Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Dự án chồng dự án, hàng chục hộ dân viết đơn kêu cứu?

Dự án Nuôi trồng thủy sản (NTTS) của Tổ hợp tác thôn An Lộc, xã Thạch Châu (Lộc Hà) đang hoạt động hiệu quả với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm, đem lại thu nhập ổn định cho hơn 30 lao động và góp phần duy trì bền vững phong trào xây dựng NTM. Thế nhưng, UBND tỉnh Hà Tĩnh “bất ngờ” ký quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Dũng Hường đầu tư cửa hàng xăng dầu, khiến người dân nơi đây hoang mang kêu cứu lên các cấp?

Người dân kêu cứu!

Nhiều tháng nay, 8 hộ dân và hơn 30 lao động ở Tổ hợp tác nuôi tôm tại khu vực Bình Định, thôn An Lộc, xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà) ngược xuôi kêu cứu đến chính quyền các cấp, bởi họ có nguy cơ mất trắng hàng chục tỉ đồng đầu tư vào đầm tôm đang cho thu nhập hiệu quả.

Theo đơn kêu cứu mới nhất, ngày 9/4/2018 các hộ dân, khu vực Bình Định trước đây là vùng đất nhiễm mặn, trồng lúa kém hiệu quả nên UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Lộc Hà khuyến khích bà con đầu tư NTTS. Các hộ gia đình nơi đây đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Anh Trần Văn Ân chỉ địa điểm hồ tôm của mình nguy cơ bị thu hồi

Trong những năm đầu, do kinh nghiệm, hạ tầng, kỹ thuật chưa có nên nhiều hộ thua lỗ nặng nề, nợ ngân hàng chồng chất. Khó khăn là vậy, nhưng được sự quan tâm động viên của lãnh đạo các cấp nên các hộ nuôi vẫn bám hồ kiếm kế sinh nhai.

Năm 2011, UBND huyện Lộc Hà phát động phong trào xây dựng NTM ở Thạch Châu. Khu vực Bình Định, thôn An Lộc trở thành mô hình NTTS trọng điểm của Thạch Châu trong phong trào xây dựng NTM. Năm 2014- 2015, lợi nhuận ước tính 1,6 tỷ đồng/1ha/năm, giải quyết công ăn việc làm cho trên 30 lao động và hàng chục lao động làm việc theo thời vụ.Tổ hợp tác NTTS thôn An Lộc đã góp phần hoàn thành các tiêu chí đưa xã Thạch Châu về đích NTM nhanh chóng và bền vững.

Anh Trần Văn Ân, hiện có gần 2 ha hồ tôm, nhiều năm nay hồ tôm của anh giải quyết việc làm cho hàng chục lao động có thu nhập ổn định. Hiện, anh Ân vay ngân hàng hơn 5 tỷ đồng đầu tư vào đầm, nhưng nhiều tháng nay anh hết sức hoang mang bởi UBND Hà Tĩnh cho điều chỉnh lại quy hoạch và đồng ý chủ trương xây dựng cây xăng tại vị trí hồ tôm của anh. Gần 2 ha hồ nuôi của gia đình anh đầu tư bằng mồ hôi nước mắt nguy cơ xóa sổ.

“Việc NTTS của Tổ hợp tác đang dần đi vào ổn định, người dân chúng tôi đang phấn khởi xắn tay đầu tư cho mùa vụ mới, thì “bất ngờ” ngày 16/06/2017, UBND tỉnh ban hành QĐ số 1628 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cửa hàng xăng dầu cho Công ty TNHH Dũng Hường trong khi các hộ dân chúng tôi không hề nay biết”, anh Ân bức xúc.

Khác với anh Ân, ông Lê Ngọc Chất có 4 hồ tôm, mặc dù hồ tôm của ông không nằm trong diện tích đất bị thu hồi nhưng ông hết sức lo lắng bởi cây xăng cần kề với nguồn nước cung cấp cho hồ tôm. “Xăng xầu là một chất tạo màng nổi trên nước, cản trở quá trình hô hấp của động vật thủy sản, đặc biệt con tôm rất mẫn cảm với môi trường, nếu đặt cây xăng cạnh nguồn nước cung cấp cho đầm nuôi thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi”, ông Chất lo lắng.

Trao đổi với phóng viên ThanhtraVietNam, ông Nguyễn Đình Thiêm- Bí thư Chi bộ thôn An Lộc cho biết: “Các hộ dân NTTS đã bám trụ trên mảnh đất này hàng chục năm, khó khăn dần qua, đến nay thu hoạch bắt đầu có lãi, mỗi năm thu hoạch hàng chục tỷ đồng. Thành công không chỉ tính bằng lợi nhuận mà còn là mồ hôi, nước mắt, tâm huyết và ý chí của bà con. Chúng tôi băn khoăn, tại sao tỉnh Hà Tĩnh lại đem một dự án lợi nhuận một tỷ đồng chồng lên dự án lợi nhuận mỗi năm hơn chục tỷ? Khó hiểu hơn, gần đây cả 4 lần công ty Dũng Hường họp dân, các hộ nuôi tôm không đồng ý và không kí vào biên bản nhưng không hiểu vì sao chính quyền các cấp và Công ty Dũng Hường vẫn có thể “qua mặt” nhân dân?”.

Được biết, ở khu vực Bình Định có 6 hộ NTTS và 2 hộ trồng lúa. Ngoài ra còn có cánh đồng muối 14ha và trên 80ha các hộ dân nuôi ngao. Có thể nói, cây xăng quy hoạch nằm ngay cạnh nguồn nước cung cấp NTTS, sản xuất diêm nghiệp thì tương lai chuyện rò rỉ xăng dầu, vệ sinh bồn chứa, xã thải nước sinh hoạt sẽ “bức tử” toàn bộ hệ sinh thái, động vật thủy sản và sản xuất diêm nghiệp khu vực này là điều hiển nhiên.

Chính quyền địa phương bất lực?

Mặc dù, một dự án “khủng” khiến cả hệ thống chính trị gấp gáp vào cuộc, nhưng sau gần 2 tháng cấp tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch để đưa dự án về, nhân dân và chính quyền cấp xã nơi triển khai dự án mới biết sự việc?

Trong Công văn số 06 ngày 04/05/2017 của UBND xã Thạch Châu gửi sở Kế hoạch và đầu tư, gửi UBND huyện Lộc Hà có nêu rõ “không đồng ý chủ trương đầu tư dự án xăng dầu và thương mại dịch vụ tổng hợp Dũng Hường tại xã Thạch Châu”. Một trong những lý do không đồng ý, bởi việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng Cửa hàng xăng dầu trên diện tích đất UBND xã Thạch Châu quản lý nhưng địa phương chưa được Tỉnh thông báo, nên hôm nay mới biết, chưa kịp thông báo về điều chỉnh quy hoạch của Tỉnh để cán bộ nhân dân được biết thực hiện quy hoạch”.

Văn bản không đồng ý chủ trương của UBND xã Thạch Châu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 16/03/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản số 1491 đồng ý điều chỉnh 3 điểm quy hoạch xăng dầu trên địa bàn huyện Lộc Hà. Trong đó có một điểm điều chỉnh từ tuyến đường ĐT.547 (đường 22/12 cũ) thuộc địa bàn xã Thạch Bằng sang tuyến đường ĐT.549 (đường tỉnh lộ 9 cũ) thuộc lô đất C27 (xã Thạch Châu). Tuy nhiên, đến ngày 03/05/2017 (gần 2 tháng) chính quyền xã Thạch Châu mới hay biết sự việc.

Ông Lê Văn Thông - Chủ tịch UBND xã Thạch Châu cho biết: Khu vực thôn Bình Định có 8ha NTTS hiện phát triển rất tốt, là Tổ hợp tác đem lại hiểu quả kinh tế cao, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Gần 30 người lao động trong thôn có thu nhập ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao. Đặc biệt, đây là tiêu chí góp phần quan trọng cho xã Thạch Châu về đích NTM năm 2013. Nếu như Tổ hợp tác này bị xóa sổ thì Thạch Châu khó duy trì bền vững phong trào xây dựng NTM theo Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nếu như là chủ trương của tỉnh thì chúng tôi phải thực hiện.

Văn bản chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh

“Điều đáng buồn là nhân dân nghĩ chính quyền địa phương “cấu kết” với doanh nghiệp để “qua mặt” họ, trong khi thực tế doanh nghiệp gửi tất cả hồ sơ lên cấp trên xin chủ trương chúng tôi không hề hay biết. Nay dân viết đơn kêu cứu nhưng chúng tôi hoàn toàn bất lực, bởi Công ty Dũng Hường làm việc với dân lúc nào và làm việc như thế nào chính quyền địa phương không được chứng kiến”, ông Thông cho biết thêm.

Điều đó có nghĩa, mặc dù sở KHĐT tỉnh Hà Tĩnh đã gửi công văn yêu cầu UBND xã Thạch Châu thẩm định chủ trương đầu tư, nhưng trước đó địa phương này chưa hề tiếp xúc với Công ty Dũng Hường và các hộ dân bị ảnh hưởng để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, tìm phương án thỏa thuận, tháo gỡ?.

Đằng sau câu chuyện này, có gì khuất tất PV Thanhtra VietNam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc?!

Tác giả: Ngân Nga

Nguồn tin: thanhtravietnam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP