“Trợ thủ” đắc lực của giới giang hồ
Đã bước chân vào thế giới “ngầm”, dân anh chị đều tự hiểu phải dắt vài “con nổ” (súng) “sơ cua” để phòng nguy cơ bị đối phương “xử đẹp”. Những vũ khí thô sơ như dao, mác, kiếm hay vũ khí tự chế như súng hoa cải, súng bút, súng kíp, súng hơi… thường chỉ bậc đàn em thuộc hàng “tép riu” sử dụng. Đối với những đại ca máu mặt trong nghề, “thương hiệu” K54, K59 mới là lựa chọn số 1. Bạo lực luôn là cách để các băng nhóm “nói chuyện” với nhau, cũng bởi vậy, vũ khí “nóng” với độ sát thương “khủng” luôn chiếm thế thượng phong trên các “trận địa”.
Hàng chục công cụ hỗ trợ: dao, kiếm, mã tấu tự tạo… bị Công an huyện Đức Thọ thu giữ. |
T., một trùm giang hồ có máu mặt, nay đã “rửa tay gác kiếm” nhớ lại thời hoàng kim: “Súng hoa cải được sử dụng với mục đích thanh toán nhau khá phổ biến. Với chiều dài nguyên bản 70-80 cm, giới giang hồ thường “chế tác” bằng cách cưa bớt nòng. Sau khi đã được xử lý, súng hoa cải tỏ ra vượt trội với những ưu điểm gọn, nhẹ, dễ cất giấu và có thể ngắm bắn ở cự ly gần”.
Theo mô tả tỉ mỉ của T., súng có hộp khóa nòng được sản xuất theo nguyên lý súng trường k44 nhưng nòng được cắt nối và không có rãnh xoắn (nòng trơn). Đạn dùng cho súng là đạn ria, vỏ đạn được tháo bỏ đầu, nhồi thuốc phóng và bi vào bên trong. Khi bóp cò, đạn tỏa ra như chùm hoa cải, kim hỏa đập vào hạt lửa làm cháy khói thuốc phóng, tạo áp suất đẩy các vật nhồi bằng kim loại bay về phía trước.
Luôn đồng hành cùng dân anh chị trong những trận chiến “một mất, một còn” phải kể đến súng bút. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, sẽ rất dễ nhầm lẫn do súng có hình dáng y hệt bút bi với phần đầu, thân và nắp cài ngực. Thân bút có quy lát gắn liền kim hỏa chạy dọc trên rãnh. Súng bút sử dụng đạn thể thao 5,56 ly có thể ám sát đối phương ở cự ly ngắn hơn hoặc bằng 5m. Loại hàng này rất dễ cất giấu và thuận tiện trong sử dụng nên rất được ưa chuộng.
Mới đây, trên địa bàn huyện Đức Thọ xuất hiện súng hơi cồn tự chế. Chỉ với ống nhựa PVC, ống inox, co nối, IC đánh lửa và nam châm, đã có thể lắp ráp thành một khẩu súng hoàn chỉnh. Điều đáng nói, những loại súng trên có độ sát thương tương đương súng quân dụng. Với cự ly bắn tầm gần, đạn có khả năng sát thương cao, vũ khí tự chế đã trở thành nỗi kinh hoàng trong những cuộc thanh toán đẫm máu của giới giang hồ. May mắn, nhẹ thì chỉ sưng tấy phần mềm, nhưng nếu đạn trúng vào chỗ hiểm, sẽ đe dọa đến tính mạng.
Vụ việc gần đây nhất, Đặng Thường Tín (SN 1989, trú tổ dân phố 4, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) dùng súng hoa cải bắn trực diện vào anh Phạm Vũ Trường Nam (SN 1984, phường Trần Phú) khiến nạn nhân bị trọng thương với 26 viên đạn chì găm vào người, trong đó có viên thấu phổi.
Tử thần trong tay sát thủ
Đến thời điểm này, các vụ trọng án liên quan đến sử dụng vũ khí tự chế ngày càng gia tăng. Tội phạm hình sự hết sức liều lĩnh, manh động khi dùng vũ khí tấn công. Do tính chất đặc thù của “công việc”, vũ khí trở thành vật bất ly thân đối với các băng nhóm xã hội đen. Những kẻ giang hồ đi chơi đêm thường không quên dắt súng trong người. Chỉ một va chạm hay xích mích nhỏ, cò súng sẽ được xiết để giải quyết vấn đề.
Năm 2013, tại Hà Tĩnh nổi cộm nhiều vụ băng nhóm thanh toán nhau bằng vũ khí tự chế như: T.N.A cùng đồng bọn dùng súng bắn đạn chì cưỡng đoạt tài sản; băng đảng Vũ Đức Văn bị truy tố về hành vi giết người do dùng súng hoa cải… Nhức nhối hơn, ổ nhóm X sử dụng súng tự chế, dao kiếm, gậy gộc đe dọa, uy hiếp, khống chế công nhân công ty Y đang làm nhiệm vụ khai thác tại mỏ vàng thuộc xã Kỳ Sơn (Kỳ Anh). Ngay cả với những ai “ngứa mắt”, không ít bậc anh chị lợi dụng thế lực xã hội đen gây sự. Tùy vào mức độ ngoan cố sẽ quyết định sử dụng đến hình thức, mức độ bạo lực. Nếu quyết liệt chống đối, ngay lập tức được các đại ca cho “súc miệng” bằng “kẹo đồng”.
Các băng nhóm giang hồ trên địa bàn Hà Tĩnh tập trung nhiều nhất ở Kỳ Anh, hay các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê. Thế giới “ngầm” dùng vũ khí nóng uy hiếp nhau với mục đích thanh toán, đòi nợ thuê hay tranh giành lãnh địa. Những tổ chức này thường chọn sòng bài hay các quán nhậu làm sào huyệt, bàn bạc kế hoạch và địa điểm “trảm” là bất cứ nơi nào phát hiện ra “con mồi”. Trước đây, đường Hàm Nghi (TP Hà Tĩnh) được coi là điểm nóng khi là nơi liên tiếp xảy ra nhiều trận hỗn chiến.
Khác với những tay giang hồ khét tiếng, dân anh chị dưới vỏ bọc của chiếc kính cận lại thuê người thanh toán kẻ thù theo cách thâm hiểm hơn. Nhận dạng và nắm rõ địa điểm hoạt động của đối tượng, bước tiếp theo, đàn em dưới sự chỉ đạo của các đại ca kính cận bịt mặt, đi xe không biển đâm vào kẻ thù và dàn cảnh dưới hình thức một vụ tai nạn giao thông. Nếu chẳng may khiến các đại ca phật ý, các loại vũ khí ngay lập tức được rút ra “cảnh báo”.
Vũ khí “nóng” tung hoành trong những vụ thanh toán đẫm máu là hiểm họa đối với không ít người, đặc biệt là người dân tại các địa bàn trọng điểm. Với những băng đảng hoạt động “đậm chất” giang hồ như bảo kê, đòi nợ thuê hay tranh giành lãnh địa thì bước chân vào thế giới ngầm cũng có nghĩa là chấp nhận sự thật nghiệt ngã “được ăn cả, ngã về không”. Chỉ có điều, những người dân hiền lành, lương thiện đôi khi lại trở thành nạn nhân của những lần đấu súng “một mất, một còn”.
(Bài 2): Khó khăn trong “vá” lỗ hổng pháp lý
Hàng “nóng” từ đâu ra?
Tàn dư từ những cuộc chiến tranh tại Việt Nam là vô số vũ khí sót lại trong nhân dân. Nắm bắt “lợi thế” này, nhiều trùm giang hồ nhanh chóng chớp cơ hội. Nhận thông tin về những người nhặt được hàng “nóng”, các tay chân dưới lệnh của “đại ca” vội vàng lần mò địa chỉ tìm hiểu, thỏa giá và nhanh chóng sở hữu một “con nổ” để không bị “thua chị, kém em”.
Băng nhóm của Vũ Đức Văn trước vành móng ngựa. |
Song, có vẻ như, một “con” chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu, nên các đối tượng còn tìm cách sang nhiều quốc gia lân cận mua bán trái phép vũ khí. Vũ khí “nóng” thường đi qua đường tiểu mạch giữa biên giới các nước mà không qua cửa khẩu và được ngụy trang khéo léo dưới các phương tiện, hàng hóa, khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Riêng súng hoa cải có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhiều “cò con” nhanh chóng tận dụng cơ hội thu mua rồi đóng thùng gửi tàu thủy, tuồn về Việt Nam. Mỗi khẩu súng hoa cải vào thị trường nội địa với giá vài triệu đồng và được giới giang hồ ví đơn giản như mua… rau.
Các loại vũ khí tự chế có thể tự sản xuất qua hướng dẫn tràn ngập trên hệ thống mạng xã hội mà theo lời T., “chỉ cần sẵn máu liều là có thể làm được”. Với mục đích “hỗ trợ” cho những lần thanh toán đổ máu của giới giang hồ, nhiều trang web thậm chí còn rao bán công khai loại vũ khí này. Nếu không tin tưởng chất lượng của những mặt hàng qua Internet, các băng nhóm có thể tìm hiểu nguồn gốc và mua bán tại cơ sở sản xuất từ những đồng đảng ở các tỉnh giáp ranh như Nghệ An, Quảng Bình.
Riêng súng kíp (súng săn), trước đây, được đồng bào dân tộc sử dụng để săn bắn, nhưng kể từ khi nguồn thú rừng cạn kiệt, chỉ còn tồn tại để… làm cảnh. Vì vậy, người dân sẵn sàng bán lại. Chỉ cần bỏ ra khoảng 1,5 triệu đồng, những kẻ giang hồ đã có trong tay một khẩu súng kíp còn “chơi” tốt.
Không ít dân anh chị tại các địa bàn vùng cao hiểm trở như Hương Sơn, Hương Khê sang Lào, Campuchia “ngụy trang” dưới vỏ bọc của một công nhân làm trong các xưởng gỗ, chờ cơ hội. Khi nhận tín hiệu từ “cấp trên”, những đối tượng này sẵn sàng đưa vũ khí về Việt Nam thanh toán đối thủ và băng đường rừng sang bên kia biên giới ngay trong đêm, khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy, không một ai có thể hay biết tung tích của đối tượng gây án. Đây là điều hết sức khó khăn cho lực lượng công an khi về địa phương xác minh, tìm hiểu vụ việc.
Lúng túng trong cơ chế xử lý
Ngày 3/12/2013, Vũ Đức Văn cùng đồng bọn sử dụng súng săn đạn hoa cải bắn vào nhóm người của Nguyễn Văn Hạnh khiến Hồ Đức Hiếu (nhóm Hạnh) trúng đạn, tỉ lệ thương tật 12,7%. Tại bản kết luận giám định vũ khí của Bộ CHQS Hà Tĩnh, loại súng các đối tượng dùng gây án không phải là súng quân dụng, mà tự chế bằng cách nhồi thuốc phóng và bi vào bên trong vỏ đạn hoa cải. Khi bóp cò ở khoảng cách nhất định, có thể đe dọa đến tính mạng. Ngày 24/5/2014, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố các bị can nói trên với tội danh “Giết người”.
Điều khiến cơ quan tố tụng băn khoăn là những đối tượng hình sự sử dụng vũ khí “nóng”, ngoài tội danh bị truy tố về hành vi phạm pháp phải có thêm tội tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép. Tuy nhiên, Nghị định 47/CP về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Bộ luật Hình sự chỉ quy định về súng quân dụng, trong khi các loại súng tự chế cũng có thể gây chết người nhưng lại không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng. Vấn đề phân biệt vũ khí thô sơ và vũ khí quân dụng vẫn chưa rạch ròi là kẽ hở cho đối tượng lợi dụng để lách luật, trang bị súng tự chế phòng thân và dùng khi cần thiết.
Tháng 6/2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh 16 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực từ đầu năm 2012. Tuy nhiên, pháp lệnh này mới chỉ khắc phục được một phần tồn tại trước đây. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn xử lý chưa kịp thời, khiến công tác đấu tranh với tội phạm gặp nhiều khó khăn. Điển hình, thông tư hướng dẫn xử lý về các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng (Điều 230, Bộ luật Hình sự) vẫn chưa được ban hành.
Cũng chính vì “lỗ hổng” pháp lý chưa được “vá” kịp thời nên chỉ khi nào các đối tượng dùng súng gây án, gây chết người hoặc bị thương mới bị xử lý hình sự về tội giết người hay cố ý gây thương tích. Các loại súng hoa cải, súng bút hay súng tự chế khác… dù tính sát thương tương đương vũ khí quân dụng nhưng không thể xử lý theo tội danh độc lập. Trường hợp cá nhân, băng phái mang theo súng trên đường đi thanh toán lẫn nhau nhưng chưa hoặc không gây án, chỉ xử lý hành chính với mức vi phạm cao nhất 12 triệu đồng. Nếu muốn xử lý hình sự theo tội danh “mua bán và tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ” phải chờ… tái phạm. Theo đó, người nào chế tạo, sử dụng súng tự chế nếu tái diễn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 233, Bộ luật Hình sự với mức án cao nhất là 5 năm.
Với tính chất nguy hiểm đối với đời sống xã hội và tính mạng con người, các loại vũ khí này cần được nhanh chóng đưa vào danh sách vũ khí quân dụng, nhất là trong bối cảnh an ninh trật tự diễn biến phức tạp, các đối tượng manh động, liều lĩnh sử dụng vũ khí “nóng”. Nếu không có cơ chế xử lý sẽ rất khó lòng kiểm soát – Phó phòng PC 64 Công an tỉnh – Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thùy Dương