Dự án đầu tư

Hà Tĩnh: Dân méo mặt vì ép di dời “thần tốc”

Mặc dù chưa nhận tiền hỗ trợ đền bù tái định cư nhưng UBND huyện Hương Sơn đã ra thông báo phải tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc trên đất bị thu hồi để bàn giao lại mặt bằng cho việc mở rộng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (KTT CK) tại khu vực cồng B trong rất ngắn, khiến 4 hộ dân ở xóm Cây Tắt, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn không kịp trở tay.

Ngày 21/6/2013, 4 hộ dân trên nhận được quyết định Số 1836QĐ-UBND của UBND huyện Hương Sơn về việc: Thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân. Quyết định nêu rõ: Các hộ trên phải tự tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc trên đất bị thu hồi để bàn giao đất trước ngày 15/7/2013, cho việc xây dựng Khu liên hợp cổng B.


Diện tích đất các hộ trên sử dụng là đất rừng, có thời gian hợp đồng 50 năm. Kể từ khi có quyết đinh 162/ 2007/ QĐ-TTg ngày 19/10/ 2007 về việc xây dựng KKT CK quốc tế Cầu Treo. Số diện tích đất của những hộ dân trên đều nằm trong khu vực quy hoạch để xây dựng Khu liên hợp cổng B. Trong quá trình xây dựng khu liên hợp này, các hộ trên đã từng 1 lần di dời nhường đất cho dự án.


Tại thời điểm di dời lần 1 của những hộ dân này là chuyển từ khu vực được xây dựng lên 1 vị trí khác phía sau đồi chưa được quy hoạch. Thậm chí chính quyền còn giúp công và tiền của cho dân di dời. Thế nhưng quá trình xây dựng Khu liên hợp cổng B do thiếu tính quy hoạch đồng bộ nên trong quá trình thực hiện lại có sự điều chỉnh. Và sự điều chỉnh đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới 4 hộ dân này.


Do không biết trước vị trí mình xây dựng có quy hoạch nên 4 hộ này đã xây dựng nhà cửa kiên cố trên phần diện tích đất rừng của mình, cho nên khi có quyết định thu hồi lại đất trong đợt 2 này khiến những hộ dân trên vô cùng lo lắng và quá vội vang của chính quyền.


Bà Bùi Thị Bé, vợ ông Đạt cho hay: “Sau khi giải tỏa toàn bộ diện tích đất và phá bỏ ngôi nhà 2 tầng cho việc xây dựng khu vực cổng B, chúng tôi chuyển lên khu vực khác (cách chỗ ở cũ 100m) làm nhà để ở. Trong quá trình làm nhà không thấy chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng nào đến can ngăn. Khi nhà chúng tôi xây xong tầng thứ nhất và đang đỗ sàn lên tầng thứ 2 thì mới nhận được thông báo của UBND xã yêu cầu không được xây dựng nhà cửa trên đất lâm nghiệp. Từ năm 2010 chúng tôi đào nền sao không nói, hoặc khi chúng tôi làm móng không chỉ cho dân biết cái sai. Để khi chúng tôi làm gần xong rồi mới đình chỉ. Lúc đầu họ định cưỡng chế di dời không hỗ trợ, nhưng sau do lỗi hỗn hợp của cả chính quyền và nhân dân nên hỗ trợ 80% giá trị tài sản cho chúng tôi. Điều này làm chúng tôi vừa mất công, vừa mất của, gây lãng phí và nhà nước cũng mất thêm tiền. Chúng tôi không vui sướng gì khi nhà vừa xây xong kiên cố lại phải dỡ đi, đồng ý là làm sai thì phải tháo dỡ nhưng phải cho chúng tôi thời gian xây dựng nhà mới đã chứ, ép thế này đâu được.



Căn nhà 2 tầng trị giá hơn 5 tỷ đồng của gia đình ông Đạt vừa xây xong nay phải đập đi gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhân dân và Nhà nước. Ảnh: Trí Thức.


Bà Bé cũng cho biết thêm, một trong những lý do khiến gia đình chị làm nhà ở đó là lúc đầu vị trí tái định cư của gia đình chị bị một dự án khác trồng lên nên không được xây dựng nhà ở, sau khi được xây dựng thì gia đình đã làm nhà ở vị trí hiện tại bị cưỡng chế.


Chính quyền “đá quả bóng” trách nhiện cho nhau !


Sau khi nhận được đơn thư của 4 hộ dân chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chính quyền xã cũng như BQL KKT CK Cầu Treo thì 2 đơn vị này “đá quả bóng” trách nhiệm cho nhau.


Ông Lê Đình Vỹ, chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết: Ngày 15/7, bốn hộ dân phải di dời khỏi khu vực đó (khu vực cổng B), lúc đầu họ lấy đất cổng B, dân di dời lên đất lâm nghiệp ở phía sau là sai. Giờ khó khăn nhất là nơi ở tạm, xã bố trí nơi ở tạm có điện nước nhưng dân không đồng tình.


Ông Vỹ cũng thừa nhận chính quyền có một phần lỗi khi dân đào móng làm nhà đã không nhắc nhở, đình chỉ xây dựng dựng trái phép nên xảy ra lỗi hỗn hợp giờ mới phải hỗ trợ tái định cư cho họ. Lỗi chính quyền là quản lý đất đai không chặt chẽ. Ông khẳng định thêm: Quy hoạch dự án 311 lên đất tái định cư của gia đình anh Đạt là có thật, Ban quản lý dự án Khu kinh tế quy hoạch không đồng bộ. Phần lỗi của Huyện thì Tỉnh đang xem xét kỹ luật, phần của xã tôi nhận hình thức cảnh cáo.


Ông Lê Đình Vỹ cũng cho biết thêm: Hiện tại dân không thắc mắc về mức hỗ trợ 80% kinh phí di dời nữa mà chỉ yêu cầu về giãn thời gian di dời thêm cho họ 6 tháng để ổn định nơi ở mới.


Ngoài ra, ông Vỹ cũng cho biết thêm trong 4 hộ phải di dời đợt này có 2 hộ hộ ông Nguyễn Văn Lực và hộ ông Nguyễn Văn Hợp di dời vào khu tái định cư xóm Tân Thủy nhưng dân chưa chịu vào vi, nơi đây không có hệ thống cấp nước sạch, nước giếng đào múc lên không sử dụng được, lỗi không có nước sạch là lỗi của BQL KKT CK Cầu Treo.



Ông Lê Đình Vỹ, chủ tịch UBND xã Sơn Tây khẳng định: Ảnh: Trí Thức.


Trao đổi với ông Trần Báu Hà, Trưởng BQL KKT CK Cầu Treo về vấn đề 4 hộ dân phải di dời nhường đất rừng cho dự án thì ông Hà cho hay: Sai phạm của người dân nhưng nguyên nhân sai phạp từ nhà quản lý thôi, xử lý hỗ trợ cho họ di dời, họ sai là sử dụng đất không đúng mục đích. Có lỗi hỗn hợp, Ban cũng có lỗi, cùng một khu vực nhiều dự án, bồi thường nhiều lần.


Khi PV trao đổi về vấn đề tại sao dự án 311 đè lên đất tái định cư của hộ ông Nguyễn Đạt thì ông Hà cao giọng “chú là nhà báo, chú biết gì về quy hoạch” và ông khẳng định không có vấn đề dự án 311 đè lên đất tái định cư. Vấn đề anh Đạt xây dựng do xã và huyện không dứt điểm, khi họ đào móng anh báo cáo Huyện, khi họ đổ đống cát anh báo cáo Tỉnh, giờ thì họ xây nhà 2 tầng thì nói làm gì.


Nếu như cách nói của ông Hà thì BQL dự án KKT CK Cầu treo đâu có lỗi gì, phải chăng dân không hiểu biết pháp luật nên phải chịu thiệt thôi.



Ông Trần Báu Hà, Trưởng BQL dự án KKT CK Cầu Treo đỗi lỗi cho chính quyền và vô cảm với người dân. Ảnh: Trí Thức.


Ngoài ra, BQL để nhà thầu thi công đường cứu hộ cứu nạn, ngăn suối đắp đập ảnh hưởng đến hơn 2,5ha diện tích đất trồng lúa của nông dân xã Sơn Tây thì ông Hà trả lời một cách vô cảm rằng: “Bọn anh làm bảo hiểm hơi chậm, vài chục mét vuông đất, vài trăm mét vuông đất thì dân không chết đi được, dân thì họ cứ kêu thôi”.


Thiết nghĩ, một tấc đất của dân khi xâm phạm cũng phải đền bù, bồi thường thỏa đáng để đảm bảo dân sinh, đằng này đằng đằng là Trưởng BQL một dự án lớn của tỉnh mà ông Hà có những lời lẽ coi thường dân như thế khó có thể chấp nhận được.


Theo Trí Thức (Dân tin)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP