “hành là chính” của Phòng Nông nghiệp huyện
“Loạn” văn bản là… vì dân?!
Ngày 18.5, Báo Tầm nhìn đăng bài: “Dân “nổ đom đom mắt” vì thủ tục “hành là chính” của phòng Nông nghiệp huyện”. Nội dung bài báo, nêu phản ánh của người dân (một bộ phận nông dân) huyện Hương Khê trước những bức xúc việc phòng Nông nghiệp huyện này đã ra những mẫu văn bản chồng chéo nhau khi hướng dẫn họ làm thủ tục để nhận tiền hỗ trợ trong việc mua cây giống để phát triển sản xuất. Khi PV đem vấn đề của người dân trao đổi với phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê thì ông Nguyễn Trọng Hoài – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện này giải thích: Sở dĩ có sự thay đổi trong văn bản hướng dẫn là vì dân?
Những Vườn ươm có đăng ký sản xuất, kinh doanh được đầu tư rất bàn bản về CSVC đang phải “canh tranh” với các vườn ươm tự phát rầm rộ trên địa bàn Hương Khê. |
Cụ thể, vị trưởng phòng Nông nghiệp huyện này cho rằng, đối với cây bưởi Phúc Trạch nếu thực hiện theo hướng dẫn với tinh thần trong Nghị quyết 90 (16/7/2014) thì sẽ không thực hiện nỗi vì cung không đủ cầu.
Nhu cầu người dân mua bưởi Phúc Trạch để phát triển quá lớn trong khi loại cây đầu dòng không đủ để đáp ứng mắt ghép cho việc sản xuất cây mới nên để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất phòng Nông nghiệp đã từng bước điều chỉnh văn bản để họ (người dân) mua cây giống ở bất kỳ đâu, miễn là có giấy xác nhận của địa phương và nơi mua cây đều có thể để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ.
Theo cách lý giải như trên của ông Hoài rõ ràng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê đã không thực hiện đúng Quyết định 09 (18/3/20016) hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 90 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Căn cứ vào đâu để cho người dân mua cây giống ở bất kỳ nơi đâu miễn là có giấy xác nhận của địa phương và nơi bán cây đều được làm thủ tục để nhận hỗ trợ? Ông Hoài viện dẫn rằng, tại điều 15, mục 5, phần cuối trong văn bản hướng dẫn thực hiện theo Nghị quyết 90 có phần: “ Đối với trường hợp tự sản xuất cây giống phục vụ trồng mới: Bản cam kết chất lượng, tiêu chuẩn cây giống phù hợp Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9302:2013 của tổ chức, cá nhân tự sản xuất giống, có xác nhận của UBND cấp xã”.
Vậy trên địa bàn huyện Hương Khê có bao nhiêu cơ sở sản xuất cây giống có bản cam kết chất lương, tiêu chuẩn cây giống phù hợp Tiêu chuẩn Quốc gia? – PV hỏi.
“Trên địa bàn huyện Hương Khê có tất cả 67 cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống nhưng chỉ có 3 cơ sở gồm Cty TNHH Vườn ươm Việt (đóng tại xã Hương Long), Trại giống bưởi Phúc Trạch (đóng tại xã Phúc Trạch), DNTN Tân Thanh Phong (xã Phúc Trạch) là đủ điều kiện về CSVC để sản xuất cây giống. Các cơ sở còn lại là chưa đủ”, ông Hoài cho biết.
Một vườn ươm sơ sài về CSVC cũng có thể bán và kinh doanh cây giống. |
Khi PV đến tìm hiểu về 3 cơ sở trên thì chỉ có cơ sở Cty TNHH Vườn ươm Việt (đóng tại xã Hương Long) và cơ sở Trại giống bưởi Phúc Trạch (đóng tại xã Phúc Trạch) đã có biên bản kiểm tra của ban liên ngành của tỉnh xếp loại đủ điều kiện sản xuất cây ăn quả lâu năm”
Khi PV cho rằng, không đủ điều kiện để sản xuất cây giống nhưng người dân mua tại các cơ sở đó vẫn được làm hồ sơ hỗ trợ như thường vô tình đã tạo điều kiện cho việc kinh doanh cây giống tràn lan, các cơ sở lợi dụng bán cây trôi nỗi ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, của các cơ sở kinh doanh chính đáng; Và đặc biệt là nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước có thực sự hiệu quả không thì ông Hoài cho rằng, phòng Nông nghiệp huyện tin vào người dân, tin vào người bán cây?
Trong khi hướng dẫn của Nghị quyết 90 đề cao về mặt chất lượng cây giống thì phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê lại dựa vào niềm tin cảm tính?
Mẫu văn bản thủ tục người dân làm hồ sơ nhận hỗ trợ cây giống sơ sài, thiếu tính pháp lý. |
Hiện nay, việc hướng dẫn người dân làm các thủ tục để nhận hỗ trợ 6 tháng đầu năm đã được phòng Nông nghiệp huyện này khép lại. Thế nhưng, trong 2 mẫu văn bản hướng dẫn cho người dân vẫn còn nhiều bất cập thiếu tính pháp lý và không thực tiễn.
Nội dung thiếu chặt chẽ trong các văn bản được thể hiện: “Để có cây giống cung cấp cho gia đình trồng và phát triển cây ăn quả, trong thời gian qua tôi đã liên kết với ông (bà)…………………………, có địa chỉ tại xóm……., xã:……………………, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh”.
Với nội dung này thì người dân có thể liên kết với bất cứ ông, bà nào cũng được; và còn có thế ký quanh cho nhau.
“(tôi cung cấp mắt ghép/lựa chọn cành chiết, giám sát quá trình sản xuất, trả công lao động; ông………………….………., đảm nhiệm khâu kỹ thuật, sản xuất,..)”
Sự mâu thuẫn ở nội dung này là người dân trồng mới thì lấy đâu mắt ghép cung cấp, người dân chưa hiểu rõ kỹ thuật trồng cây thì làm sao mà biết lấy mắt ghép, biết gì mà giám sát quá trình sản xuất?
Đành rằng, việc tạo điều kiện cho người dân là cần thiết và phải làm, nhưng trong quá trình thực hiện cần giám sát chặt chẽ chứ không thể “thả nổi” rồi tiến hành nghiệm thu để người dân nhận được khoản hỗ trợ là xong. Với cách như vậy thì “ thương dân như thế bằng mười hại dân”
Từ nhiêu khê đến dễ dãi – chất lượng giống kém sẽ lãng phí ngân sách.
Quá trình tìm hiểu về việc phát triển sản xuất theo hướng bền vững gắn với chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Hương Khê, PV Tầm nhìn đã được nghe một số ý kiến lãnh đạo các địa phương chia sẻ.
Theo các ý kiến đó thì đây là một chính sách rất tốt, tạo đà cho người nông dân có điều kiện để phát triển sản xuất. Nhưng nếu cứ dễ dãi trong việc hỗ trợ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.
Do dễ dãi trong việc xác nhận làm hồ sơ phòng Nông nghiệp huyện “loạn” văn bản, đến tình trạng “ loạn” vườn ươm. |
“Trước năm 2013 khi chưa có chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh số lượng vườn ươm trên địa bàn huyện Hương Khê rất ít. Kể từ khi có chính sách hỗ trợ thì ào ạt các vườn ươm mọc lên, trong khi đó số đăng kí sản xuất, kinh doanh cây giống rất ít. Có chính sách hỗ trợ người dân trồng ồ ạt, nếu giám sát không kỹ, chất lượng giống không đảm bảo sẽ lãng phí ngân sách nhà nước”, một lãnh đạo xã cho biết.
Cũng từ việc “loạn” văn bản hướng dẫn, “ loạn” tình trạng vườn ươm trên địa bàn huyện; rồi đến cuối hạn chót là cho người dân làm hồ sơ có phần dễ dãi của phòng Nông nghiệp. Qua tìm hiểu ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống có đăng ký chúng tôi thấy họ (người kinh doanh) cũng phán ánh cách làm của phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê chưa thỏa đáng.
Theo anh Hà Tiến Dũng – Giám đốc DNTN Tân Thanh Phong thì cách làm như vây đã gây ra cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây có đăng ký găp không ít khó khăn. Bởi những cơ sở này đều có con dấu và tư cách pháp nhân riêng. Khi người dân đến mua cây giống chỉ cần DN xác nhận là đủ.
Vậy nhưng phòng Nông nghiệp lại yêu cầu cả xã xác nhận là rất phiền hà cho dân và cho doanh nghiệp. Hơn nữa, cách làm của phòng Nông nghiệp đã vô hình trong tạo điều kiện cho một số cơ sở không đăng ký kinh doanh cây giống như vẫn bán cây tràn lan. Thậm chí bán cây không rõ nguồn gốc.
“Đối với các cơ sở sản xuất cây có đăng ký, việc đầu tư mất cả hàng tỷ đồng, rồi chuyện đóng thuế, nhưng cách làm từ phòng Nông nghiệp huyện đã gây khó khăn cho nhưng cơ sở sản xuất, kinh doanh cây chính đáng như cơ sở của tôi”, ông Trần Kim Việt- Giám đốc Cty vườn ươm Việt nói.
Lê Tâm – Quốc Hoàn