Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Giảm cán bộ cấp xã, tại sao không?

Tính đến năm 2013, trên toàn quốc có hơn 11.000 xã, phường, thị trấn với khoảng 256.000 cán bộ, công chức hoạt động chuyên trách được hưởng lương. Tuy nhiên, số người hoạt động không chuyên trách (hưởng phụ cấp) ở cấp xã, thôn, tổ dân phố là gần 960.000 người, gấp nhiều lần so với quy định của Chính phủ tại Nghị định 92/NĐ-CP năm 2009. Cũng chính bởi vậy mới có hiện tượng một phường hay một xã có tới vài trăm cán bộ được hưởng lương và phụ cấp, gây băn khoăn trong dư luận. Đi tìm lời giải cho câu hỏi “Vì sao người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố có số lượng nhiều như vậy và giải pháp nào cho thực tế trên”, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề này.

Từ năm 2011, đến nay, Hà Tĩnh đã sắp xếp giảm trên 14.000 người hoạt động không chuyên trách, tiết kiệm 30 tỷ đồng/năm
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

PV: Thưa ông, hiện nay số lượng cán bộ cấp xã do địa phương hay do cấp nào quyết định? Việc quyết định như vậy dựa trên căn cứ nào?

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng: Theo Hiến pháp, ở nước ta, cấp xã là cấp chính quyền cơ sở trong hệ thống hành chính 4 cấp, là cầu nối trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân. Cán bộ cấp xã là người trực tiếp đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân và trực tiếp tổ chức để nhân dân thực hiện. Về đội ngũ cán bộ cấp xã, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định cụ thể 11 chức vụ bầu cử và 7 chức danh công chức chuyên môn. Trên cơ sở đó, năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/NĐ-CP về chức danh, số lượng cũng như các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Cụ thể, Chính phủ quy định số lượng cán bộ công chức cấp xã ( loại III, loại II và loại I)  từ 21-25 người, người hoạt động không chuyên trách từ 19 đến 22 người, ở thôn, tổ dân phố không quá 3 người.


PV:
Vậy các địa phương đã thực hiện Nghị định 92 của Chính phủ  như thế nào thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng: Trong thực tế, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương thì số lượng cán bộ, công chức cấp xã (đối tượng hoạt động chuyên trách, hưởng lương) hầu hết các địa phương đều bố trí trong khung số lượng do Chính phủ quy định. Riêng số lượng người hoạt động không chuyên trách hưởng phụ cấp ở cấp xã, thôn, tổ dân phố thì có cao hơn như báo chí đã nêu trong thời gian qua. Số lượng nhiều nhưng mức phụ cấp thấp do khó khăn về ngân sách nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động.

PV: Thưa ông, như vậy, nếu so với khung số lượng Chính phủ quy định thì người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố đã tăng cao. Vậy đâu là nguyên nhân của thực tế này?

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng: Nguyên nhân của tình trạng số lượng người hoạt động không chuyên trách nhiều là do ngoài việc thực hiện Nghị định 92 NĐ-CP, địa phương còn phải bố trí thêm các chức danh hoạt động không chuyên trách để thực hiện quy định của pháp luật về Dân quân tự vệ (thêm chức danh Phó chỉ huy quân sự xã, thôn đội trưởng theo Luật dân quân tự vệ và nghị định số 58/2010/NĐCP của Chính phủ) ; Pháp lệnh về công an xã (thêm Phó trưởng công an xã, công an viên) ; bảo vệ dân phố theo Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội đều muốn bố trí chức danh của tổ chức mình đến thôn, tổ dân phố.

PV: Thưa ông, như vậy, việc tăng thêm số lượng người hoạt động không chuyên trách là do cơ chế, chính sách. Vậy nếu số người này cứ tiếp tục tăng lên thì  Bộ Nội vụ có tham mưu gì để khắc phục thực tế này?

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng: Để khắc phục thực tế trên, trong năm 2013, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Theo đó, ngân sách Trung ương đã thực hiện khoán quỹ phụ cấp (bao gồm cả 3% bảo hiểm y tế) để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể số lượng, chức danh, mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố từ nguồn kinh phí khoán phụ cấp của ngân sách TW và nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương. Về lâu dài, thực hiện Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị TW7 khóa XI về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ TW đến cơ sở”, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, các địa phương có lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thực hiện khoán quỹ lương, quỹ phụ cấp và kinh phí hoạt động cho các tổ chức ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; đồng thời xác định rõ vị trí việc làm ở cấp xã, sắp xếp lại các thôn, tổ dân phố.

PV: Thưa ông, ông vừa nhắc tới việc sắp xếp lại các thôn, tổ dân phố nhằm giảm bớt số người hoạt động không chuyên trách. Đây cũng là kinh nghiệm của tỉnh Hà Tĩnh – địa phương duy nhất đang triển khai mạnh mẽ việc giảm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Ông có thể nói rõ hơn  kinh nghiệm của địa phương này?

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng: Được triển khai từ năm 2011, đến nay, Hà Tĩnh đã sắp xếp giảm được 680/2837 thôn, tổ dân phố, chiếm khoảng 24%, trong đó giảm 658 thôn và 22 tổ dân phố, đưa số thôn, tổ dân phố có dưới 100 hộ dân từ 36,13% trước đây xuống còn 8,3%, đồng thời giảm được trên 14.000 người hoạt động không chuyên trách, tiết kiệm được khoảng 30 tỷ đồng/năm, tác động tích cực đến kinh phí ngân sách và quy hoạch phát triển nông thôn mới. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp cùng Hà Tĩnh để sơ kết, đánh giá nhân rộng cách làm này.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Hương Giang/VOV- Trung tâm Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP