Với con trẻ, Ông già Noel luôn có thật, như một “ông tiên” nâng niu những giấc mơ và niềm tin ấm áp trong trái tim các bé. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên dối trẻ về việc ông già Noel có thật, sẽ ảnh hưởng đến niềm tin khi chúng phát hiện điều ngược lại.
Các nhà tâm lý học thế giới, họ vẫn ủng hộ cho sự “lừa dối ngọt ngào” này. Họ cho rằng, việc khuyến khích trẻ em tin ông già Noel sẽ thúc đẩy phát triển đạo đức của trẻ.
Status của chị Vinh Hoa viết trên trang Facebook cá nhân về con gái |
Báo điện tử Infonet xin giới thiệu tới bạn đọc bức thư “Ông già Noel chào cháu yêu!” của cháu Phan Bùi Tiểu Ngọc (10 tuổi), lớp 5A, Trường tiểu học Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đóng vai ông già Noel gửi thư tới mẹ mình. Bức thư đã đánh vào tâm lý người lớn khi vẫn luôn muốn dành cho con nhỏ những mầm yêu tuổi thơ về một ông già Noel có thực
Bức thư là sự “vỡ mộng” của Tiểu Ngọc, khi suốt 10 năm qua, mẹ cháu đã “lừa dối” cháu rằng ông già Noel là có thực. Năm nào cũng vậy, cháu hăm hở đón ngày Noel chỉ với mong ước viết thư cho ông, được ông tặng quà. Bởi trong suy nghĩ của Ngọc, chỉ có ông già Noel mới hiểu được tâm lý trẻ nhỏ, biết được ước mơ của mình. Sự kỳ vọng đó, thôi thúc cháu cố gắng, chăm ngoan, học giỏi.
Thế rồi, một ngày cháu nhặt được tờ rơi của Bưu điện về dịch vụ tặng quà ông già Noel, cháu vỡ mộng, khóc suốt mấy ngày. Cháu trách mẹ sao lại lừa dối con “Mẹ có biết làm như thế là tổn thương tâm hồn con không?”.
Mẹ cháu là chị Bùi Thị Vinh Hoa (SN 1981, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Hồng Lam, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã phải làm một cuộc tâm lý để cháu hiểu. Mẹ kể về tuổi thơ của mình, vất vả, thiếu thốn, chưa một lần được nhận quà.
Hình ảnh hai mẹ con cháu Tiểu Ngọc |
Chị Vinh Hoa kể, khi cháu phát hiện ra sự thật ông già Noel là không có thật, chính mẹ cháu đã “lừa dối” cháu, khiến chị lo lắng, sợ con sẽ buồn lòng. Thế rồi, đêm Noel 24/12 vừa qua, chị bất ngờ, xúc động khi con gái 10 tuổi của mình đã đóng vai Ông già Noel gửi thư cho mẹ, tặng quà cho mẹ, bù đắp nhưng thiệt thòi, mất mát của mẹ.
Trong bức thư cháu viết cho mẹ, “Ông sẽ cho cháu một món quà còn đáng giá hơn cả đồ chơi và bánh kẹo. Đó là một thiên thần – một thiên thần bé nhỏ sẽ tô sáng cuộc đời cháu. Thiên thần bé nhỏ đó sẽ cho cháu những gì mà tuổi thơ cháu chưa có”.
Từ chỗ buồn, thất vọng thì Ngọc đã thay đổi suy nghĩ, một sự chín chắn mà có lẽ đứa trẻ 10 tuổi khó ai nghĩ tới. Cháu thay mặt ông già Noel viết “tâm thư” gửi mẹ, ở đó bao trăn trở, suy nghĩ về mẹ – thương, hiểu mẹ nhiều hơn.
Trong thư cháu viết, “Cháu yêu của ông có biết không, đôi khi một đứa trẻ sẽ dạy cho chúng ta một bài học về cuộc sống và đôi khi chúng sẽ là tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Chúng ta noi theo nó cái gì, đó là câu hỏi ông đã suy nghĩ suốt 10 năm qua. Bây giờ ông đã tìm ra câu trả lời. Đó là sự chín chắn cũng như hiểu được tâm lý của người lớn”.
Tái bút, cháu đã nhắn mẹ rằng, “Đừng để những cơn đau đầu làm cho tình cảm mẹ con càng ngày càng xa cách”.
Theo chị Hoa, ý của cháu là đừng vì chuyện Ông già Noel có thực hay giả mà khiến mẹ con trách móc, giận hờn, miễn là chúng ta hạnh phúc về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Chị Hoa nhận ra rằng, suy nghĩ, bức thư, hạnh động của cháu đã cảnh tỉnh chị, chị không nghĩ con mình lại suy nghĩ sâu sắc đến vậy.
“Cảm xúc này, Mỵ em nhớ mãi. Yêu và thương con thật đó. Đây là bài học con dạy cho Mỵ là tình yêu, tình thương và sự chia sẻ” – Status chị viết trên Facebook.
Toàn bộ nội dung bức thư bé Tiểu Ngọc đóng vai Ông già Noel gửi mẹ:
Nội dung bức thư cháu Tiểu Ngọc viết cho mẹ |
— Nhà tâm lý học trẻ em Lynda Breen (Bệnh viện Alder Hey, Liverpool, Anh) cho rằng, việc khuyến khích trẻ em tin Ông già Noel sẽ thúc đẩy phát triển đạo đức của trẻ, cụ thể là việc Ông già Noel “biết” chúng ngoan hay hư rất có ích cho bố mẹ nhắc nhở con cái. — TS Neil Jeyasingam – nhà tâm lý học kiêm giảng viên ở Đại học Sydney (Úc) – nói: “Tôi nghĩ lý lẽ tốt nhất là những người tin Ông già Noel cũng là những người thực sự hiểu nhân vật ấy thực sự có ý nghĩa như thế nào. Chỉ lý do đó là đủ”. — Bác sĩ Breen tin rằng, câu chuyện về Ông già Noel là công cụ rất mạnh giúp nuôi dưỡng sự phát triển xã hội và nhận thức của trẻ. Đặc biệt trong xã hội công nghệ, trẻ trưởng thành sớm hơn. — Sau khi phỏng vấn 52 đứa trẻ trưởng thành và bố mẹ chúng, 2 nhà tâm lý học Carl Anderson và Norman Prentice ở Đại học Texas (Mỹ) kết luận, bọn trẻ thường tự khám phá ra sự thật về Ông già Noel khi chúng khoảng 7 tuổi. Những đứa trẻ được phỏng vấn nói rằng, khám phá là sự thật này là trải nghiệm tích cực. |