Điều đáng nói, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, đến ngày 31/5, VKSND tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ có công văn lạ gửi cho cơ quan thi hành án. Nhiều ý kiến cho rằng, công văn này thể hiện sự “nhiệt tình” bất thường của cơ quan kiểm sát, đồng thời cũng tạo ra áp lực khiến cho công tác thi hành án “giẫm chân tại chỗ” trong thời gian dài.
Theo đó, ngày 30/11/2011, ông Trần Bá Công trú tại tổ dân phố 13, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Hà Tĩnh vay số tiền 300 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng. Để đảm bảo cho số tiền vay trên, ông Trần Vĩnh Hạp và bà Nguyễn Thị Nguyệt là hàng xóm của gia đình ông Công đồng ý dùng tài sản là giấy tờ quyền sử dụng đất của mình để đảm bảo bằng hình thức ký hợp đồng thế chấp tài sản số 141 ngày 24/01/2011. Về số tiền vay, tiền lãi của hợp đồng này ông Trần Bá Công đã thanh quyết toán với ngân hàng.
Liên quan về vụ việc, luật sư Phạm Quỳnh Trang, Trưởng văn phòng Luật sư Thiên An, đoàn Luật sư Hà Tĩnh cho biết, lợi dụng ngay chính Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 24/01/2011, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh đã cho hộ gia đình ông Công (ông Công cùng vợ là bà Tuyết) vay thêm 900.000.000đ chia làm hai hợp đồng, mỗi hợp đồng trị giá 450.000.000đ lần lượt vào các ngày 27 và 29/03/2012. Ông Hạp và bà Nguyệt không hề biết việc tài sản của mình được đem ra đảm bảo cho cho khoản tiền vay 2 lần 900 triệu đồng giữa ông Công, bà Tuyết với ngân hàng. Tất cả các khoản vay đều thực hiện với mục đích mua đất và làm nhà ở. Tuy nhiên hộ gia đình ông Công không mua đất và làm nhà như cam kết trong việc sử dụng vốn vay”.
Tiếp đó, vào ngày 5/2/2015, TAND huyện Cẩm Xuyên đưa ra xét xử công khai phiên tòa cấp sơ thẩm và tuyên cho xử lý tài sản của ông Trần Vĩnh Hạp để ngân hàng thu hồi nợ. Đại diện Văn phòng Luật sư Thiên An hoàn toàn không đồng tình với phán quyết này.
Sau khi nhận được đơn kháng cáo, ngày 13/4/2016, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã xét xử phúc thẩm vụ việc “Tranh chấp hợp đồng dân sự” giữa Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh và ông Trần Bá Công, bà Hoàng Thị Ánh Tuyết.
Tại phiên tòa này, HĐXX đã quyết định buộc ông Công, bà Tuyết phải trả nợ cả gốc và lãi khoản vay 900.000.000 đồng cho Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh. Đồng thời, không chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản thế chấp, tuyên bố hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 141 ký ngày 24/01/2011 giữa Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh và ông Trần Vĩnh Hạp, bà Nguyễn Thị Nguyệt bảo đảm nghĩa vụ cho ông Trần Bá Công là vô hiệu.
Quyết định xét xử vụ án của TAND Hà Tĩnh. |
TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng buộc Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh giải chấp, trả lại bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Vĩnh Hạp và bà Nguyễn Thị Nguyệt.
Luật sư Trang cho biết thêm, mấu chốt của vụ án này là hợp đồng thế chấp không có đủ các điều kiện để có hiệu lực nên bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên vô hiệu.
Công văn thông báo lạ của VKSND Hà Tĩnh. |
Bên cạnh đó, bản án có hiệu lực pháp luật chỉ tạm dừng thi hành án khi có quyết định giám đốc thẩm nên văn bản của VKSND tỉnh Hà Tĩnh gửi cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cẩm Xuyên không phải là căn cứ để tạm dừng việc thi hành án. Mặc dù vậy, văn bản thông báo lạ lùng này sẽ gây áp lực cho quá trình thi hành án dân sự.
Giải thích về công văn này, bà Nguyễn Phan Lệ Thúy, Trưởng phòng Kiểm sát Dân sự, VKSND Hà Tĩnh cho biết: “Văn bản số 935 của này chỉ mang tính chất thông báo để biết chứ hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Chúng tôi chỉ làm theo quy trình của ngành kiểm sát, khi Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh có đơn đề nghị giám đốc thẩm nên theo quy trình nghiệp vụ chúng tôi phải nghiên cứu để trả lời cho đương sự sau đó sẽ có công văn thông báo đến các bên liên quan để họ được biết”!?
Tuy nhiên, trong những căn cứ mà VKSND Hà Tĩnh viện dẫn để đưa ra thông báo này, không có điều nào trong Luật Tố tụng Dân sự năm 2011 quy định việc cơ quan viện kiểm sát phải gửi văn bản thông báo về đơn kháng cáo cho cơ quan thi hành án.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, vì sao VKSND tỉnh Hà Tĩnh lại gửi công văn đến cơ quan thi hành án thông báo yêu cầu tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự là Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh? Đằng sau công văn lạ lùng này phải chăng có động cơ, mục đích gì khác khi TAND đã đưa ra phán quyết cuối cùng?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến độc giả…
HỒ NGỌC
Nguồn: Người đưa tin