Nhiều năm nay, một số ngôi nhà nội trú của giáo viên tại địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã quá cũ kỹ, mục nát và xuống cấp nghiêm trọng sau thời gian dài được xây dựng. Đây chủ yếu là những ngôi nhà được xây hơn chục năm nay, dựa trên sự hỗ trợ của chính quyền xã cũng như công sức đóng góp của nhân dân.
Mặc dù chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng nhưng vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo để tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em giáo viên xa nhà, đi lại khó khăn tại một số trường ở các xã Hà Linh, Hòa Hải, Phương Điền…, huyện Hương Khê.
|
|
Khu nội trú của giáo viên trường THCS Phương Điền, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) sau hàng chục năm xây dựng nay đã xuống cấp. |
Trao đổi với PV, cô T.T.H (giáo viên trường THCS Hòa Hải) tâm sự: “Gia đình tôi đã ở bán trú tại đây là 8 năm. Trong những năm gần đây, các dãy nhà nội trú đang trong tình trạng nguy hiểm, nứt nẻ đủ đường, sập đổ lúc nào không hay. Các phòng ở đây đều là nhà gỗ xây lâu năm nên toàn bộ gỗ, ngói đều đã bị mối mọt, tường phòng là bị ẩm thấp và tróc lở dần dần, từ dưới nhìn lên nhà là thấy những khe sáng xuyên qua.Tới mùa mưa mặc dù đã dùng bạt để che chắn nhưng nhà vẫn bị dột như thường. Vì do hoàn cảnh khó khăn nên phải ở tạm lấy chỗ chui vào chui ra”.
Thực tế cho thấy, hàng ngày, trên địa bàn huyện này có hàng trăm giáo viên ngoại huyện và nội huyện phải đi đi về về vất vả với quãng đường 25 – 50km mỗi ngày (buổi trưa ăn bán trú tại trường).
Qua quan sát, không khó nhận ra thực tế mà giáo viên ở đây đang phải đối mặt. Căn phòng chỉ rộng chừng 20m2 quá đỗi chật hẹp để cả gia đình có thể sinh sống. Kê thêm cái giường, cái tủ là đã chắn hết lối đi nên nhiều gia đình không buồn mua sắm vật dụng cá nhân.
Nhiều giáo viên muốn thuê nhà dân ở tạm cũng không có nên đành chấp nhận sống tạm, nhưng rồi vì điều kiện, họ đã phải bám trụ từ năm này qua năm khác. Và thực tế này xảy ra ở nhà nội trú của giáo viên ở nhiều trường học khác trên địa bàn huyện Hương Khê.
Không chỉ vậy, chất lượng nguồn nước sinh hoạt cũng không được đảm bảo, thiếu thốn thường xuyên, nhất là vào mùa khô, giáo viên phải đi xin nước từ nhà dân rồi về chắt chiu từng tí nước sinh hoạt.
|
Tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt theo thời gian |
Hiện nay, trong toàn huyện có khoảng 10 trường có khu nội trú giáo viên đang trong tình trạng quá đát và xuống cấp như thế này.
Hiểu được khó khăn của anh chị em đơn vị, cô Phan Thị Thúy Ngân, Hiệu trưởng trường THCS Phương Mỹ chia sẻ: “Trong những năm qua, nhà trường đã trích một phần nào đó từ ngân sách cũng như xin kinh phí từ các nguồn hỗ trợ khác nhau để giúp đỡ anh chị em được đảm bảo hơn về cơ sở vật chất như xây dựng các công trình vệ sinh, vôi ve lại nhà cửa, sữa chữa các nhu cầu thiết yếu. Còn xa hơn là xây mới nhà nội trú để mọi người an tâm công tác thì cần phải có một nguồn kinh phí đầu tư rất lớn”.
|
Khu nhà tắm, bể nước sinh hoạt của giáo viên trường THCS Phương Điền, huyện Hương Khê |
Với tình trạng này kéo dài, nó không chỉ tác động đến chất lượng cuộc sống và tâm tư, nguyện vọng của giáo viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
“Để nâng cao chất lượng dạy học, rất mong các cấp, các ngành cũng như chính quyền địa phương huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để nâng cao chất lượng cuộc sống của anh chị em giáo viên được đảm bảo hơn nhằm an tâm công tác”, thầy Hồ Đình Cường, Chủ tịch công đoàn phòng GD&ĐT huyện Hương Khê mong mỏi.
HƯƠNG LY / ĐS&PL