Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Di chỉ khảo cổ Quốc gia trở thành nơi đổ rác, chăn thả gia súc!

Không biển báo, rào chắn… di chỉ khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang bị xâm hại nghiệm trọng sau 7 năm được "sắc phong" thành di tích Quốc gia.

Di chỉ khảo cổ Phôi Phối – Bãi Cọi nằm giữa 2 thôn Trung Sơn và Bắc Sơn, thuộc xã Xuân Viên (huyện Nghi Xuân). Di tích Phôi Phối – Bãi Cọi nằm trong thung lũng của dãy núi Hồng Lĩnh, là một cồn cát rộng 800m, dài khoảng 1km chạy theo hướng Đông – Tây.

Đây là khu di tích phân bố trên địa bàn rộng và tồn tại hàng trăm năm (trong khung niên đại khoảng 2.500 – 2.000 TCN). Di tích Phôi Phối – Bãi Cọi được phát hiện vào đầu năm 1974 và được phép khai quật năm 1976.

Qua nhiều đợt khảo sát điền dã, các đoàn chuyên gia khảo cổ học đã phát hiện các hiện vật đa dạng về chất liệu như đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, đồ thủy tinh, đồ đất nung, đồ gốm… Trong đó, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều ngôi mộ đặc trưng với hai kiểu táng thức là mộ chum, bình và mộ đất.

Những hiện vật gốm sứ, khuyên tai 3 mấu, lưỡi rìu... cổ quý được phát hiện tại Phôi Phối - Bãi Cọi trong đợt khai quật năm 2008


Khu vực này được công nhận là khu di tích bảo lưu các giá trị văn hóa từ hậu kỳ đá mới, văn hóa đồ đồng đến văn hóa Lý - Trần, Lê. Đặc biệt, đây là địa bàn giao thoa, hội tụ của nền văn hóa Đông Sơn (khu vực phía Bắc) và văn hóa Sa Huỳnh (khu vực Nam Trung bộ) - một di tích khảo cổ học hiếm có trong hệ thống di tích khảo cổ học Việt Nam.

Khu di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi là di chỉ để các nhà khảo cổ học nghiên cứu khu cư trú và các tập tục tín ngưỡng của cư dân Phôi Phối - Bãi Cọi, để so sánh chung với các nền văn hóa cổ đại có niên đại tương đồng trong khu vực. Những phát hiện này cho thấy di chỉ Phôi Phối- Bãi Cọi có tầm quan trọng, vị trí đặc biệt trong việc nghiên cứu thời sơ sử Hà Tĩnh cũng như ở Việt Nam.

Không có biển báo, biển chỉ dẫn, không rào chắn bảo vệ... khu di chỉ khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi biến thành nơi chăn thả gia súc, gia cầm

Năm 2013, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch ra Quyết định số 672/QĐ-BVHTTDL xếp hạng “Di tích khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi là di tích quốc gia”.

Tuy nhiên, sau 7 năm được "sắc phong" khu di chỉ có tầm vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa đang dần bị bỏ quên. Không có rào chắn, không biển hiệu, nhiều người còn lầm tưởng đây chỉ là một bãi đất hoang.

Nhiều bãi đất biến thành đất trồng hoa màu của người dân

Một dãy hàng rào được người dân tự dựng để phân ranh giới với khu di tích

Rác thải sinh hoạt được tập kết ngay trong khu di tích Quốc gia

Theo quan sát tại đây, khu di chỉ Phôi Phối – Bãi Cọi, hiện nay vẫn chỉ là một bãi đất cỏ mọc um tùm. Tận dụng đặc điểm này, người dân đã đưa trâu bò, gà vịt vào chăn thả. Một số khu đất còn trở thành đất trồng hoa màu của các hộ dân xung quanh. Rác thải dân cư cũng được tập kết tại đây khiến khu di chỉ càng thêm nhếch nhác. Thậm chí, nhiều khu vực đất cát còn bị đào trộm nham nhở, nhiều dấu vết đào xới còn mới nguyên.

Ông Phan Xuân Cảnh, Bí thư chi bộ thôn Nam Viên bức xúc: “Việc đào trộm cát trong khu di tích chủ yếu là người dân tại các xã khác. Gần đây, việc này càng tái diễn nhiều lần, người dân trong thôn cũng rất bức xúc nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa thấy xử lý.Về lâu dài, nếu không bảo vệ khu di chỉ này sẽ bị xâm hại ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu của các đoàn khảo cổ”.

Lợi dụng không có người quản lý, nhiều khu đất bị đào trộm cát nham nhở. Nhiều dấu vết đào xới còn rất mới

Sự thiếu hiểu biết của người dân về di tích cùng sự thiếu quan tâm của các cơ quan chức năng đã khiến di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi đang bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng.

Trao đổi với PV, ông Đậu Minh Ngụ - Chủ tịch UBND xã Xuân Viên, phân trần: "Trong quá trình quản lý về phía xã gặp nhiều khó khăn. Trong đó, do diện tích khu di chỉ tương đối rộng lớn, lại chủ yếu là đất cát thuận lợi cho xây dựng, nên bà con thỉnh thoảng vẫn vào đó lấy cát. Về phía chính quyền xã cũng đã có văn bản đề đạt lên cấp trên để có biện pháp bảo vệ khu di tích này".

Tác giả: Phượng Vũ

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP