Tình trạng kinh tế suy thoái tác động rõ nét không chỉ ở thành phố mà ngay cả nông thôn. Con em làm xa kiếm việc khó khăn, lương lại thấp. Những nhà có con đi học xa lại càng khó khăn hơn, mùa màng liên tục bị thời tiết và sâu bọ phá hoại, vì vậy nếu chỉ trông vào hạt lúa thì người nông dân rất khó sống. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây cuộc sống người nông dân ở quê tôi đã có nhiều tín hiệu đáng mừng, một lần nữa đồng ruộng lại hào phóng với người nông dân.
Quê tôi Hà Tĩnh mưa tầm tã, nắng cháy da, nhưng những ngày tháng 4, tháng 5 khi cây lúa đang vào vụ trổ đòng thì ruộng luôn ngập nước. Thời điểm này thuận lợi cho nhiều loài sinh sống ở đồng ruộng như cua đồng, lươn, ếch, ốc bươu…sinh sôi phát triển. Đây chính là những loài giúp cho bà con cải thiện đời sống. Nếu trước đây những loài trên là nguồn thức ăn có sẵn mà bà con không mất tiền mua, thì bây giờ những loài này đều được thu mua với giá khá cao.
Trở về làng quê những năm gần đây, không khí lao động của người dân có nhiều thay đổi. Ban ngày mỗi người mỗi việc nhưng đến thời điểm sau bữa cơm tối, mỗi người mỗi đèn, mỗi xô cùng ra đồng bắt đầu công việc bắt cua, bắt ốc. Mấy năm trước chỉ có vài người làm việc này thì bây giờ nhà nhà đều làm. Nhìn lên đồng ánh đèn chi chít chẳng khác nào đường phố.
Ở chỗ tôi ngoài loài ếch thường như người ta vẫn quen gọi còn có thêm một loài ếch nữa có tên khác – chàng. Khác với ếch, vốn có da khá nhám, màu xám, loài chàng lại có thân hình nhỏ hơn, da trơn bóng và có màu vàng cam. Anh trai tôi cho biết, ếch tuy chỉ có trong giai đoạn tháng 5 nhưng giá cả thường ổn định ở 80 nghìn/kg, chàng thì có thể soi được quanh năm nhưng giá thường không ổn định. Hiện tại là 50 nghìn/kg, nếu bắt được thì có người đến tận nhà thu mua. Chàng có trọng lượng tầm 0,5 lạng/con, trong khi đó ếch thường ở mức 3-7 lạng/con.
Do đi bắt ếch vào mùa sinh sản, khi mà chúng tập trung với nhau nên có nhiều lúc anh tôi có thể bắt được gần 2 kg ở cùng một nơi. Một buổi đi soi bắt đầu từ lúc 19h tới 22h anh có thể bắt được từ 2- 3kg, như vậy mỗi đêm anh có thể kiếm được 150 nghìn, ngang bằng với một ngày công thợ xây của anh
Lươn cũng là một loài có giá thu mua khá cao, người ta có thể câu, đào, đi soi hoặc thả túm (một loài bẫy lươn bằng thân cây nứa, một đầu kín đặt nổi trên không khí và một đầu có đan nắp sao cho khi con lươn vào được thì không thể ra được). Mỗi phương pháp đều đòi hỏi kinh nghiệm ở người đi bắt.
Để câu được lươn thì phải tìm thấy hang lươn. Mỗi hang thường có hai cửa, một ngập dưới nước để lươn đi kiếm ăn, một ở trên cạn để lươn thở. Cửa mà người ta đặt lưỡi câu chính là lỗ trên cạn này. Lỗ này thường được phủ phía trên một lớp lá hoặc lớp đất, người thợ câu chỉ cần lấy lớp trên cùng đi sau đó đổ vào đấy nước có con giun đất để dụ lươn lên ăn mồi và đặt câu.
Mặt khác, để tăng hiệu quả thì người ta còn dùng ngón tay búng dưới nước để tạo ra âm thanh giống như tiếng con lươn ăn mồi. Không giống như cá là khi câu phải giật để lưỡi câu cắm vào miệng và không bị rơi ra, lươn lại giống như ếch, khi ăn thường ngậm chặt lấy mồi và dù như thế nào cũng không chịu buông ra.
Do đó, khi lươn đã ăn mồi thì người thợ câu phải kéo từ từ nó ra khỏi lỗ và túm chặt nó. Tuy những con lươn to thường ít nhưng câu chúng lại dễ hơn bởi những con lươn nhỏ miệng bé nên khi ngậm mồi thường không ngậm hết cả lưỡi câu mà chỉ ngậm một phía, do đó đòi hỏi phải có kỹ thuật riêng để có thể kéo nó ra khỏi lỗ.
Những con cua tươi ngon vừa bắt được ngoài đồng. Ảnh: Trần Hoàng Công
Khác với lươn hay cua đồng, ốc đồng chỉ cần tìm ra nơi chúng sống là được. Theo kinh nghiệm mò ốc bươu đồng của những người trong nghề thì để dễ dàng bắt được nó đòi hỏi phải đi vào ban đêm và phải chấp nhận lội xuống ao. Không cần phải mò ốc, mà vào ban đêm ốc bươu đồng thường nổi lên trên mặt nước để kiếm ăn. Những nơi chúng sống thường là những ao, hồ có bèo. Ao, hồ càng nhiều bèo thì chúng càng nhiều nhưng để bắt được dễ dàng mà ít tốn công sức thì cần tìm tập trung ở những vị trí bèo thưa, đặc biệt là những nơi có dòng nước chảy, lúc ấy chỉ cần rẽ lớp bèo ra là có thể thấy chúng, hoặc có thể kết hợp mò ở phía đáy hồ.
Thường bắt ốc về ăn người ta tránh mùa sinh đẻ vì lúc ấy trứng trong ốc nhiều, không ngon. Ngược lại người mò ốc về để bán lại rất thích những con này vì đơn giản chúng có kích thước lớn.
Lươn, ốc, cua nếu trước đây là kẻ thù của nhà nông, phá hoại mùa màng, đục bờ ruộng, bờ kênh làm cho việc lấy nước gặp nhiều khó khăn thì bây giờ sức sinh sản mãnh liệt của chúng lại làm bà con cảm thấy vui.
Hiện tại giá cua đồng là 45 nghìn/kg, ốc bươu là 35 nghìn/kg, lươn 80 nghìn/kg, ếch 60 nghìn/kg. Đối với người nông dân đó là một khoản thu nhập không nhỏ cải thiện cuộc sống cho họ. Việc tiêu thụ cũng hết sức dễ dàng khi mà mỗi làng đều có một người thu mua, thậm chí họ còn chạy xe ra tận đồng để thu mua.
Ngoài vụ lúa chính thì đồng ruộnggiờ lại rất hào phóng cung cấp cho người nông dân những loài nông sản khác, cải thiện đời sống cho bà con.
Trần Hoàng Công
VNE