Với mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, khi hoàn thành công trình này sẽ cung cấp nước tưới cho 32.585 ha đất canh tác nông nghiệp cho trên 8 huyện, thị ở Hà Tĩnh. Dự án do UBND Tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư và Ban quản lý dự án (BQLDA) Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh (NN&PTNT) chuyên trách dự án.
Mái kè bị sạt lở dài khoảng 90m, chiều rộng khoảng 25m, sâu hàng chục mét.
Mặc dù đang trong giai đoạn thi công và hoàn thành các hạng mục, nhưng rất nhiều hạng mục của dự án đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp. Một số gói thầu xảy ra tình trạng sạt lở hết sức nghiêm trọng, bắt buộc phải dừng thi công để điều chỉnh, gây ra tình trạng chậm tiến độ, lãng phí tiền của và gây bức xúc cho nhân dân trong khu vực.
Trước hết phải kể đến công trình đập dâng Vũ Quang. Được thiết kế gồm bờ tràn và cống xả đáy để làm sạch lòng hồ, công trình có tác dụng ngăn dòng chảy, dẫn nước vào hệ thống kênh nổi, đưa về xuôi phục vụ sản xuất, sinh hoạt. BQLDA Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình) trực tiếp thi công công trình.
Mặc dù vừa mới hoàn thành chưa được bao lâu, nhưng nhiều hạng mục đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Chiều dài mái kè bị sạt lở khoảng 90m, rộng khoảng 25m, sâu hàng chục mét. Toàn bộ cấu kiện bê tông lục lăng dày 25cm, khung dầm chịu lực rộng 45cm, dày 25cm, đá dăm lót dày 15cm, đất đắp nền k95 và hệ thống vải địa kỹ thuật đều bị xói lở, cuốn trôi.
Toàn bộ cấu kiện bê tông lục lăng dày 25cm bị cuối trôi xuống sông, chỉ còn lại một phần rất nhỏ.
Theo ghi nhận tại hiện trường của phóng viên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cống xả đáy, xả cặn lòng hồ có vị trí thiết kế nằm ngay sát mép tràn, hướng xả đổ thẳng vào bờ kè, phía chân khay, rọ đá của mái kè, chịu áp lực xả rất lớn nên công trình vừa thi công xong đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Cống xả đáy, xả cặn lòng hồ, được thiết kế ngay sát mép kè, hướng xả lại đổ vào khúc eo, phía chân khay, rọ đá của mái kè, áp lực xả tương đối lớn.
Hiện tại, Tập đoàn Sơn Hải đang triển khai công tác khắc phục sự cố. Tuy nhiên, lực lượng được huy động đến công trường rất mỏng, tốc độ khắc phục hết sức chậm, phương pháp khắc phục là đổ đất đá xuống trực tiếp điểm sạt lở. Trong khi đó với khối lượng nước trong lòng hồ rất lớn nên cống đáy vẫn xả với áp suất cao, hướng xả vẫn như cũ cho nên đất đá đổ xuống đây tựa như “muối bỏ biển”.
Tập đoàn Sơn Hải đã triển khai khắc phục sự cố. Tuy nhiên, lực lượng được huy động đến hiện trường rất mỏng, tốc độ khắc phục rất chậm.
Cùng nằm trong hệ thống Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, về phía hạ lưu của dự án, gói thầu số 3 vừa bị vỡ đê quai, cuốn trôi chiếc cầu dân sinh, nhấn chìm hàng chục hecta lúa và hoa màu của người dân ở xã Đức Bồng (huyện Vũ Quang) trong nước.
Hàng chục hecta lúa và hoa màu của người dân chìm trong nước.
Dư luận cho rằng, do tích nước nhiều trong các gói thầu số 1, số 2, kết hợp với trận mưa trưa 2/2 nên bờ ngăn giữa gói thầu số 2 và số 3 bị vỡ. Nước chảy rất mạnh, kênh dẫn tạm ở gói thầu số 3 không thoát kịp nên bờ đê quai cũng bị cuốn trôi.
Một người dân thôn 7 cho biết, do bờ đê quai ở gói thầu số 3 mới đắp, nền đất khu vực xung quanh còn yếu nên khi đê vỡ đã kéo theo hàng ngàn mét khối bùn đất, vùi lấp hoa màu của dân.
Đê vỡ làm bùn đất xuống vùi lấp toàn bộ diện tích hoa màu của người dân.
Cũng theo người này thì lúc đó vào khoảng giữa trưa, nước đổ rất mạnh khiến đê quai vỡ, đồng thời cuốn luôn cây cầu và gây ngập úng rất nhiều diện tích lúa mới gieo ở cánh đồng Nhà Ngâm, cánh đồng Nhà Bè.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Trần Quốc Thể, cán bộ địa chính xã Đức Bồng cho biết: “Sau khi đê bị vỡ, chính quyền địa phương đã mời BQLDA Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, Tiểu ban GPMB của huyện và đơn vị nhà thầu để làm việc. thống nhất phương án bồi thường cho người dân. Trước mắt, BQL chỉ đạo đơn vị nhà thầu sẽ đền bù cho những hộ dân bị thiệt hại theo Nghị quyết 02 của UBND tỉnh”.
“Hiện tại, diện tích thiệt hại của người dân vẫn chưa thống kê một cách chính xác được. Hôm qua thì xác định khoảng 8.000m2 nhưng hôm nay nước rút, một số diện tích phát sinh thêm nên phải thống kê lại. Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ cùng với Phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang kiểm tra, đánh giá lại cụ thể, sau đó mới có phương án giải quyết”, ông Thể nói thêm.
Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, hai gói thầu thuộc dự án Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Trong khi đó, về phía các nhà thầu, họ đều khẳng định đã thi công đúng theo thiết kế, đảm bảo chất lượng.
Vậy nguyên nhân của những sự cố trên đến từ đâu? Lỗi do thiết kế hay tư vấn giám sát? Liệu rằng rất nhiều tỷ đồng tiền đầu tư của nhà nước có thực trôi theo dòng nước? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?
Trong bài viết tới, Báo Xây dựng sẽ thông tin đến bạn đọc những sai phạm ở các công trình do BQLDA của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.