Mời gọi đầu tư

Hà Tĩnh: Cụm Công nghiệp vắng nhà đầu tư

Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hàng chục Cụm công nghiệp (CCN) được đầu tư xây dựng với số vốn lên đến nhiều trăm tỉ đồng. Thế nhưng, phần lớn các CCN này đều trong tình trạng đìu hiu, vắng bóng các nhà đầu tư…

Một ngày tháng 3, chúng tôi có mặt tại CCN Bắc Cẩm Xuyên, không ai có thể tìm thấy bóng dáng của CCN nhộn nhịp, sầm uất với hàng chục nhà đâu tư và hàng ngàn công nhân, người lao động như những người làm quy hoạch vạch ra trên giấy từ bao nhiêu năm qua. Những gì nơi đây đang có là lác đác một vài dự án xây dựng dở dang, số còn lại là những khoảng đất trống mênh mông cỏ dại…


Tháng 3 năm 2005, CCN Bắc huyện Cẩm Xuyên được phê duyệt, quy hoạch chi tiết với diện tích 51,5 ha. Tổng kinh phí để xây dựng CCN này là 109.17 tỷ đồng. Dự kiến, khi đi vào hoạt động CCN Bắc Cẩm Xuyên sẽ thu hút hàng chục nhà đầu tư, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Buồn thay, đã gần thập kỷ trôi qua, đến nay, nơi đây chỉ mới có 5 nhà đầu tư đăng ký thuê đất. Trong đó, chỉ có duy nhất 1 dự án đi vào hoạt động 2 dự án đang triển khai dở giang chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành…, số còn lại thì đang năm trên giấy!


Điều đáng nói ở đây là Cụm Công nghiệp Bắc huyện Cẩm Xuyên nằm kế cận cửa ngõ phía Nam thành phố Hà Tĩnh nên có rất nhiều lợi thế, cơ hội trong thu hút đầu tư, song cũng như nhiều CCN khác trên địa bàn toàn tỉnh, nơi đây vẫn khá đìu hiu và vắn bóng các nhà đầu tư.


Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 16 CCN được đầu tư xây dựng với diện tích quy hoạch là 491,13 ha. Trong đó, đất hạ tầng kỹ thuật 153,36 ha, đất có thể cho các nhà đầu tư thuê 224,95 ha. Tổng số ngân sách đăng ký đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng các cụm Công nghiệp này là 795. 92 tỷ đồng. Số vốn đã thực hiện tính đến hết năm 2012 trên 86 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp này chỉ chiếm 17,61%, một con số khá khiêm tốn.


Theo khảo sát của chúng tôi, có khá nhiều nguyên nhân khiến các CCN ở Hà Tĩnh rơi vào cảnh “chợ chiều” như hiện nay. Trước hết, là do tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư. Thứ đến, là đa phần các CCN ở tỉnh ta hiện nay đều nằm ở các huyện, xa trung tâm thành phố, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, môi trường, dịch vụ và đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ, có tay nghề, để phục vụ cho các ngành công nghiệp ở nhưng khu vực này đang thiếu nên chưa thể thu hút, hấp dẫn được các nhà đầu tư.


Thêm vào đó, việc đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Ở nhiều CCN, nhà đầu tư phải tự làm hạ tầng ngoài hàng rào, địa phương chỉ hỗ trợ một phần hoặc trừ vào tiền thuê đất. Điều này đã khiến các cụm công nghiệp không chỉ khó thu hút nhà đầu tư mà thời gian xây dựng hạ tầng tại các CCN cũng thường bị kéo dài trong nhiều năm.


Một nguyên nhân nữa khiến các CCN ở Hà Tĩnh vắng “khách” như hiện nay là bởi đa phần các CCN hiện nay cũng chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo nội dung quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt trước đó. Mặt khác, rất nhiều CCN, kể cả những CCN nằm gần khu dân cư, vẫn không có hệ thống công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung. Do vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để nên nhiều nhà đầu tư khá quan nghại trước vấn đề này.


Chặng hạn, CCN Bắc Thạch Quý (T.P Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng từ năm 2003 trên diện tích 10 ha. Hiện nay, tại CCN này đã có 4 dự án đi vào hoạt động… Là CCN mới được đầu tư xây dựng, lại năm trên địa bàn thành phố song nơi đây vẫn chưa có hệ thống công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung. Những hạn chế này đã khiến cho một số nhà đầu tư dở khóc, dở mếu khi đầu tư vào đây.

Cụm Công nghiệp vắng nhà đầu tư

Hơn 1 thập kỷ đầu tư xây dựng, song hiện nay tỷ lệ lấp đầy của CCN Bắc Thạch Quý chỉ mới đạt 46,10%


Có thể nói, việc đầu tư xây dựng các CCN trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách của Nhà nước cũng như đất đai. Để xóa bỏ tình cảnh “đìu hiu chợ chiều” như hiện nay tại các CCN, các địa phương khi thành lập CCN cần nghiên cứu đầy đủ về mặt chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn, đồng thời, mỗi địa phương khi quy hoạch, phát triển các CCN phải có sự liên kết phát triển chung trong toàn vùng, trách việc đơn phương độc mã và mệnh ai nấy làm như hiện nay. Mặt khác, các địa phương cũng cần quan tâm nhiều đến dự báo về thị trường, môi trường đầu tư và đặc biệt là xem xét nhà đầu tư cần gì.


Một việc cần nữa là các ngành liên quan khẩn trương rà soát lại tất cả các CCN trên địa bàn toàn tỉnh để đánh giá nhu cầu, tình hình thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tham mư cho UBND tỉnh thu hồi và xóa quy hoạch các CCN ở các vị trí không còn thích hợp để tập trung đầu tư ra tấm, ra món cho một số CCN.


Giải quyết tốt những vấn đề gốc đó, tin rằng tình trạng các CCN vắng nhà đầu tư như hiện nay sẽ sớm được giải quyết, khắc phục.


Đình Trung

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP