Thương binh 4/4 Lương Hữu Chất ở xã Tùng Lộc (Can Lộc) yêu cầu được đi giám định 20 năm mà vẫn chưa được. |
Ngày ấy, các con của mẹ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ra đi mang theo gia tài là đôi dép cao su, chiếc ba lô và lời mẹ dặn. Họ chỉ nghĩ đến Tổ quốc bị xâm lăng, đến nơi mà Tổ quốc cần, ra đi không hẹn ngày trở lại. Mẹ cũng vậy, dứt ruột trao những đứa con thân yêu nhất cho Tổ quốc, chỉ mong sớm hết chiến tranh, các con trở về lành lặn. Chiến tranh đã lùi xa, nhiều mẹ chờ không nổi, phải đi tìm con ở thế giới bên kia. Các anh không về, ngôi nhà tranh liêu xiêu và tấm bằng Tổ quốc ghi công – “vật linh thiêng” thay cho tấm ảnh thờ giờ cũng chẳng còn…
Để được công nhận là Mẹ Việt Nam anh hùng, cần phải có đủ giấy tờ, chứng cứ. Bây giờ, các anh đã không còn, mẹ cũng không còn, thì làm sao có thể làm chứng! Nhân chứng không còn, thân nhân các mẹ cũng chỉ nghe qua câu chuyện kể của bà, của ông! Nếu họ biết trước một ngày nào đó bà được Nhà nước tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng, thì chắc chắn họ sẽ dặn bà lưu trữ hồ sơ rất kỹ càng khi còn sống!
Hôm nay, những người thương binh đang mang trong mình những vết thương chiến tranh; tuổi cao, sức yếu. Họ thương vợ, con luôn phải thiệt thòi vì bản thân mình. Khi trai tráng, họ xông pha trận mạc, cống hiến sức trẻ cho đất nước. Chiến tranh kết thúc, họ nghĩ mình còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã nằm lại chiến trường để quên đi sự so đo, tính toán. Tôi đã gặp rất nhiều thương binh, bệnh binh, vết thương còn găm trong người. Tuổi già, sức yếu, vết thương tái phát, trong khi tiền trợ cấp không đủ thuốc men thì rất cần giám định lại. Việc giám định lại cũng không hề đơn giản, bởi có quá nhiều thủ tục…
Ngày trước, ở chiến trường, bác sỹ, bệnh viện dã chiến sẽ là cơ quan giám định thương tật cho thương binh. Với phương tiện, thiết bị, năng lực cán bộ y tế chiến trường thời đó chắc chắn khó tránh khỏi những sai sót về chuyên môn, nhất là vết thương sâu, hiểm. Thiết nghĩ, việc giám định lại thương tật là quyền của người thương binh. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người thương binh được giám định lại, đảm bảo công bằng, quyền lợi cho họ. Rất tiếc, một số cán bộ làm công tác chính sách hiện nay chưa thực sự sâu sát, nhiệt tâm… khiến nhiều thương binh vẫn còn thiệt thòi, như thương binh Lương Hữu Chất ở xã Tùng Lộc (Can Lộc), một thương binh 4/4 đi đòi giám định 20 năm mà vẫn chưa được, khi đã sức cùng, lực kiệt…
Bùi Nhân