Toàn cảnh khu vực mô hình nuôi trồng thủy sản thôn An Lộc, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà. Ảnh: HY |
Mô hình nổi bật trong phong trào xây dựng NTM có nguy cơ xóa sổ
Mô hình NTTS của tổ hợp tác thôn An Lộc, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà với diện tích hơn 8ha, đang cho hiệu quả cao, thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm, giải quyết nhu cầu lao động cho 30 người và cũng là điểm sáng của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Thạch Châu.
Người dân thông tin, để có được thành quả như ngày hôm nay là quá trình phấn đấu nỗ lực không ngừng.
Vào những năm 2005, khu vực Đồng Bần với diện tích gần 5ha trồng lúa kém hiệu quả, UBND xã Thạch Châu làm tờ trình xin chuyển đổi quy hoạch sang NTTS.
Đến ngày 19/6/2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 1657/QĐ-UBND đồng ý phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư công trình vùng NTTS Bình Định, thôn An Lộc, xã Thạch Châu. Mục tiêu là chuyển đổi diện tích đất nhiễm mặn, đất trồng lúa năng suất thấp sang NTTS.
Quyết định số 1657/QĐ-UBND Hà Tĩnh đồng ý phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư công trình vùng NTTS Bình Định, thôn An Lộc, xã Thạch Châu. Ảnh: HY |
Những năm đầu bước vào hoạt động, do chưa có kinh nghiệm và hệ thống nuôi trồng chưa đảm bảo nên thua lỗ, nợ ngân hàng nhiều tỷ đồng.
Sau đó, tổ hợp tác đã mạnh dạn đổi mới đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, biến khu vực này trở thành vùng nuôi tôm thâm canh năng suất cao đem lại hiệu quả kinh tế lớn, lợi nhuận ước tính đạt 1,8 tỷ đồng/ ha/năm, giải quyết được công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ.
Đang vui mừng vì mùa tôm vụ trước cho thu nhập cao, các hộ trong tổ hợp tác hăng hái chuẩn bị cho mùa vụ mới thì UBND xã Thạch Châu tổ chức họp dân và thông báo, ngày 16/06/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1628/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cửa hàng xăng dầu và thương mại dịch vụ tổng hợp cho Công ty TNHH Thương mại Dũng Hường (Cty Dũng Hường), cho phép doanh nghiệp này xây dựng cây xăng dầu ngay tại khu vực lô đất C27, nằm chồng lên một phần diện tích NTTS của dân.
Dự án chưa nhận được sự đồng tình của các hộ dân trong tổ hợp tác NTTS, bởi vị trí xây dựng cây xăng lấy mất một phần hồ nuôi tôm, lại nằm ngay khu vực gần thượng nguồn nước dẫn xuống hồ, ảnh hưởng trực tiếp đến các hồ nuôi.
Ông Lê Ngọc Chất, thành viên trong tổ hợp tác cho biết: “Nuôi tôm hàng chục năm nay, tôi biết con tôm rất mẫn cảm với môi trường, nếu như đặt cây xăng vực NTTS, lại ở vị trí bên cạnh thượng nguồn nước, chỉ cần xăng dầu rò rỉ ra ngoài, hoặc vệ sinh bồn chứa, xả thải nước sinh hoạt cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến các hồ nuôi tôm tại khu vực này. Lúc đó ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho 6 hộ nuôi trồng với 8ha, hàng chục tỷ đồng chúng tôi bỏ ra nuôi tôm, hàng chục lao động có nguy cơ thất nghiệp”.
“Từ ngày nhận được thông báo chuẩn bị xây dựng cây xăng dầu tại khu vực ngay trong khu vực nuôi tôm, lại ở đầu nguồn nước đã khiến vợ chồng tôi nhiều đêm thức trắng, công sức vợ chồng tôi lăn lộn mấy năm, mới thu hoạch được mấy vụ mừng chưa kịp đã phải mất ăn mất ngủ vì sợ xây dựng cây xăng sẽ ảnh hưởng đến hồ nuôi tôm” - ông Chất buồn bã cho biết.
Ông Lê Văn Thông - Chủ tịch UBND xã Thạch Châu cho biết: Khu vực Đồng Bần thôn An Lộc có 8ha NTTS hiện phát triển rất tốt, là tổ hợp tác đem lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, đây là tiêu chí góp phần quan trọng cho xã Thạch Châu về đích NTM năm 2013. Còn chủ trương của tỉnh đồng ý cho Công ty Dũng Hường xây dựng cây xăng thì xã phải thực hiện nhưng hiện tại người dân không đồng tình, xã không đủ thẩm quyền xử lý nên chúng tôi đang báo cáo lên cấp trên chờ giải quyết.
Theo người dân, việc cấp thiết để có một cây xăng khu vực này là chưa cần thiết, ngay tại xã Thạch Châu cũng có một cây xăng, cách vị trí này hơn 2km, một cây xăng tại xã Mai Phụ nằm cách chưa đầy 5km, còn dự án nuôi tôm là điểm sáng xây dựng NTM của xã, nâng cao thu nhập cho bà con cũng như giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động.
Còn nhiều khuất tất...
Ông Lê Văn Thông - Chủ tịch UBND xã Thạch Châu cho biết: Mặc dù dự án cửa hàng xăng dầu và dịch vụ tổng hợp Dũng Hường nằm trên khu đất thuộc phần quản lý của xã Thạch Châu nhưng ban đầu địa phương không được thông báo. Khi Đoàn khảo sát về lập dự án vì có sự nhầm lẫn địa giới giữa các xã nên chúng tôi không được mời tham gia, sau khi xác định được khu đất trên của xã Thạch Châu thì xã mới được mời đến làm việc.
Sau khi UBND tỉnh đồng ý cho triển khai dự án, xã Thạch Châu đã phối hợp với Cty Dũng Hường tổ chức 4 cuộc họp với người dân, tuy nhiên tại các cuộc họp người dân đều không đồng ý xây dựng dự án xăng dầu tại khu vực Đồng Bần.
Một điều lạ, mô hình NTTS lớn đang mang lại hiệu quả cao, được các cấp ban, ngành tặng bằng khen, giấy khen về điểm sáng về mô hình phát triển kinh tế nhưng trong báo cáo của các sở, ban, ngành đồng ý cho xây dựng cây xăng dầu của Công ty Dũng Hường lại “lờ đi” không nhắc đến.
Trong các văn bản thẩm định đất cho xây dựng dự án cây xăng dầu của Công ty Dũng Hường cũng như quyết định phê duyệt dự án, phần diện tích và phạm vi ranh giới không đề cập đến phần diện tích NTTS của các hộ dân. Ảnh: HY |
Quyết định số 1628/QĐ-UBND của tỉnh Hà Tĩnh về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cửa hàng xăng dầu và thương mại dịch vụ tổng hợp Dũng Hường tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà đã xác định phạm vi ranh giới khu đất. Diện tích dự án 3.500 m2 thuộc lô đất C27 có ranh giới phía Tây Bắc giáp đường ĐT.549, phía Đông Bắc giáp đất trồng màu, phía Nam giáp đường quy hoạch, nhưng phần ranh giới giáp vùng nuôi trồng thủy sản của 6 hộ dân bỗng dưng “biến mất” không được nhắc đến.
Nếu ngay từ đầu các sở, ban, ngành trong báo cáo trình UBND tỉnh xin phê duyệt dự án về việc xây dựng cây xăng dầu của Công ty Dũng Hường có đề cập đến mô hình nuôi tôm thì dự án này liệu có được chấp thuận? Vì sao khi thẩm định phê duyệt một dự án lại thiếu kiểm tra thực địa, bỏ qua không báo cáo một mô hình NTTS của nhiều hộ dân có từ hơn chục năm trời đang ăn nên làm ra?
Trong đơn cầu cứu gửi cơ quan chức năng, các hộ dân cũng đặt câu hỏi: Liệu có nên đánh đổi một cây xăng tổng vốn đầu tư chỉ 6 tỷ đồng, doanh thu hơn 600 triệu đồng/năm với mô hình NTTS quy mô lớn mang lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng/ năm của hàng chục hộ dân?
Được biết, ở khu vực này ngoài 6 hộ NTTS và 2 hộ trồng lúa, phía dưới hạ lưu còn có cánh đồng làm muối của diêm dân với diện tích 14ha và khoảng 80ha nuôi ngao ở cuối nguồn. Việc cây xăng được quy hoạch nằm ngay cạnh nguồn nước cung cấp NTTS, sản xuất diêm nghiệp thì tương lai chuyện rò rỉ xăng dầu, vệ sinh bồn chứa, xả thải nước sinh hoạt nếu không cẩn thận sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực nuôi trồng này.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tác giả: Hải Yến
Nguồn tin: Báo Thanh tra