Ông Phan Chí Nhượng (80 tuổi, trú thôn 3, xã Hương Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) là đại tá biên phòng về hưu. Từng theo học Trường sĩ quan Lục quân 1, tham gia chiến trường ở Lào, hòa bình lập lại ông trở về giảng dạy ở Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng), rồi về hưu.
Đầu năm 2000, chứng kiến cảnh trẻ em lớn lên ít có điều kiện học tập, ông ấp ủ dự định làm một điều gì đó đóng góp cho quê hương. Năm 2003, có đám trẻ tới nhà chơi, ông Nhượng lấy tờ báo đưa cho em học lớp 4 đọc. Cậu này cứ loay hoay, không biết đọc, ông Nhượng ân cần hỏi: "Để ông chỉ cho". Cơ duyên trở thành một ông giáo làng của cựu binh bắt nguồn từ đó.
Cựu giảng viên Học viện Biên phòng Phan Chí Nhượng. Ảnh: Đức Hùng |
Ông Nhượng bàn bạc với vợ là bà Thái Thị Thuần cải tạo ngôi nhà gỗ nằm bên sông Ngàn Trươi, mở rộng sân vườn, sắm thêm bộ bàn ghế để mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh trên địa bàn.
Vị đại tá già nhận dạy 3 môn Toán, Lý, Hóa cho khoảng 20 học sinh, từ lớp 4 đến 12. Các em tới đây thuộc ba trường hợp: học sinh cá biệt, học sinh giỏi và ôn thi đại học. Tất cả phải cam kết chịu được sức ép, không dùng điện thoại, máy tính, không tụ tập bạn bè.
Cầm quyển sách Toán lớp 12, ông Nhượng chia sẻ đam mê đặc biệt với môn tự nhiên. Do kiến thức lâu ngày không tìm hiểu, bị mai một, ông tự tìm sách vở ôn lại, bài nào khó quá thì gặp thầy giáo dạy THPT nhờ chỉ bảo. Ông cũng liên hệ với lãnh đạo trường Tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn Vũ Quang, đều đặn lên các khối lớp học xin dự giờ để học hỏi.
"Tôi tự học trong sách, đi trước các cháu khoảng 5-7 bài", ông Nhượng nói và cho hay hơn 10 năm trước, ngày đầu tiên lên một trường THPT xin dự giờ, cả trường xôn xao. Lâu dần, khi có ông tham gia dự giờ, các giáo viên và học sinh thích thú, học nghiêm túc.
Thời gian học tại lớp của ông Nhượng rất linh hoạt, có thể là chiều tối, thứ bảy, chủ nhật. Ông dạy cho người giỏi nhất của mỗi khối trong lớp, và em này sẽ chỉ cho các em cùng khối còn lại. Bài nào khó quá, ông cháu cùng tập trung giải.
Ngoài dạy học, ông Nhượng còn làm Chủ tịch hội Cựu chiến binh huyện Vũ Quang. Năm 2010 khi kiêm nhiệm nhiều chức vụ đoàn thể ở huyện, thời gian dành cho các cháu hạn hẹp, ông định dừng dạy học. Song được sự động viên của vợ con, sự níu kéo của học sinh đã gắn bó nhiều năm, ông tiếp tục mở lớp.
Từ khi dạy học tới nay đã 14 năm, ông Nhượng không hề lấy tiền công, nhiều học sinh được ông nuôi ăn ở trong nhà. Vợ ông phụ trách việc nấu nướng, kinh phí trích từ lương hưu của ông bà. "Bố mẹ các cháu có đề cập tới học phí, song chồng tôi gạt phăng. Biết vậy nên khi mùa màng về, có người đưa gạo, ngô... tới biếu", bà Thuần kể.
Học sinh ôn bài tại nhà ông Nhượng. Ảnh: Đức Hùng |
Đến với lớp học của người cựu binh 80 tuổi, nhiều em vốn ngỗ nghịch đã dần thay đổi. Ông Nhượng nhớ mãi em Thắng khi ấy học lớp 2, không nghe lời bố mẹ, thầy cô. Ông tìm gặp mời vào lớp chơi, gần một tháng thuyết phục, cậu học trò đồng ý, nhưng rất bướng. Khi về nhà ông Nhượng học, ban đầu Thắng đưa ra nhiều yêu cầu để làm khó, song đều được đáp ứng. Trước tấm chân tình của ông, cậu học trò đã thay đổi, hiện học lớp 12 với học lực khá.
"Em rất may mắn vì được ông dạy dỗ. Học lớp của ông, mọi người cảm nhận được sự chân thành, tình cảm. Dù có nhiều thế hệ học sinh trong lớp, nhưng không hề có ngăn cách, ngược lại là sự chia sẻ, giống như anh chị em trong gia đình dạy dỗ cho nhau", một nữ sinh lớp 12 ở huyện Vũ Quang nói.
Ông Nhượng tự hào, nhiều học sinh của ông giờ đã làm công an, bộ đội, giáo viên, kỹ sư... Hiện nay, lớp học có 18 em từ lớp 3 đến lớp 12, trong đó 5 em được nuôi ăn ở miễn phí tại nhà ông. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có 6 em lớp 12 đạt kết quả cao. Trong đó, em Nguyễn Quang Sang, đạt trên 29 điểm, đăng ký vào Học viện Quân y.
Cựu binh tâm sự, năm nay đã già, chỉ mong trời cho sức khỏe, trí tuệ minh mẫn để tiếp tục định hướng và bảo ban các cháu. "Lúc nào cảm thấy kiến thức không an toàn nữa, mình sẽ dừng lại", ông Nhượng nói.
Từng nhiều lần tiếp xúc với ông Nhượng trong những lần tới trường xin dự giờ, thầy Trần Xuân Yên (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Vũ Quang) cho hay, cựu binh là người đức độ, thông minh, có trí nhớ rất tốt, luôn lo lắng cho học sinh. "Ông Nhượng không chỉ dạy kiến thức mà còn chỉ bảo các em về đạo đức, suy nghĩ, hành động, ước mơ", thầy Yên nói.
Tác giả: Đức Hùng
Nguồn tin: Báo VnExpress