Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: Cô giáo viết đơn xin vào với học sinh dân tộc Chứt

Đó là câu chuyện đầy tính nhân văn về cô giáo Nguyễn Thị Thanh Toàn (SN 1963, ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), mà khi nhắc tới ai cũng phải kính yêu, nể phục.

Thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn của con em dân tộc Chứt, nên dù sắp nghỉ hưu, sức khỏe không còn được như trước nhưng cô Nguyễn Thị Thanh Toàn vẫn tình nguyện viết đơn xin được vào xã miền núi Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) để đem con chữ đến với các em.

Một đời cống hiến

Vào những ngày cuối năm bận rộn, chúng tôi đã may mắn được gặp cô Toàn, để được nghe cô chia sẻ về những kỷ niệm buồn vui, đầy nỗi niềm về cái nghiệp trồng người, nhất là những tháng năm gắn bó với các em học sinh là con em đồng bào dân tộc Chứt.

hatinh24h
Cô Toàn đang chia sẻ về những năm tháng làm nghề dạy học

Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Nghệ An, cô Toàn đã tham gia giảng dạy nhiều trường tiểu học trong huyện, những vùng trước đây được cho là khó khăn, hẻo lánh nhất đều đã có dấu chân của cô đi qua.

Năm 2001, cô được phân công về dạy ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hương Khê. Đây là ngôi trường được thành lập để dành cho con em dân tộc thiểu số và một số đối tượng ở các xã vùng khó khăn, vùng xa thuộc huyện Hương Khê về đây nội trú học tập.

Ở đây, trẻ em dân tộc Chứt tại bản Rào Tre được huy động vào học tập từ lớp 1 tại đây.

Cũng từ đó, cô được tiếp xúc, gần gũi với em các học sinh dân tộc Chứt. Gần 7 năm gắn bó với ngôi trường này, là chừng ấy thời gian cô gắn liền với các em học sinh dân tộc Chứt, cùng ăn, cùng vui chơi trò chuyện nên cô đã thấu hiểu được các em.

Tiếp đó, cô được điều chuyển vào công tác tại Trường Tiểu học Hương Thủy 2, rồi Trường Tiểu học Hương Xuân, đây đều là những người trường đang còn hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Đến tháng 8/2015, do tuổi tác và hoàn cảnh gia đình nên cô đã viết đơn xin về giảng dạy tại Trường Tiểu học thị trấn Hương Khê và đã được các cấp ban ngành đồng ý. Dù là công tác ở ngôi trường nào, cô Toàn luôn được đánh giá là người chuẩn mực, say mê, nhiệt tình trong công việc và gần gũi với các em học sinh.

Cô Toàn đã nhận được rất nhiều giấy khen của huyện Hương Khê, cũng như tỉnh Hà Tĩnh vì có nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục
Cô Toàn đã nhận được rất nhiều giấy khen của huyện Hương Khê, cũng như tỉnh Hà Tĩnh vì có nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục

Trong sự nghiệp trồng người, cô đã nhận được rất nhiều giấy khen của huyện Hương Khê, cũng như tỉnh Hà Tĩnh.

Người mẹ hiền của học sinh dân tộc Chứt

Tưởng rằng cô sẽ được giảng dạy tại một ngôi trường mới gần nhà cho đến khi về hưu, song cuộc đời cô là “những chuyến đi xa” như nhiều đồng nghiệp vẫn trêu đùa.

Ngành chức giáo dục Hương Khê cũng như Hà Tĩnh đang đau đầu về nạn mù chữ của các em học sinh dân tộc Chứt. Lúc đó phòng giáo dục Hương Khê đã phát đi một thông báo là cần một giáo viên tăng cường 1 tuần/tháng vào Trường Tiểu học Hương Liên để dạy cho các em học sinh dân tộc Chứt

 Cô Toàn đang say sưa dạy chữ cho các em học sinh dân tộc Chứt. (Ảnh: Lê Hưu Toàn)

Cô Toàn đang say sưa dạy chữ cho các em học sinh dân tộc Chứt. (Ảnh: Lê Hưu Toàn)

Lượng giáo viên thì nhiều nhưng mấy ai am hiểu, gần gũi được các em. Hơn nữa khoảng cách về địa lý cũng là rào cản.

Thấy mọi người đắn đó, cô Toàn liền viết đơn xin được tình nguyện vào Trường Tiểu học Hương Liên để dạy học.

Cô Toàn chia sẻ: “Tôi đã từng dạy các cháu học sinh dân tộc Chứt ở trường bán trú nên tôi đã hiểu phần nào các cháu. Các cháu ở đó đã chịu quá nhiều thiệt thòi, nhận thức còn rất thấp. Chỉ có giáo dục nâng cao nhận thức mới cứu được tương lai của dân tộc này”.

Lúc biết cô Toàn viết đơn tình nguyện vào dạy cho con em dân tộc Chứt, các thành viên trong gia đình của cô đã hết sức phản đối, nhất là những người con.

“Ai cũng phản đối và quyết không cho chị đi. Nhất là các con, chúng lo cho sức khỏe của chị sẽ không đủ sức để vào công tác trong đó. Nhưng chị đã làm công tác tư tưởng, phân tích nên cuối cùng mọi người đều thấu hiểu”.

Ngoài những giờ đứng lớp, cô Toàn còn hướng dẫn cho bà con dân tộc Chứt lao động sản xuất
Ngoài những giờ đứng lớp, cô Toàn còn hướng dẫn cho bà con dân tộc Chứt lao động sản xuất

Và thế là gần 4 tháng nay, người dân Hương Khê đã quen thuộc với hình ảnh một cô giáo gương mặt phúc hậu cứ đều đặn vượt chặng đường hơn 30 cây số đường rừng núi để vào dạy học cho các em dân tộc Chứt.

“Cái khó nhất của các cháu dân tộc Chứt là các cháu khó nhớ nhưng chóng quên. Có nhiều cháu học 4 tháng mà các âm nhớ không hết và các em rất lười học. Đôi lúc đang ngồi học nhiều cháu bỗng dưng đòi về nhà, không chịu học. Chính vì hiểu được các cháu nên đầu tiên chị phải khơi dậy trong các cháu niềm đam mê, thích việc học”, cô Toàn chia sẻ những kỷ niệm trong “cuộc chiến” gieo con chữ cho các em dân tộc Chứt.

Nhờ tình yêu và niềm đam mê không quản ngại khó khăn, vất vả, giờ đây hầu hết các em dân tộc Chứt đã nắm được con chữ, biết đọc, biết viết.

“Lớp học có 14 cháu, độ tuổi từ 7 đến 14 tuổi. Đến bây giờ các cháu đã nắm được con chữ, học đến đâu đọc, viết được đến đó”, cô Toàn vui mừng chia sẻ.

Đó là lẽ là trái ngọt đền đáp xứng đáng cho những tâm huyết của cô.

Trong ánh mắt xa xăm, cô Toàn vẫn mong là làm sao có thể bù đắp một phần thiệt thòi cho các em học sinh dân tộc Chứt
Trong ánh mắt xa xăm, cô Toàn vẫn mong là làm sao có thể bù đắp một phần thiệt thòi cho các em học sinh dân tộc Chứt

Chia sẻ về công việc mình đang làm, cô Toàn phân trần: “Chị không sợ vất vã, khó khăn, nhưng với cái tuổi của chị như lúc này vấn đề sức khỏe khiến tôi lo ngại nhất. Chị chỉ mong luôn được khỏe mạnh để được tiếp dục dạy học cho các cháu dân tộc Chứt”.

Ông Trần Đình Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hương Khê cho biết: “Công lao của cô Toàn với đồng bào Chứt là rất lớn. Cô Toàn còn ba năm nữa nghỉ hưu. Nhận thấy đồng bào Chứt đang mù chữ, nên tôi đã nhờ cô giúp bằng cách một tháng đi vào bản một lần, không ngờ cô lại làm đơn tình nguyện vào đó dạy hẳn cho các em. Sau một kì dạy học, thì bằng sự tận tụy, kinh nghiệm, sự nhiệt tình đã mang lại hiệu quả rất tốt. 14 em học sinh ở Trường tiểu học Hương Liên đã biết đọc, biết viết, và hòa nhập, sinh hoạt tập thể được”.

Xuân Sinh/ Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP