Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Kí ức kinh hoàng của những người 10 năm mở bom lấy phế liệu

Bằng kiến thức học mót, vì miếng cơm manh áo, hai anh em ruột ở xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) trong 10 năm đã tháo mở hơn 1000 quả bom. Dù giải nghệ đã lâu nhưng kí ức kinh hoàng vẫn luôn ám ảnh họ.

Kí ức kinh hoàng

Dù chiến tranh đã đi qua khá lâu nhưng hàng ngày, hàng giờ người dân trên cả nước vẫn phải đối mặt mới những tai nạn kinh hoàng từ bom mìn còn sót lại. Gần đây nhất, sáng 18/8, tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã xảy ra một vụ tai nạn từ bom mìn khiến 6 người chết tại chỗ. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do cưa bom để lấy phế liệu. Vụ việc một lần nữa là lời cảnh báo mạnh mẽ cho những đánh đổi không đáng sau mỗi tiếng nổ oan nghiệt.

Anh Trần Viết Tự và anh Trần Viết Hoa kể lại kí ức kinh hoàng những ngày đi mở bom lấy phế liệu

Chúng tôi về thôn Sơn Thủy, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tìm gặp những nhân vật từng có những năm tháng đối mặt với tử thần suốt dọc dãy Trường Sơn khu vực miền Trung. Họ là những người… mở bom lấy phế liệu.

Hai anh em ruột ông Trần Viết Tự (61 tuổi) và Trần Viết Hoa (50 tuổi) kể, tự tay họ đã mở hơn 1000 quả bom dọc đường Trường Sơn của 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Nhưng… nỗi đau để lại cho gia đình họ là quá lớn khi có 4 người thân vĩnh viễn không trở về trong những chuyến đi.

Khi hỏi về kí ức bom mìn, ông Trần Viết Tự xòe bàn tay trái ra cho chúng tôi xem rồi kể: “Năm 1989, sau khi ra quân, do được học về quân khí và sửa chữa xe máy, lại có gần 5 năm gắn bó với mảnh đất Phú Bài (Huế) nên biết rõ về những khu vực mà bom mìn sau chiến tranh chưa nổ. Vì nhà nghèo, đông anh em, để nuôi sống gia đình, tôi lặng lẽ quay trở lại Huế với nghề đào phế liệu.

Sau vụ nổ kíp mìn M14, ông Trần Viết Tự mất đi 3 ngón tay nhưng cuộc “chinh chiến” với bom mìn còn diễn ra. Hơn 10 năm sau ông mới giải nghệ.

Trong một lần mở quả mìn M14 để lấy thuốc đi đánh cá, kíp mìn nổ khiến tôi mất 3 ngón tay. Sợ quá, tôi về quê tính bỏ nghề nhưng đối diện với cái đói, hình ảnh những quả bom nằm chỏng chơ ở Huế lại thôi thúc tôi. Nghĩ rằng, mìn quá nguy hiểm, phải mở được bom mới có nhiều phế liệu, tôi đã trực tiếp đến nhà một cựu chiến binh có nhiều kinh nghiệm phá bom trong chiến tranh chơi và hỏi han anh về kĩ thuật tháo mở bom.

Khi đã nắm được cơ bản cách mở các loại bom, tôi cùng 3 anh em trai của mình trở lại Huế và gắn bó với nghề tháo bom hơn 10 năm. Mấy anh em tôi đã mở hàng nghìn quả bom chú à!”.

Kể về những kí ức đau buồn, ông Tự ngậm ngùi hồi lâu mới có thể tiếp tục câu chuyện: “Nhà tôi mất 3 anh em trai vì đi mở bom. Anh Trần Viết Thông (anh thứ 2) đi mở bom do nằm rừng bị sốt rét ác tính đưa được về nhà thì chết. Còn anh trai đầu Trần Viết Thể và đứa em thứ năm Trần Văn Năm thì.. .không còn nguyên vẹn trong vụ nổ ở đèo Kim Quy, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Hôm ấy gặp được quả bom lớn, tôi ốm bảo anh và em trai không đi tháo vì họ chưa thành thạo nhưng anh em cứ kiên quyết đi. Được khoảng 15 phút thì tôi nghe tiếng bom nổ, lúc chạy đến thì… anh em đã tan hết…”!

Hàng ngày, anh Tự ngồi trầm ngâm bên bếp tồi tàn

Ngỡ tưởng, sau những nỗi đau thương khủng khiếp thì họ sẽ giải nghệ cái nghề chết chóc ấy. Nhưng không, vì kiếp sinh nhai, vì “sinh nghề, tử nghiệp” nên họ vẫn tiếp tục lên đường. Những cái chết vì thế vẫn chưa dừng lại.

Khi hỏi các anh về thời điểm và lý do giải nghệ, anh Trần Viết Hoa (em trai anh Tự) kể: “Sau cái chết của ba anh trai, chúng tôi vẫn làm thêm khoảng 2 năm, tháo thêm khoảng hơn 400 quả cho đến khi tôi và anh Trần Viết Nuôi (bạn đồng hao với anh Hoa –PV) bị nạn ở khu vực xã Hồng Hạ, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) thì mới giải nghệ hẳn”.

Ông Tự rơm rớm nước mắt: “Hôm ấy, được đồng bào dân tộc chỉ cho quả bom trên rừng. Khi tôi và anh Nuôi đến, quả bom nằm nghiêng, phần đồng hồ cơ học điện tử nằm sát đất. Xác định đây là quả bom nguy hiểm, anh em chúng tôi phát cây xung quanh cho thoáng. Khi tôi đi lên cách 15m chặt đoạn cây gỗ để bẩy quả bom lên xử lí thì nghe anh Nuôi dùng búa gõ gõ, chưa kịp nói gì thì nghe tiếng “ục”. Tai tôi ù đặc, ngực như ngẹt thở, người bị hất bay về phía trước, đất đá, cành cây bay rào rào. Tôi hoảng loạn chạy lòng vòng trong rừng cho đến khi được bà con đồng bào dân tộc tìm thấy rồi đem về bản. Còn anh Nuôi…”, giọng kể của ông Tự bỗng đứt quãng.

Khi câu chuyện lắng xuống, chúng tôi ngồi nhìn nhau không thể nói nên lời. Chúng tôi ngõ ý tìm hiểu về cách mà các anh ấy đã mở hơn 1000 quả bom nhưng anh Hoa cho biết, đó là một câu chuyện không nên nói. Dù có tài giỏi, kinh nghiệm đến mấy thì không có một quy tắc an toàn nào đối với những quả bom còn sót lại sau chiến tranh

Nỗi buồn sau giải nghệ

Vốn là một người đàn ông khỏe mạnh, thông minh và gan dạ, ông Trần Viết Tự đã từng là thủ lĩnh của một tốp thợ vài chục người vào nhận thi công đường 12 ở Thừa Thiên Huế với cách vô tiền khoáng hậu: “gặp đá thì đi tìm bom mở lấy thuốc để đánh nổ” (lời anh Tự kể).

Cũng theo lời kể, ông Tự chính người đã từng hóa giải thành công hàng nghìn quả bom nhưng giờ đây ông trở thành “đối tượng hưởng bảo trợ xã hội”.

Cho đến giờ, những hình ảnh rùng rợn luôn ám ảnh ông. Mỗi lần như thế, ông lại uống rượu để “quên”. Sau những vụ nổ, sức ép của bom đạn khiến ông thường xuyên bị tức ngực; lúc trái gió trở trời hay lúc ký ức hiện về ám ảnh, ông lại nói những điều gì không ai hiểu”. Vì bệnh tật, ông chưa một lần hỏi vợ, hiện tại sống với mẹ già 101 tuổi trong căn nhà tình nghĩa và căn bếp “thời chị Dậu”.

Những lúc tỉnh táo, anh Tự lại đưa mẹ 101 tuổi sang nhà em trai chơi

Anh Hoa nhờ khỏe mạnh, siêng năng, cần cù lao động nên có đời sống khá hơn một tí nhưng khi hỏi có phải nhờ những đồng tiền bán phế liệu từ những quả bom mà xây nên nhà nên cửa, anh Hoa bộc bạch: “Làm gì có, thời “hoàng kim” đó cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình qua ngày, còn nhà cửa là do các con đi làm công nhân ở Bình Dương gom góp gửi về”.

Không có quy tắc an toàn nào cho những quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh (ảnh Internet)

“Tháo mở bom mìn là một việc quá nguy hiểm. Bài học từ gia tôi chắc cũng đủ để mọi người rút kinh nghiệm. Tôi xin nhắc lại, không có một quy tắc an toàn nào cho những quả bom, mìn sót lại sau chiến tranh”, ông Hoa khuyên nhủ.

Theo tìm hiểu và thống kê của chúng tôi, chỉ riêng hai xã Đồng Lộc và Mỹ Lộc (Can Lộc) đã có hơn 10 người thiệt mạng trong những năm đầu thập niên 90 vì liên quan đến tháo mở bom bìn để lấy phế liệu.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ BCH Quân sự huyện Can Lộc cho biết: “Khi người dân phát hiện nghi là một vật liệu nổ thì cần khẩn trương tránh xa, tìm cách cảnh báo cho người xung quanh rồi khẩn trương báo về cho cơ quan chức năng để xử lí. Tuyệt đối không được lén lút tự xử lí vì nó rất nguy hiểm và đây là hành vi vi phạm pháp luật”

Tác giả: Quốc Hiệp

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP