Bị viêm màng bồ đào làm hư đôi mắt, ban đầu nữ giáo viên xinh đẹp muốn tìm đến cái chết để giải thoát, nhưng được sự động viên của những người xung quanh, cô đã tiếp tục đứng lớp gieo chữ cho học trò đồng cảnh ngộ.
Cô giáo Thùy trong một buổi tổ chức ngày lễ trung thu cho học sinh trong Hội người mù Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC. Cô giáo Thùy trong một buổi tổ chức ngày lễ trung thu cho học sinh trong Hội người mù Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC.

Thùy là con gái thứ tư trong gia đình nghèo có 5 anh chị em ở huyện miền núi Hương Sơn. Cuộc sống vất vả, bố bị bại liệt không còn khả năng lao động, một mình người mẹ gánh vác, lo cho Thùy và các anh chị ăn học chu tất. Năm 2008, vừa tốt nghiệp ngành tiếng Anh Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh, Thùy được cử về trường THCS Thủy Mai (xã Sơn Thủy) công tác.

Một tháng sau khi đứng lớp, căn bệnh cũ viêm màng bồ đào từ hồi sinh viên tái phát khiến đôi mắt của Thùy gần như mờ hẳn, không thể dạy được nữa. Tương lai tươi sáng trong phút chốc bỗng hoá tro tàn, cô rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Hàng ngày giam mình trong bốn bức tường, không muốn gặp gỡ, nói chuyện cùng ai, cô trở nên vô cảm với mọi thứ xung quanh.

Thùy kể, ngày ấy có nhiều lúc muốn tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình. Cô thèm dạy dỗ học trò, đọc những câu chuyện kỳ bí, ngắm nhìn những bông hoa vào mỗi sáng bình minh, muốn được nhìn thấy nét cười đôn hậu pha lẫn những nếp nhăn trên khuôn mặt của mẹ. Tuy nhiên, mọi điều ước đó đều vô vọng khi trước mắt chỉ là màn đêm.

Sống với bóng tối, nhưng khao khát đứng trên bục giảng luôn thôi thúc Thùy. Năm 2009, cô gia nhập Hội người mù huyện Hương Sơn và đi học lớp giáo viên dạy chữ Brail. Ban đầu Thùy phải mò mẫm từng ký hiệu, có những lúc đôi tay mỏi rã rời, đầu đau ran. Sau hai tháng kiên trì, cô đã chinh phục được những chấm nổi li ti trên trang giấy trắng dày cộp rồi đọc và viết thành thạo.

Năm 2010, Thùy chuyển xuống Hội người mù Hà Tĩnh sinh hoạt, tham gia lớp dạy chữ Brail cho học sinh khiếm thị trên địa bàn. Thời gian đầu cô gặp rất nhiều khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức. Mỗi lớp dạy chữ Brail có 10-15 em, độ tuổi chênh lệch nhau, khó khăn nhất là để tập hợp, hòa đồng các em. Do học sinh ít được giao lưu với bên ngoài nên luôn mặc cảm, tự ti. Không chỉ dạy chữ, người giáo viên còn phải dạy các em cách ăn uống, định hướng đi lại.

Chia sẻ kinh nghiệm, nữ giáo viên 27 tuổi cười hiền tâm sự: “Người khiếm thị thiếu tình thương, vì thế phải tâm huyết, đặt vị trí vừa làm người cô, vừa là người mẹ. Cần đối xử nhẹ nhàng với tất cả, sau đó bàn giao trách nhiệm, người lớn phải giúp nhỏ”. Cô giáo trẻ thành thật nhiều lúc dạy, các em không nghe lời nên đã bật khóc trước lớp.

Ngày trước dạy học sinh sáng mắt không xảy ra tình trạng bỏ học, nhưng ở lớp học này các em đòi về nhà thường xuyên. Cô giáo trẻ đã phải đến từng nhà vận động và xin số điện thoại phụ huynh để liên lạc, thông báo tình hình về con cái cho họ yên tâm. “Cô Thùy rất tận tâm, nhiều bài học khó hiểu, cô đã cầm tay em đặt lên những chấm nổi rồi chỉ từng chi tiết một. Cô dạy rất dễ hiểu, nhờ sự ân cần dạy dỗ ấy, đến nay em đã đi học được với các bạn hòa nhập”, em Trần Việt Hoàng, cựu học sinh từng học lớp dạy chữ Brail nói.

Phụ huynh tên Nguyễn Thị Hòa cho biết, hồi con trai bị khiếm thị, chính cô Thùy đã đến khuyên gia đình cho đi học. “Tới chứng kiến cảnh cô trò dùng lời nói, cử chỉ quây quần bên nhau, tôi tin tưởng giao con để cô dạy dỗ và nói với chồng rằng ‘mình đã gặp được Bồ Tát rồi”, chị Hòa kể.

Cô Thùy đặt từng bàn tay học trò lên những chấm nổi nhỏ li ti để truyền đạt tri thức. Ảnh: NVCC.

Ngoài dạy học, nữ giáo viên khiếm thị còn rất đa tài. Thùy thường xuyên tham gia cộng tác với báo đài. Cô từng đạt giải ba cuộc thi Onkyo “Chữ Brail đã thay đổi cuộc sống như thế nào” do Hội người mù châu Á Thái Bình Dương tổ chức với bài viết “Hạt ngọc Brail”. Một năm trước Thùy được bầu làm Phó chủ tịch Hội người mù tỉnh Hà Tĩnh. Vừa làm công tác quản lý, cô vừa đứng lớp vào mỗi dịp dạy chữ Brail.

Ở Hội người mù Hà Tĩnh, các học sinh chủ yếu học Toán và Tiếng Việt để có thể ứng dụng vào các nghề tẩm quất, làm tăm tre… Nhưng cũng có nhiều em sau khi học lớp chữ nổi đã về học lớp hòa nhập với các bạn sáng mắt và học rất giỏi, như em Trần Việt Hoàng (lớp 8A, trường THCS Đồng Lộc) liên tục nằm trong tốp 4 của lớp. Hiện trong số cựu học sinh của nữ giáo viên này có 7 em học đại học, 3 em đang học hòa nhập.

Do cơ sở vật chất của Hội còn thiếu tốn, không thể tổ chức lớp học chữ Brail dài hạn (mỗi năm chỉ học 3 tháng) nên cô giáo Thùy rất trăn trở, mong sao có thể kéo dài lên được 9 tháng. “Thông thường đa số em khi học xong khóa ngắn hạn chỉ biết đọc chữ tàm tạm. Nếu dạy trong thời gian dài, học sinh sẽ tiếp thu kiến thức căn bản được nhiều hơn”, Thùy nói.

Nhận xét về đồng nghiệp, ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội người mù Hà Tĩnh cho hay cô giáo Thùy có cách dạy rất chuyên biệt, biết nắm bắt tâm lý con người, đặc biệt là người khiếm thị. “Với học sinh cô như là người chị, bảo mẫu, với bạn bè, đồng nghiệp, cô sống chan hòa, ai ai cũng mến yêu”, ông Thu nói.

Theo Đức Hùng

VnExpress