Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng sự cố môi trường mà chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu đã mua bảo hiểm từ trước sẽ được trả lại tiền tương ứng đối với các gia đình bị ảnh hưởng sự cố môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh thăm hỏi ngư dân Lộc Hà |
Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn thực hiện chuyển đổi ngành nghề (từ khai thác đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản mặn, lợ, hậu cần nghề cá, nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm nghề khác). Mức vay vốn không quá 50 triệu đồng/hộ.
Ngoài ra, khi mua các thiết bị thông tin liên lạc trang bị cho tàu thuyền với giá trị tối đa 30 triệu đồng/tàu và đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí.
Bên cạnh đó, đối với các hộ dân, tổ chức đóng mới tàu cá; tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản sẽ được hỗ trợ.
Cụ thể, đối với tàu công suất từ 400CV/chiếc trở lên, được hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 300 triệu đồng.
Tàu công suất từ 250CV đến dưới 400CV/chiếc, được hỗ trợ 400 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 200 triệu đồng. Tàu công suất từ 90CV đến dưới 250CV/chiếc, được hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 100 triệu đồng.
Đối với các hộ dân, tổ chức khi vay vốn vốn để đóng tàu; mua ngư lưới cụ; mua trang thiết bị: Hàng hải, khai thác, bảo quản sản phẩm và bốc xếp hàng hóa trên tàu cá sẽ được hỗ trợ lãi suất vay 7%/năm.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ hơn 90 CV sang tàu có công suất từ 90 CV trở lên, được hỗ trợ 0,5 triệu đồng cho 01 CV tăng thêm.
Xây dựng hầm bảo quản sản phẩm khi đóng mới tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản có công suất từ 90 CV trở lên, theo công nghệ vật liệu PU (Polyurethane), được hỗ trợ 5 triệu đồng/m3, tối đa 150 triệu/tàu.
Hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ (bảo hiểm mọi rủi ro) ngoài nội dung theo quy định tại nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ, với mức hỗ trợ 30% đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 10% đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Thời gian hỗ trợ 5 năm, từ 01/7/2016 đến 30/6/2021.
Được biết, nguồn kinh phí hỗ trợ này lấy từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2016 để thực hiện. Nguồn tiền bồi thường của Formosa Hà Tĩnh, nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp khác sẽ hoàn trả sau.
Quyết định này hỗ trợ tổ chức, hộ dân, cá nhân các huyện huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà và Nghi Xuân thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Thừa Thiên – Huế: Chưa thể công bố thiệt hại Ngày 1/7, ông Lê Trần Nguyên Hùng, PGĐ Sở NN&PTNT cho biết, việc đánh giá thiệt hại cần thời gian và sự thống kê cụ thể. Theo ông Hùng, việc đánh giá thiệt hại, ngoài những việc trực tiếp về hoạt động đánh bắt của người dân thì còn có những thiệt hại mang tính gián tiếp, “vô hình” mà trước mắt không thể nắm bắt được. Trên địa bàn tỉnh TT – Huế có gần 6.000 hộ gia đình với khoảng 30.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. “Chúng tôi đang xây dựng đề án khôi phục và phát triển kinh tế trình UBND tỉnh và Chính phủ xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để giúp dân ổn định sinh kế. Mức thiệt hại cụ thể như thế nào chúng tôi chưa thể công bố”, lời ông Hùng. Quang Thành |
Văn Bình – Duy Tuấn