hatinh
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ cơ sở đông lạnh Nguyệt Quyền buồn bã bên hàng tỷ đồng tiền cá nhập về từ Hàn Quốc từ tháng 3 vẫn còn nguyên vẹn (Ảnh 5).

Nguy cơ trắng tay

Xã Thạch Kim được ví là “thủ phủ” của nghề cá. Nơi đây không chỉ người dân ngàn đời bám biển mưu sinh mà với lợi thế về cảng cá, Thạch Kim mỗi ngày đón hàng trăm chiếc tàu thuyền của các tỉnh về đây bán hải sản. Ai đã từng về Thạch Kim hẳn sẽ không quên mùi tanh của cá, mùi mằn mặn của nước mắm cá trích luôn sặc vào mũi trong từng đường làng, ngõ xóm. Hình ảnh những chiếc xe tải luôn nườm nượp đổ về đây để lấy hàng bỗng dưng vắng hẳn trong hơn chục ngày qua.

Khoảng 9 giờ sáng 27/4, PV Tiền phong có mặt trước trụ sở UBND xã Thạch Kim, có khoảng hơn chục người đang tập trung tại đây với vẻ mặt căng thẳng. “Chúng tôi vừa lên làm việc với lãnh đạo xã xong. Với tình trạng ế ẩm thế này không biết lấy tiền đâu để trả nợ. Hàng chục tỷ đồng có nguy cơ bị tiêu hủy trong nay mai”, chị Trần Thị Hoa, HTX Mạnh Hùng đại diện cho 15 hộ dân, HTX kinh doanh thu mua hải sản tại đây bật khóc.

Theo chị Hoa, trong mấy năm trở lại đây, với lợi thế có cảng biển nên rất đông tàu thuyền từ các tỉnh Thanh Hóa trở vào đến Đà Nẵng thường xuyên đánh bắt cá ở khu vực Bắc Trung bộ nên thường vào đây nhập hàng. Theo đó, nhiều người dân chớp lấy cơ hội vay tiền tỷ để đầu tư tủ đông thu mua hải sản để nhập cho các thương lái trong và ngoài nước.

“Hiện tại trong tủ đông của tôi có 30 tấn cá loại đắt tiền được thu mua từ tháng 2 và 3 với số tiền gần 5 tỷ đồng. Số cá này không liên quan gì đến việc cá chết vừa xảy ra đâu. Ấy vậy mà giờ đây bạn hàng thông báo không lấy hàng nữa mà không biết giải quyết thế nào”, chị Trần Thị Hoa lo lắng nói.

Hàng chục tỷ đồng mua cá sạch chờ ngày tiêu hủy - ảnh 1Hơn chục hộ dân, HTX kinh doanh cá tại Thạch Kim đứng trước nguy cơ trắng tay, nợ nần. 
Hàng chục tỷ đồng mua cá sạch chờ ngày tiêu hủy - ảnh 2Hơn chục hộ dân, HTX kinh doanh cá tại Thạch Kim đứng trước nguy cơ trắng tay, nợ nần. 
Hàng chục tỷ đồng mua cá sạch chờ ngày tiêu hủy - ảnh 3Khu bốc cá trước đây nhộn nhịp người lên kẻ xuống nay trơ trọi chiếc máy xay đá

Chủ cơ sở đông lạnh Thanh Hiền khóc nức nở khi nhiều ngày qua, số hàng không bán được nên cứ 4 giờ sáng con dâu do lo lắng đem ít cá ra chợ bán phải đưa về vì người dân không ngó ngàng tới. “Trời ơi, cá nục của chúng tôi nhập từ Hàn Quốc về cách đây 2 tháng.

Gần 6 tỷ đồng tiền cá trong tủ đông được lực lượng chức năng kiểm tra và chứng nhận an toàn thực phẩm rõ ràng. Mỗi tháng phải bỏ ra gần 100 triệu tiền điện, tiền nhân công, tiền lãi suất…Với đà thời hạn sử dụng không còn, gia đình chỉ có nước bán nhà để trả nợ”, chủ cơ sở đông lạnh Thanh Hiền, chị Trần Thị Hiền bật khóc nức nở giữa mọi người.

Các chủ cơ sở kinh doanh cho biết, không chỉ hàng tỷ đồng tiền cá bị “nhốt” trong kho chờ đến ngày khai tử mà mỗi ngày họ phải bỏ ra tiền triệu để trả tiền điện, tiền lãi suất vay ngân hàng để mua cá, tiền công nhân. “Sáng nay cầm hóa đơn tiền điện hết 23 triệu đồng, nhiều chủ tàu gọi điện đòi tiền cá của tháng trước. Trong khi hàng trong kho không bán được”, chị Phạm Thị Minh kể.

Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết, toàn xã có 15 hộ, HTX kinh doanh thu mua hải sản và hơn 100 tàu, thuyền đánh bắt. “Số cá đó không liên quan gì đến việc cá chết ở Vũng Áng cả. Hiện hàng chục tỷ đồng của người dân đang nằm trong tủ đông. Tàu thuyền người dân đánh bắt hải sản về giá quá thấp nên nhiều người cho thuyền nằm bờ”, ông Hà Minh Tân cho hay. Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, sáng qua, lãnh đạo xã đã báo lên UBND huyện, Sở Công thương Hà Tĩnh về những kiến nghị của bà con như giảm thuế, lãi suất vay vốn ngân hàng…

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Sáng qua, tại cảng cá Thạch Kim, hàng trăm chiếc tàu đánh bắt của ngư dân trong xã và một số tỉnh lân cận nằm im lìm. Các hộ kinh doanh vắng người qua lại, trên các thuyền, không khí buồn bã hiện hiện rõ trên từng khuôn mặt, bến cảng bốc cá những ngày trước đây nườm nượp người tập trung bốc xếp nay vắng tanh chỉ mỗi chiếc máy xay đá trơ trọi.

Hơn 7 năm nay, thuyền anh Lê Đình Nam, trú tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa cùng các bạn thuyền khác thường xuyên vào nhập cá, mực, tôm tại cảng Thạch Kim. Tuy nhiên mấy ngày nay, giá cá rớt thê thảm làm anh và bạn thuyền không buồn dong thuyền ra khơi. “Hải sản chúng tôi đánh bắt ở khu vực Cửa Lò trở ra đâu liên quan gì đến vụ việc cá chết ở Kỳ Anh.

Thế mà giá cá rớt thê thảm quá làm nhiều tàu thuyền không buồn đi biển. Chưa năm nào sản lượng hải sản đánh bắt được nhiều như năm nay. Nào ngờ…”, anh Nam buồn bã nói. Trong khi đang nói chuyện với PV, điện thoại anh Nam đổ chuông. Sau ít phút trao đổi, anh Nam cho biết người thu mua hải sản cho biết giá tôm giảm tiếp hai giá nữa.

Ngư dân Phạm Xuân Huy, trú tại xã Thạch Kim cho biết, chưa bao giờ sản lượng cá đánh bắt được nhiều như năm nay, đặc biệt các loại cá đánh ở ngư trường gần bờ như cá trích, cá đục.

“Lộc biển đang ban tặng cho ngư dân. Vậy mà bỗng dưng cá chết ở tận đậu tận đâu làm khổ người dân nghèo ở đây. Giá cá rớt hơn một nửa, đánh bắt về khó bán nên người dân không mặn mà vượt sóng ra biển”, anh Phạm Xuân Huy nói. Cũng theo anh Huy và bạn thuyền, hơn chục ngày qua, người dân đánh cá ven bờ ở xã Thạch Kim vẫn ra biển đánh cá về để sử dụng trong các bữa ăn của gia đình.

Hôm qua, PV Tiền phong có cuộc khảo sát tại nhiều chợ trung tâm trên các địa bàn như chợ Vườn Ươm (TP Hà Tĩnh), chợ cá Thạch Kim…các tiểu thương kinh doanh hải sản cá biển gần như đóng cửa hoàn toàn.

“Nhiều tiểu thương buôn bán các mặt hàng thức ăn khác không nắm được sự việc cứ xem trên mạng rồi tuyên truyền cho người dân rằng cá, mực… nguy hiểm này nọ để họ bán được mặt hàng của mình vô tình làm nguy hiểm thêm tình hình. Mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân để chúng tôi trở lại làm ăn sinh sống”, một tiểu thương buôn bán hải sản ở chợ Vườn Ươm nói.

“Với tình trạng này người đi biển biết lấy gì để sinh sống đây”, Giám đốc BQL các Cảng cá Hà Tĩnh, ông Bùi Tuấn Sơn thốt lên qua điện thoại với PV Tiền phong. Theo ông Sơn, có nhiều mặt hàng hải sản giảm giá xuống còn một nửa như mực ống tươi giá từ 260 nghìn đồng/kg, nay giảm xuống 160 nghìn đồng/kg.

Minh Thùy