Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: Đừng để Quốc lộ 1A biến thành “đê bao” ngăn lũ! (Bài 2)

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đã và đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm gấp rút hoàn thành đúng thời hạn mà Bộ GT&VT đã giao. Tuy nhiên, việc nâng cao cốt nền của tuyến đường xuyên Việt này đã và đang biến Quốc lộ 1A dần trở thành tuyến đê bao ngăn lũ mới trong con mắt của hàng triệu người dân miền Trung.

>> Hoàn thành Quốc lộ 1A đoạn qua Hà Tĩnh: Đường “nổi”, nhà “chìm”

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A là công trình trọng điểm Quốc gia, có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan trong quá trình thi công và khi công trình hoàn thành đem vào sử dụng đã nảy sinh những hệ lụy khiến người dân sống ven tuyến đường này phải gánh chịu. Tầm nhìn khởi đăng một số bài viết xung quan vấn đề này

Làm đường quên lo thoát nước

Việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A nhằm thúc đẩy hoạt động vận tải, đi lại của người dân là việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết.

Tuy nhiên, việc nâng cốt đường 1A lên quá cao, trung bình từ 0,5 đến 0,7m, thậm chí nhiều nơi lên đến 1m, ngoài ra còn được bổ sung dải phân cách làm bằng bê tông cao gần mét và được xếp kín mít nhau đang khiến cho Quốc lộ đứng trước nguy cơ trở thành đê bao ngăn lũ mới.

Cống thoát nước cũ có khẩu độ quá nhỏ
Cống mới được thi công một cách khá cẩu thả

Trong quá khứ tuyến đường huyết mạch này từng nhiều lần được nâng cấp tu sửa nên cốt đường đã cao hơn so với mặt bằng khu dân cư. Dẫu vậy, chưa bao giờ người dân sống hai bên đường thấy Quốc lộ 1A được nâng cấp với cao độ lớn và triệt để như lúc này.

Tuy nhiên, điều đáng bàn là trong quá trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, về cơ bản hệ thống cầu, cống cũ vẫn được giữ nguyên do chất lượng còn tốt, chưa có dấu hiệu hỏng hóc nên vẫn tiếp tục được sử dụng. Trong khi số lượng cầu, cống mới được xây dựng bổ sung là không nhiều, đồng thời khẩu độ (cao & rộng) cầu, cống ít thay đổi.

Như vậy, có nghĩa là dù được nâng cao và mở rộng đồng loạt nhưng việc thiếu hệ thống thoát nước đã biến con đường thành tuyến đê bao ngăn lũ mới và nước lũ vốn dĩ khó thoát nay lại càng bí hơn. Đồng thời, nền đường cao sẽ khiến cho nước lũ dễ bị ứ đọng tạo sức ép lớn và trở nên hung dữ tàn phá các công trình giao thông quan trọng. Đặc biệt, việc nâng đường “quên” lo thoát nước vô tình đã chuyển ngập từ đường vào nhà dân.

Cảnh báo về nguy cơ ngập úng

Miền Trung với đặc điểm các con sông đều ngắn, dốc, lưu vực nhỏ nên đỉnh lũ nhọn, hễ mưa lớn là hầu như sẽ có lũ. Địa hình miền Trung lại hẹp ngang, có nơi chỉ có 50km (Quảng Bình), không có vùng trung du nên lũ tập trung nhanh. Dãy Trường Sơn kéo dài từ Bắc vào Nam, có nơi núi đâm ra tới biển (đèo Cả, đèo Hải Vân).

Các cửa sông luôn bị đưa lên phía Bắc do tác động của dòng hải lưu gần bờ và bị bồi lấp bởi gió mùa Đông Bắc. Hàng năm, chịu ảnh hưởng trung bình 6-7 cơn bão, có năm lên tới 10 cơn bão với lượng mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12.

Nền dường Quốc lộ 1A quá cao so với nhà dân khiến mùa mưa lũ rất dễ bị ngập

Các trung tâm kinh tế – xã hội miền Trung đều tập trung ở các vùng ven biển thường xuyên bị ngập lụt khi có lũ lớn, đặc biệt là khi có lũ kết hợp với triều cường. Đường Quốc lộ 1A và đường sắt chạy dài từ Bắc vào Nam như một tuyến đê ngăn lũ , chênh lệch mực nước giữa thượng và hạ lưu khi có lũ lên tới 2 – 3 mét.

Thực tế cũng chứng kiến trong những năm qua hầu như các địa phương miền Trung đều phải đối mặt với tình trạng ngập úng thường xuyên và kéo dài trong mùa mưa lũ, đỉnh điểm là những trận lũ lịch sử ở Thừa Thiên – Huế (năm 1999), Hà Tĩnh (năm 2010), Quảng Bình (2013),… Đặc biệt, tình hình mưa lũ trên địa bàn miền Trung ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp và khó đoán hơn bao giờ hết khi lũ thường lên rất nhanh (chỉ sau 1 đến 2 ngày) khiến người dân không kịp trở tay nên thiệt hại là rất lớn.

Trong báo cáo tình hình thiệt hại do lũ lụt trong những năm gần đây, hầu hết các tỉnh miền Trung đều đề cập đến sự nguy hiểm và thiệt hại do tình trạng ứ nước trên hành lang phía Tây Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam, đồng thời kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng thêm cống thoát nước, mở rộng khẩu độ thông thủy qua cả hai tuyến giao thông đường bộ lẫn đường sắt, cải tạo hệ thống cầu cống thoát nước trên trục giao thông huyết mạch Bắc – Nam và các tuyến đường ngang, tỉnh lộ để giảm nhẹ thiên tai.

Cảnh ngập lụt cục bộ trên Quốc lộ 1A (Nguồn: Internet)

Như vậy, việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua khu vực miền Trung cần phải tính toán kỹ, phải kết hợp đồng bộ giữa việc nâng cao nền đường với việc xây dựng hệ thống thoát nước và công tác phân lũ nếu không sẽ gây ngập úng cục bộ trên diện rộng hết sức nguy hiểm.

(còn tiếp)

 Hải Long – Hà Vy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP