Gia đình anh Trần Văn Tình (xóm 10, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) tiến hành tiêu huỷ tôm chết do bệnh đốm trắng |
Dịch đốm trắng bắt đầu xuất hiện ở hộ nuôi tôm anh Dương Đình Hùng ở xã Thạch Bàn huyện Thạch Hà vào ngày 29/4, với dấu hiệu tôm chết hàng loạt ở hồ nuôi 0,25 ha. Chi cục thú y kiểm tra hồ nuôi và lẫy mẫu xét nghiệm thì cho kết quả dương tính với dịch đốm trắng. Ngay sau đó, Chi cục Thú y cùng với chính quyền và hộ nuôi tiến hành tiêu hủy toàn bộ diện tích bị bệnh và khoanh vùng bao vây dập dịch tại vùng nuôi tôm này.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà lấy mẫu bệnh phẩm, hướng dẫn người nuôi tôm cách phòng dịch |
Dịch đốm trắng không chỉ xảy ra ở huyện Thạch Hà mà hiện tại đã xuất hiện ở 7 xã của các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh của 9 hộ nuôi, diện tích bị bệnh hơn 12 ha, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái 8 ha, trong đó nhiều nhất là huyện Kỳ Anh 10 ha. Đa số hồ nuôi tôm bị bệnh đều mới thả giống chưa qua một tháng. Chi cục thú y Hà Tĩnh đã tiến hành tiêu hủy hơn 4ha tôm bị đốm trắng, đồng thời cấp 615 lít hóa chất cùng với hàng trăm tấn vôi bột về cho các địa phương tiến hành tiêu độc khử trùng tại các vùng nuôi tôm có dịch bệnh nhằm khoanh vùng khống chế dịch bệnh.
Ngoài tôm bị bệnh đốm trắng thì hộ Dương Quốc Thanh ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân có 0,3 ha tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHNPD) cũng được tiêu hủy.
Cũng theo bà Bà Đặng Thị Thu Hoàn, nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh đốm trắng là do thời điểm cải tạo hồ nuôi tôm không có nắng nên việc phơi đáy hồ và xử lý môi trường trước khi nuôi không tốt. Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi, mưa dông xảy ra bất chợt và oi bức nên sinh dịch bệnh ở tôm.
Người nuôi tôm cần chủ động các phương án đối phó với dịch bệnh |
Chi cục Thú y Hà Tĩnh khuyến nghị người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch đốm trắng; đối với vùng tôm bị dịch bệnh cần phải đóng cống, nghiêm cấm xả nước và tôm ở các hộ tôm bị bệnh ra môi trường; tập trung thu gom, xử lý tôm mắc bệnh theo quy định, không để lây lan ra diện rộng; khoanh vùng và cách ly các vùng nuôi tôm đã bị bệnh.
Với những vùng chưa xảy ra dịch, người dân cần chủ động phòng chống, quản lý các yếu tố về môi trường, cải tạo hồ nuôi thật tốt và tăng cường chế độ dinh dưỡng phù hợp, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm; thực hiện cải tạo và vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng khu vực nuôi tôm…
N.T