>> Hà Tĩnh: Nhiều gia đình lao đao vì bị lừa xuất khẩu lao động? (Bài 1)
Như báo Lao động thủ đô đã phản ánh vì nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết nên một số người dân ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, đã nộp hàng trăm triệu đồng cho Cty Tiến Phát (có trụ sở tại số nhà 11, đường Vũ Quang, TP. Hà Tĩnh) với mong muốn cho người thân đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên tiền thì đã nộp nhưng đến ngày đi như trong hợp đồng thì họ lại bị công ty khất lần với rất nhiều lý do. Khi biết có khả năng mình bị lừa họ đến công ty đòi tiền thì lãnh đạo công ty dấu mặt và họ chỉ nhận được những lời hứa hão từ những nhân viên của công ty.
Phiếu thu đứng tên ông Phan Văn Tiến |
Sau khi báo Lao động thủ đô viết bài phản ánh, nhiều lao động khác mới giật mình về trường hợp của mình và họ đang lo lắng về những món nợ trước mắt đang sắp đến kỳ phải trả.
Như trường hợp của bà Trần Thị Hoa (trú tại xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà), từ ngày 20/10/2014 đến ngày 9/1/2015 bà đã nộp cho công ty Tiến Phát 205 triệu đồng qua 6 lần nộp. Trên những giấy tờ liên quan đến thủ tục đi xuất khẩu lao động của anh Nguyễn Ngọc Sang (con bà Hoa) có nhiều điểm lạ. Cụ thể, cam kết mà anh Sang nhận được, người đại diện bên A là ông Phạm Văn Tiến, là Trưởng phòng đại diện Công ty cổ phần Quốc tế Nhật Minh (NAMICO) tại Hà Tĩnh. Ngày 20/10/2014, ông Phạm Văn Tiến thu 20 triệu đồng tiền đặt cọc của anh Sang với hóa đơn và con dấu của Văn phòng đại diện Công ty cổ phần Quốc tế NAMICO tại Hà Tĩnh. Nhưng sau đó, trong 5 lần anh Sang nộp tiền tiếp theo (trong tháng 01/2015) vẫn là ông Tiến thu tiền nhưng hóa đơn thu tiền lại là của Công ty Tiến Phát (TIPHICO), ông Tiến lúc này có chức vụ là giám đốc công ty. Như vậy rõ ràng đã có sự mập mờ ở đây khi ông Tiến đứng trên hai danh nghĩa và chức vụ khác nhau để thu tiền của NLĐ.
Tương tự, anh Dương Hải Đăng (xã Thạch Long, huyện Thạch Hà) và anh Nguyễn Bảo Quốc (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) cũng phản ánh khi họ làm thủ tục và nộp tiền thì ông Tiến cũng mang các danh nghĩa khác nhau.
Nội dung lệch nhau trong bản cam kết |
Đặc biệt, theo phản ánh của NLĐ, trong những bản cam kết mà ông Phạm Văn Tiến là đại diện bên A (bên công ty đưa người đi nước ngoài) thì phần trên có ghi “Hiện nay tôi có làm thủ tục XKLĐ…”, nhưng phần dưới bản cam kết lại ghi “bên A có trách nhiệm đưa bên B đi du lịch Hàn Quốc xuất cảnh chậm nhất trong tháng”… Vậy bản cam kết này là đi XKLĐ hay đi du lịch, hay đó là hành vi “lập lờ đánh lận con đen” của phía Cty.
Bà Trần Thị Hoa (ở xã Thạch Kim), bà Nguyễn Thị Thúy Vân (ở xã Thạch Long) đặt ra nhiều câu hỏi không biết ông Tiến định đưa con mình đi Hàn Quốc theo công ty Nhật Minh hay công ty Tiến Phát. Thêm vào đó họ còn chưa biết con mình qua Hàn Quốc theo con đường XKLĐ hay là du lịch.
“Vì trình độ hiểu biết kém nên nghe tin được đi xuất khẩu lao động là mừng, nên tôi không hề quan tâm đến dòng chữ “đi du lịch” trong cam kết với Cty môi giới. Tôi cũng không hề để ý những hóa đơn nhân danh những Cty khác nhau, nên mới nộp vào đó một khoản tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, đến nay lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”, bà Vân lo lắng nói.
Bà Trần Thị Hoa bức xúc: “Khi biết mình bị lừa tôi thấy bức xúc lắm, đi đòi lại tiền của mình mà cứ chầu chực như đi ăn xin, mới đòi được một ít thì ông Tiến giám đốc “lặn mất tăm”, gọi điện thì hẹn ngày này qua ngày khác. Tôi đã làm đơn tố cáo để mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc, buộc ông Phạm Văn Tiến và Công ty Tiến Phát trả lại tiền cho chúng tôi”.
Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), Công ty Tiến Phát không được cấp phép đưa người đi xuất khẩu lao động. Đặc biệt, với thị trường lao động phổ thông ở Hàn Quốc thì chỉ duy nhất Trung tâm lao động ngoài nước mới được phép đưa người đi. Do Công ty Tiến Phát chưa được cấp phép nên nằm ngoài khả năng xử lý của Bộ LĐTB&XH, vì vậy, người lao động nên phản ánh đến cơ quan công an để cơ quan này vào cuộc, điều tra làm rõ…
Nguyễn Đạt – Ngô Hùng