Dự án đầu tư

Hà Tĩnh: Dân đồng thuận, GPMB xong sớm (Kỳ 1)

Người đứng đầu ngành GTVT Hà Tĩnh cũng khẳng định, điểm mấu chốt của việc hoàn thành tiến độ GPMB chiều dài 75,7 km đi qua 25 xã và một thị trấn của hai huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh với hơn 4.700 hộ dân, 20 công trình công cộng lớn nhỏ chỉ trong 6 tháng là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến xã, thôn, xóm. 

Chỉ trong vỏn vẹn hơn 6 tháng, Hà Tĩnh đã giải phóng xong hơn 75 km mặt bằng cho Dự án mở rộng QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh với số hộ dân bị ảnh hưởng lên tới 4.700 hộ.
Giải phóng mặt bằng dự án mở rộng QL1 qua Hà Tĩnh
Giải phóng mặt bằng dự án mở rộng QL1 qua Hà Tĩnh
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Tròn một năm sau ngày Dự án mở rộng QL1 đoạn phía Nam tỉnh Hà Tĩnh khởi công, ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, ngày 30/11/2014 các nhà thầu sẽ hoàn thành thảm bê tông nhựa toàn tuyến, sau 8 tháng kể từ khi công tác GPMB hoàn thành (31/3/2014).
QL1 và QL14 là các dự án đặc biệt quan trọng, T.Ư Đảng, Quốc hội và Chính phủ có nghị quyết riêng. Có tới ba Phó Thủ tướng phụ trách chỉ đạo. Trong đó, trực tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác GPMB. Định kỳ hàng quý, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đều chủ trì họp với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác GPMB. Từ năm 2013, các dự án mở rộng QL1, QL14 bắt đầu triển khai, cho đến nay gần như công tác GPMB tại tất cả các địa phương đều đã hoàn tất để phục vụ thi công đẩy nhanh tiến độ, chất lượng và hoàn thành toàn bộ các dự án vào cuối năm 2015 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Giải pháp đầu tiên được lãnh đạo Sở GTVT Hà Tĩnh đưa ra chính là tuyên truyền cho người dân về mục đích ý nghĩa của Dự án nâng cấp QL1, cũng như các chính sách về pháp luật liên quan đến đất đai được thực hiện một cách kịp thời và xuyên suốt đến từng hộ dân. Cùng với đó là việc phát huy vai trò, gắn trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể vào cuộc. “Lãnh đạo tỉnh về họp với huyện, lãnh đạo huyện về họp với xã, xã về họp thôn, xóm, mục đích là để người dân hiểu được một cách rõ ràng những vấn đề liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của mình”, ông Kỳ nói.
Cũng theo ông Kỳ, tất cả các thành viên hội đồng GPMB đều phải là những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, đặc biệt là hiểu biết sâu về chính sách pháp luật đất đai, bồi thường GPMB. Quan trọng hơn, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp là Trưởng ban chỉ đạo GPMB nên mọi việc đều được giải quyết nhanh, dứt điểm. Theo phân công, mỗi Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách GPMB một huyện và từng Thường vụ huyện phụ trách GPMB của xã, lãnh đạo các xã chịu trách nhiệm làm việc với từng tổ chức đoàn thể, thôn, xóm và từng hộ dân giải đáp các khúc mắc trong công tác GPMB. Ngoài ra, mỗi tháng một lần, đích thân Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành sẽ kiểm tra thực tế tại hiện trường và đưa ra những quyết định, những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc kịp thời.
Nhờ được bàn giao mặt bằng sớm nên Dự án nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Nam TP Hà Tĩnh - Kỳ Anh sẽ về đích trong năm 2014
Nhờ được bàn giao mặt bằng sớm nên Dự án nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Nam TP Hà Tĩnh – Kỳ Anh sẽ về đích trong năm 2014
Sáng kiến nhỏ, hiệu quả lớn
Trong câu chuyện GPMB tại huyện Cẩm Xuyên, Phó chủ tịch, kiêm Chủ tịch Hội đồng GPMB Bùi Quang Mai cho biết, ông không nhớ đã phải bao nhiêu lần xuống tận thôn, xóm, vào tận nhà dân thuyết phục vận động GPMB. “Từ khi được giao phụ trách công tác GPMB, hầu hết thời gian của tôi là ở cơ sở để tuyên truyền vận động, đối thoại với nhân dân. Việc tuyên truyền rõ để dân hiểu, chia sẻ với chính quyền có hiệu quả không gì sánh được. Ngay thời gian đầu, trên 50% trong tổng số 2.204 hộ dân đã đồng thuận với chủ trương GPMB của huyện”, ông Mai chia sẻ.
Tổng diện tích đất phải GPMB phục vụ các Dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa- Cần Thơ lên đến khoảng 1.500ha, với khoảng 7.500 hộ dân phải tái định cư. Vốn dành cho GPMB lên đến khoảng hơn 8.600 tỷ đồng. 
Dự án Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) có tổng diện tích thu hồi đất khoảng 220ha, số hộ dân phải tái định cư khoảng 620 hộ. Số tiền dành cho công tác GPMB khoảng hơn 533 tỷ đồng.

QL1 đoạn qua huyện Cẩm Xuyên có chiều dài 23,9 km, nhưng có tới 2.204 hộ dân bị ảnh hưởng, trong số này 75% thuộc diện không đền bù mà Nhà nước chỉ hỗ trợ. Đáng lưu ý là có tới hơn 80 hộ dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để tháo gỡ vướng mắc, quá trình thẩm định, Hội đồng GPMB huyện phải dùng biện pháp xác minh qua bản đồ địa chính 299 (bản đồ cũ trước đây). Trường hợp không xác định được phải đề nghị hội đồng GPMB cấp xã, thị trấn họp lấy ý kiến khu dân cư, hỏi người cao tuổi, hộ dân liền kề xác định chủ sở hữu đất, thậm chí là họp đối thoại với dân. Với cách làm này, huyện Cẩm Xuyên đã cơ bản tháo gỡ được khó khăn, chủ động giải quyết chính sách thỏa đáng cho người dân.

Chỉ riêng hai xã Cẩm Trung, Cẩm Huy, Phó chủ tịch Bùi Quang Mai đã phải họp dân đến 30 cuộc, những trường hợp cố tình không chấp hành, huyện phải dùng biện pháp bảo vệ thi công với 22 hộ dân chủ yếu là thuộc diện Nhà nước hỗ trợ kinh phí.Điểm mấu chốt đem lại thành công của GPMB tại Cẩm Xuyên, theo ông Mai chính là việc tuyên truyền, vận động, thực hiện chính sách hết sức nghiêm túc, công bằng, trung thực, tất cả phải được nhất quán ngay từ ban đầu.
Vì vậy, theo thống kê, trong thời gian triển khai GPMB tại Cẩm Xuyên có gần 200 đơn thư kiến nghị, trong đó có 50 đơn khiếu nại. Nhưng với cách giải quyết hợp tình hợp lý, đa số hộ dân đến nay đều đã đồng tình. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Trần Quang Tuấn, người được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia vào Hội đồng GPMB của Hà Tĩnh cho rằng, QL1 là dự án mà công tác triển khai GPMB diễn ra nhanh và quyết liệt. Hơn 70,67 ha đất được thu hồi, thực hiện bồi thường, hỗ trợ di dời cho 4.741 hộ dân cùng 29 công trình hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài chuyện khối lượng công việc phải giải quyết khá lớn thì dự án GPMB QL1 hiện tại còn bị ảnh hưởng bởi hậu quả của các dự án trước để lại. Chính vì vậy, ngay từ đầu, Sở GTVT Hà Tĩnh đã tham mưu cho Hội đồng GPMB các địa phương chủ động xác định nguồn gốc đất theo mốc hình thành năm 1982 (thời điểm cắm mốc hành lang ATGT) để đưa ra phương án bồi thường. Đồng thời, với một số trường hợp phức tạp, dùng hồ sơ hoàn công của các dự án trước làm cơ sở xác định mốc bồi thường GPMB, tài sản, kiến trúc, diện tích đất… từ đó có phương án bồi thường thỏa đáng, được nhân dân đồng thuận. Ngoài ra, trong quá trình GPMB, Sở GTVT với vai trò là chủ đầu tư đã chủ động chỉ đạo các nhà thầu hỗ trợ nhân công, thiết bị cùng di chuyển tài sản, vật dụng, hỗ trợ phá dỡ công trình.
Thành công lớn nhất ở Hà Tĩnh chính là việc người dân đồng tình ủng hộ, việc bảo vệ thi công chiếm tỉ lệ nhỏ so với số lượng hộ dân bị ảnh hưởng. Thậm chí, có những hộ dân ở Kỳ Phương, Kỳ Nam dù tỉnh chưa bố trí xong khu tái định cư đã chủ động tự di dời trước để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Văn Thanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP