Theo thông tin từ Chi cục Thú y Hà Tĩnh cung cấp, hiện tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt hơn 457.000 con; trong đó có 210 trang trại quy mô nuôi từ 300 nái và 500 con lợn thịt trở lên; số còn lại là trang trại quy mô vừa, nhỏ và chăn nuôi nông hộ.
Việc ủ phân hữu cơ chủ yếu chỉ thực hiện tại các trang trại, gia trại chăn nuôi trâu bò |
Với tổng đàn trên, lượng phân thải bình quân mỗi ngày thải ra môi trường là rất lớn (từ 1,5 – 2kg phân chuồng/con), tuy nhiên, không phải trang trại nào cũng xây dựng được hệ thống quản lý chất thải theo đánh giá tác động mội trường, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ. Hầu hết người dân vẫn đang nuôi tự phát, quy mô nhỏ lẻ từ 2 – 3 con lợn, nhiều thì 10 – 15 con. Hộ nào có điều kiện thì xây hầm biogas, còn hộ “ngắn” vốn thì chất thải xả tự do ra môi trường xung quanh, gây hôi thối, ô nhiễm.
Ngoài chăn nuôi lợn, mấy năm gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh hình thành khá nhiều HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình chăn nuôi bò quy mô vừa (từ 10 – 30 con).
“Đúng là phát triển chăn nuôi càng mạnh thì môi trường càng bị đe dọa. Để hạn chế chất thải chăn nuôi tác động tiêu cực đến môi trường, thời gian gần đây chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường tại các trang trại, hộ chăn nuôi. Thậm chí, đối với những trang trại quy mô lớn do doanh nghiệp đầu tư, nếu nhận thấy thiếu tính khả thi, có nguy cơ gây ô nhiễm Chi cục mạnh dạn tham mưu, kiến nghị ngành chức năng không cấp phép đầu tư, xây dựng, tránh hậu họa về sau”, một lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Tĩnh nói.
Phân hữu cơ được bón cho cỏ và cây cam bù |
Theo tìm hiểu của PV, ở các huyện, xã miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, vùng thượng huyện Can Lộc... chất thải từ chăn nuôi bò đang được sử dụng để ủ phân hữu cơ phục vụ sản xuất cây hàng năm và cây ăn quả. Tuy nhiên, việc thu gom, ủ phân đang thực hiện thủ công bằng hình thức rắc vôi, ủ hoai kèm chất độn như rơm rạ, thân lá cây ngô, lạc, đậu...
Tổ hợp tác chăn nuôi bò xứ Hốc Lầy, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn thường xuyên nuôi từ 10 – 15 con bò. Chất thải của đàn bò được xử lý thành phân vi sinh bón cho cỏ và 100 gốc cam bù. Anh Tống Trần Triền, tổ tưởng tổ hợp tác cho hay, do lượng chất thải không lớn lắm nên tổ hợp tác phải ủ thủ công. Việc ủ phân là rất cần thiết bởi hoạt động này vừa tiết kiệm được chi phí mua phân bón vừa bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm. Tuy nhiên, cách làm thủ công không xử lý được triệt để phân chuồng; chất dinh dưỡng trong sản phẩm phân ủ không cân bằng...
Ông Nguyễn Xuân Hoan thông tin thêm, việc ủ phân hữu cơ gần như chỉ trang trại nhỏ và nông hộ thực hiện, còn các trang trại chăn nuôi lớn lượng chất thải nhiều nên họ xử lý bằng công nghệ hiện đại, đầu tư hàng tỷ đồng. Đặc biệt, đối với phân lợn, công tác thu gom gặp nhiều khó khăn do người chăn nuôi xuỵt nước hòa tan, hơn nữa ở Hà Tĩnh không có nhiều diện tích canh tác cây công nghiệp như mía, cà phê, cao su...; tư duy người dân khá phụ thuộc phân vô cơ nên người chăn nuôi hầu như không quan tâm đến việc đầu tư công nghệ sản xuất phân hữu cơ.
Đối với phân lợn chủ yếu được xử lý trong hầm biogas để lấy khí đốt |
Hiện, BQL dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Hà Tĩnh đang tiến hành các bước lựa chọn nhà thầu để cung cấp thiết bị thực hiện mô hình ép phân tại 3 hộ dân ở xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà; xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên và một hộ ở thị xã Hồng Lĩnh.
“Mô hình này thành công sẽ giúp bà con tận dụng tối đa hiệu quả từ phân chuồng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường”, ông Hoan nhấn mạnh.
Theo đó, phân sau khi đi qua đường ống sẽ tách chất lỏng và chất rắn sang hai hệ thống khác nhau. Chất thải rắn sau khi đẩy vào hầm biogas tạo thành khí đốt phục vụ nấu nướng; chất lỏng được dùng để tưới cho cây trồng hoặc đổ ra hồ điều hòa.
Tác giả: THANH NGA - VĂN DŨNG
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam