Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Doanh nghiệp giả mạo chữ ký để qua mặt các cơ quan chức năng?

Liên quan đến việc 8 hộ NTTS có nguy cơ “mất trắng” hàng chục tỷ đồng do “dự án chồng lên dự án” ở xã Thạch Châu- huyện Lộc Hà- Hà Tĩnh khiến các hộ này phải viết đơn kêu cứu. Để rộng đường dư luận, PV ThanhtraVietNam đã tiếp tục tìm hiểu và được biết các hộ NTTS này đang hết sức bức xúc vì doanh nghiệp bất chấp pháp luật giả mạo chữ ký của họ để qua mặt các cơ quan chức năng?

Doanh nghiệp giả mạo chữ ký để xin gia hạn chủ trương đầu tư?

Mặc dù, dự án chưa thỏa thuận đền bù, nhưng tại văn bản báo cáo tiến độ dự án số 14 kí ngày 17/04/2018 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan, Công ty Dũng Hường đã báo cáo có 9/10 hộ dân đồng ý chấp thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất. Kèm theo báo cáo, có 9 bản sao biên bản làm việc có chữ ký đồng ý chuyển nhượng của các hộ dân.

Trong khi đó, ngày 20/04/2018 tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tại hội trường UBND xã Thạch Châu, nhiều cử tri đã phản ánh Công ty TNHH Dũng Hường cung cấp biên bản làm việc với các hộ dân là giả mạo chữ ký, chữ viết. Các hộ dân không hề ký và không hề viết vào bản sao như Công ty Dũng Hường gửi đến cơ quan chức năng.

Biên bản xác minh của Công an xã Thạch Châu với công dân Mai Văn Tĩnh

Để làm rõ vấn đề, Công an xã Thạch Châu đã tiến hành xác minh chữ ký, chữ viết của các hộ dân. Sau khi xác minh, UBND xã Thạch Châu kết luận: “có 3 công dân nhận mình có ký vào biên bản, 6 công dân còn lại nói họ không viết và không ký vào biên bản như Công ty Dũng Hường đã cung cấp cho UBND xã (có biên bản xác minh kèm theo)”.

Anh Lê Mai Tĩnh- một trong các hộ nuôi NTTS tại đây cho biết: “Tôi chỉ ký vào biên bản họp dân, không ký vào biên bản chấp thuận chuyển nhượng, đền bù. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì chữ ký của tôi lại có trong bản phôtô chấp thuận chuyển nhượng đất mà Công ty Dũng Hường gửi cho UBND xã Thạch Châu. Hai văn bản đó có nội dung khác nhau, rất có khả năng Công ty Dũng Hường đã phô tô chữ ký của tôi trong bản đồng ý họp dân dán vào một bản có nội dung khác?”.

Cùng chung quan điểm, các hộ Lê Thị Oanh, Lưu Thị Lục, Phan Thị Tịnh, Nguyễn Thị Hương, Trần Văn Ân cho rằng họ không hề ký vào biên bản chấp thuận chuyển nhượng đất, bồi thường tài sản trên đất như văn bản Công ty này gửi các cơ quan chức năng. Đơn cử, trong biên bản xác minh chữ ký của Công an xã Thạch Châu đối với hộ anh Trần Văn Ân, anh Ân khẳng định: “Công ty Dũng Hường không đến nhà làm việc với tôi để xin chữ ký đồng ý giải phóng mặt bằng. Và tôi không đồng ý và không ký vào bất kỳ biên bản nào”.

Ngạc nhiên hơn, tại Báo cáo tiến độ gửi các cấp ở trên, Công ty Dũng Hường báo cáo: “9 hộ dân đã đồng ý chấp thuận cho dự án thực hiện có biên bản kèm theo. Riệng hộ ông Trần Văn Ân không đồng ý và yêu cầu đòi bồi thường nhiều tỷ đồng”.

Mặc dù Công ty này báo cáo anh Ân không đồng ý, nhưng một trong 9 bản sao chữ ký mà chúng tôi đã đề cập ở trên lại có bản đồng ý chuyển nhượng của ông Trần Văn Ân.

Anh Mai Văn Tĩnh cho rằng anh không kí vào biên bản đồng ý chuyển nhượng như công ty Dũng Hường đã cung cấp

“Các hộ NTTS không ký biên bản đồng ý thỏa thuận nhưng không hiểu bằng cách nào Công ty Dũng Hường có thể “thổi” được chữ ký cá nhân từng hộ vào 9 biên bản đồng ý chuyển nhượng để trình lên các cơ quan quản lý nhà nước?”, người trong cuộc bức xúc.

Điều đáng nói, trong QĐ 1628, ngày 16/06/2017 UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ cho phép thời gian 6 tháng để Công ty Dũng Hường hoàn thành các thủ tục triển khai xây dựng dự án. Tuy nhiên, do chậm thời gian thực hiện hồ sơ thủ tục, nên ngày 05/01/2018, UBND tỉnh lại cho gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 16/04/2018. Đến nay, dự án đã chậm tiến độ vượt quá thời gian quy định nhiều ngày, thế nhưng Công ty Dũng Hường không những không thỏa thuận được với các hộ NTTS, mà các hộ này ngày càng bức xúc bởi cách làm việc coi thường pháp luật của doanh nghiệp.

“Rất có thể, để qua mặt cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm gia hạn tiến độ thực hiện dự án, tránh bị thu hồi khi dự án vượt quá thời hạn theo luật định, Công ty Dũng Hường bất chấp pháp luật, cố tình giả mạo chữ ký của chúng tôi để hòng đạt được mục đích của mình?”, một trong chín hộ dân nghi hoặc.

Các cơ quan chức năng làm việc theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”?

Dư luận đang đặt câu hỏi Công ty Dũng Hường là ai, có “vai vế” như thế nào khiến các sở, ngành liên quan trong cùng một, hai ngày “thần tốc” ban hành đồng loạt nhiều văn bản trình cấp trên xin chủ trương đầu tư? Trong đó một số văn bản sai sót trong ý kiến thẩm định dự án nhưng vẫn được “lọt lưới”?

Tại Báo cáo số 387 và Tờ trình số 388 ký cùng ngày 06/6/2017 của Sở KH&ĐT trình UBND tỉnh Hà Tĩnh xin phê duyệt chủ trương đầu tư thể hiện nhiều văn bản được các sở, ngành ban hành nhanh chóng một cách “bất thường”?. Bất ngờ hơn, một số văn bản sai sót về xác định vị trí xây dựng dự án, sai tên địa phương, sai về xác định loại đất.

Cụ thể, ngày 3/05/2017 Sở Công Thương ban hành VB 522; cùng ngày Sở GTVT ban hành VB 1204; ngày 04/5/2017 Phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) ban hành VB 288. Tiếp đó, ngày 05/05/2017 Sở Xây dựng ban hành văn bản 975; cũng trong ngày 05/05/2017 Sở TN&MT ban hành văn bản 1235. Ngày 6/6/2017 Sở KH&ĐT ban hành hai VB 387 và 388 trình UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư… Có thể nói, Dự án Cửa hàng xăng dầu của Công ty Dũng Hường tại xã Thạch Châu tiến độ thực hiện hồ sơ thủ tục vượt xa cải cách hành chính về độ nhanh chóng và kịp thời?!.

Cũng chính vì quá “thần tốc” nên nhiều văn bản của sở, ngành sai sót nghiêm trọng nhưng Sở KH&ĐT và Văn phòng UBND tỉnh vẫn để “lọt lưới” lên bàn Chủ tịch tỉnh xin phê duyệt chủ trương đầu tư. Đơn cử, ngày 4/5/2017, UBND huyện Lộc Hà đã có VB 586 khẳng định vị trí xin chủ trương thuê đất tại thôn An Lộc, xã Thạch Châu là đất nông nghiệp giáp đất nuôi trồng thủy sản, nên khi thực hiện dự án trên cần xem xét yếu tố môi trường tác động đến dự án nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ở VB số 975 của Sở Xây dựng không hề nhắc đến NTTS mà kết luận hiện trạng sử dụng đất là đất sản xuất nông nghiệp. Còn Sở TN&MT cho rằng đây là đất trồng cây hàng năm. Trong VB 1235 của Sở TN&MT có đoạn: “Theo báo cáo cùa UBND xã Thạch Mỹ tại buổi làm việc kiểm tra thực địa (…) thì khu đất khảo sát đề nghị cho Công ty thực hiện (…) lấy trên đất trồng cây hằng năm khác đã giao cho hộ gia đình, cá nhân thuộc xứ Đồng Bần, thôn An Lộc, xã Thạch Châu?!”.

Những biên bản được cho là giả mạo

Nhiều người cho rằng, phải chăng những sai sót trên do lỗi người đánh máy hay do cán bộ thẩm định dự án trên giấy?. Vì sao sai sót lớn như vậy nhưng Dự án Cửa hàng xăng dầu của Công ty Dũng Hường vẫn được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt? Lý do gì khiến Sở Xây dựng và Sở TN&MT làm việc theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”? dự án một đằng, thẩm định một nẻo thế nhưng Sở KH&ĐT vẫn lấy đó làm căn cứ để trình UBND tỉnh xin chủ trương?

Vấn đề được các hộ dân NTTS nơi đây đặt ra, vì sao các cơ quan chức năng có thẩm quyền lại đồng loạt phê duyệt, ủng hộ doanh nghiệp mà phớt lờ quyền lợi chính đáng của các hộ dân NTTS. Trong khi người dân đang rất ổn định trong việc NTTS và tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động thì các cơ quan quản lý lại đẩy dân ra để đưa về một dự án khác có nguy cơ ảnh hưởng môi trường?

Cơ quan chuyên môn làm việc tắc trách, doanh nghiệp giả mạo chữ ký, nếu doanh nghiệp nào cũng coi phường pháp luật như vậy thì xã hội sẽ ra sao? Câu hỏi này xin được gửi cho các cơ quan chức năng trả lời người dân và bạn đọc.

Tác giả: Ngân Nga

Nguồn tin: thanhtravietnam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP