Dự án do Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với hai cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Thép Vạn Lợi và Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành, khởi công cuối năm 2007, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2009.
Được biết, dự án Nhà máy thép Vạn Lợi được khởi công vào năm 2008, tọa lạc trên diện tích hơn 2,5ha thuộc Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng 1 (phường Kỳ Thịnh, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nằm sát quốc lộ 1A.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng và sau đó được điều chỉnh lên hơn 2000 tỷ đồng do Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư (trong đó có 2 cổ đông lớn nhất là Công ty Vạn Lợi 64% và Công ty Hợp Thành 34%).
Dự án này triển khai theo hình thức các ngân hàng hùn vốn cho dự án với mức ngân hàng chịu cho vay 85% (trên tổng mức đầu tư dự án) và chủ đầu tư là 15% còn lại.
Trong giai đoạn 1 thực hiện dự án, số tiền mà nhà đầu tư đã rót vào dự án này gần 1.000 tỷ đồng và phần lớn nguồn tiền là đi vay.
Có ba ngân hàng tham gia cho Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh vay và đã giải ngân hơn 750 tỷ đồng gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) gần 600 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gần 50 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hơn 70 tỷ đồng.
Với sự góp vốn của các ngân hàng, ngay sau khi khởi công xây dựng, tổng thầu đã triển khai thi công ồ ạt.
Nhiều hạng mục cơ bản và một số hệ thống thiết bị đã được lắp đặt, hệ thống nhà điều hành, nhà trộn, các khu nhà xưởng, cột khói lò cao… đã được dựng lên. Người dân thị xã Kỳ Anh tin rằng, dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm cho khoảng 1.200 lao động địa phương.
Tuy nhiên, sau một thời gian khá dài thi công, trái với sự hào nhoáng ban đầu, từ năm 2010, do gặp nhiều khó khăn về vốn, dự án có dấu hiệu ngưng trệ thi công, phía tổng thầu Trung Quốc đã rút toàn bộ công nhân về nước.
Sau khi dự án được triển khai vài tháng, Công ty Gang thép Hà Tĩnh cơ bản đã đưa các hệ thống thiết bị công nghệ cao về lắp đặt, xây dựng hệ thống nhà điều hành, nhà trộn, các khu nhà xưởng, cột khói lò cao.
Thế nhưng chỉ được mấy tháng, đến cuối năm 2009, chủ đầu tư thông báo cho cán bộ, công nhân làm việc nơi đây tạm dừng thi công một số hạng mục. Dần dần, toàn bộ dự án bị ngừng thi công hoàn toàn.
Từ một dự án đang xây dựng nhộn nhịp hàng trăm con người dần dần chỉ còn mấy người bảo vệ. Đến nay, sau cả chục năm ngóng đợi, dự án vẫn chưa thể cho ra lò một cây thép nào. Thiết bị, máy móc, hạng mục hạ tầng của dự án nằm chỏng chơ, gây thất thoát, lãng phí.
UBND tỉnh Hà Tĩnh ngay sau đó đã tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn nhằm giúp dự án tiếp tục được triển khai nhưng bất thành do chủ đầu tư không thể có đủ vốn và không còn quyết liệt thực hiện. Không có phương án khả thi, đến năm 2015, tỉnh ra quyết định thu hồi đất, giấy chứng nhận đầu tư của dự án và yêu cầu chủ đầu tư phối hợp các cơ quan chức năng xử lý việc thanh lý dự án, tháo dỡ máy móc, thiết bị, lấy tiền trả nợ.
Các ngân hàng đã cho dự án vay tiền đều rất lo lắng vì khả năng thu hồi vốn rất khó khăn do các hạng mục, hạ tầng của dự án giờ chỉ còn là “đống sắt vụn”, cho nên được định giá chỉ hơn 108 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo quyết định mới nhất về việc thi hành án của Chi cục Thi hành án thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh phải trả cho các ngân hàng số tiền đã vay bao gồm cả gốc và lãi là hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án được triển khai theo hình thức các ngân hàng hùn vốn với mức cho vay 85% trên tổng mức đầu tư dự án và chủ đầu tư chỉ phải bỏ ra 15%. Chủ đầu tư lấy chính dự án ra thế chấp, tức là tài sản hình thành trong tương lai.
Hiện tại, việc xác định tài sản để tiến hành cưỡng chế, kê biên chỉ gồm các thiết bị, máy móc nhập khẩu phục vụ việc xây dựng nhà máy, tài sản công trình gắn liền với quyền sử dụng đất,… được định giá rất thấp.
Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng đều đang lo lắng, rất khó thu hồi toàn bộ số tiền hơn 750 tỷ đồng đã cho vay, chưa nói đến tiền lãi. Bên cạnh dự án “chết yểu” này, dự án Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang của Công ty TNHH một thành viên Vũ Quang có tổng mức đầu tư hơn 158 tỷ đồng, công suất 500 nghìn tấn quặng/năm, đi vào hoạt động từ năm 2009 nhằm cung cấp quặng sắt cho dự án cũng buộc phải đóng cửa từ năm 2011 vì nguyên liệu làm ra không có nơi tiêu thụ và cũng đang “ôm” một khoản nợ cả trăm tỷ đồng.
Cổng vào nhà máy thép Vạn Lợi được đầu tư hơn 2000 tỷ đồng bị bỏ hoang |
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến dự án bị đình trệ, bỏ hoang là do chủ đầu tư hạn chế về nguồn vốn, đầu tư dàn trải, cũng như chưa tính toán hết hiệu quả trong khi năng lực của quản lý yếu kém.
Dự án không phải trường hợp cá biệt, bởi đã có nhiều dự án đang phải trả giá. Chẳng hạn, như dự án mở rộng giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) có tổng vốn đầu tư tăng từ hơn 3.800 tỷ đồng lên hơn 8.000 tỷ đồng, sau 10 năm triển khai đang ôm số nợ hơn 3.900 tỷ đồng và đắp chiếu 4.400 tỷ đồng đã đầu tư cùng số tiền lãi mỗi tháng phải trả là hơn 40 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vừa qua, trong thông báo gửi các cổ đông, Tisco cho biết đang có nguy cơ phá sản do mất cân đối tài chính, không có khả năng trả được các khoản nợ đến hạn.
Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho rằng, việc để thất thoát, thua lỗ tại dự án là một điển hình của sự yếu kém trong quản lý, sự dễ dãi trong cấp phép đầu tư dự án, sự liều lĩnh của các ngân hàng trong việc thẩm định dự án, tự nhận về mình quá nhiều rủi ro khi cam kết đầu tư 85% tổng vốn của dự án.
Dù chưa có cơ sở để kết luận có hay không việc cố ý làm trái các quy định về cho vay vốn, giải ngân vốn vay dẫn đến hậu quả làm thất thoát vốn, nhưng rõ ràng có tình trạng vô trách nhiệm trước một khối lượng tài sản lớn khi các ngân hàng cho vay tiền để chủ đầu tư dự án mua máy móc, thiết bị nhưng không hề có sự giám sát, bảo vệ tài sản hình thành từ vốn vay của mình.
Số phận dự án đã được định đoạt, còn riêng khoản nợ các ngân hàng rót vào dự án này và những hệ lụy để lại vẫn là dấu hỏi lớn. Nếu số nợ nêu trên không được xử lý, sẽ khiến “cục” nợ xấu tiếp tục phình to ra, ảnh hưởng đến xã hội và nền kinh tế.
Vì vậy, cần sớm thanh tra toàn diện dự án để xác định nguyên nhân, trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan sai phạm; có các biện pháp xử lý kịp thời, tập trung thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát để những trường hợp như vậy không trở thành những tiền lệ xấu trong tương lai.
Đến nay, sau 10 năm bỏ hoang, toàn bộ khu đất trở thành hoang tàn. Nhiều máy móc, thiết bị, nhà xưởng trong dự án thành đống sắt vụn, hoen gỉ, hư hỏng.
Tác giả: Ngọc Ánh
Nguồn tin: Báo Môi trường và Cuộc sống