Bí ẩn những thân phận người

Cách đây mươi năm, muốn lên vùng biên giới Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) phải đi trên những chiếc xe đặc chủng 2 – 3 cầu với tâm thế sẵn sàng ngủ đêm bên hành trình dằng dặc leo dốc, vượt ngầm. Hãi nhất là dòng suối Rào Săn, mùa hè trong mát là thế mà mùa mưa trở thành con quái vật, sôi réo ầm ầm, cuốn phăng cả đá. Những người lính biên phòng đã từng kinh qua “cửa ải Rào Tre” thời đó không ai quên những đêm đưa đồng đội đau ruột thừa, sốt rét ác tính ra bệnh viện huyện Hương Sơn. Mấy chục cây số, vừa điện về xin cấp cứu, vừa gánh bệnh nhân trên vai chạy giữa rừng già, vừa nghe tiếng gầm của cọp…

Bây giờ thì khác rồi! Đường từ thị trấn Hương Khê qua trung tâm xã Hương Liên rồi vào Rào Tre đã khá hơn nhiều do có sự đầu tư công phu của Biên phòng Hà Tĩnh. Thế nhưng, dù cuộc sống văn minh đã theo con đường bêtông kiên cố vượt qua suối Rào Săn để vào bản, người Chứt ở Rào Tre, kể cả người nằm trong “tốp” có học vấn cao nhất là Hồ Thị Thanh Mai – cô gái vừa tốt nghiệp Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Hương Khê – cũng không biết gốc tích mình xuất xứ từ đâu. Mà không chỉ có Mai, dường như ý niệm về cội nguồn, gốc gác không tồn tại trong tư duy của cộng đồng người Chứt ở Rào Tre. Bằng chứng là ngay cả những người cao tuổi nhất như ông Hồ Pắc – cha của Mai – hay cựu trưởng bản Hồ Kính cũng chỉ lắc đầu “không biết” hoặc thẽ thọt: “Mình đẻ từ hồi Tây đến” (?!), khi được hỏi về năm sinh, tháng đẻ.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bản Giàng cùng già bản người Chứt làm lễ cúng trong Tết Lấp lỗ truyền thống. Ảnh: Lê Thị Hoài Thương 

Về nguồn gốc của tộc người Chứt, các công trình nghiên cứu về dân tộc học đã chỉ ra rằng, họ thuộc nhóm địa phương có cùng tên các gọi: Mày, Rục, Cọi, Arem, Mã Liềng. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng từng sống và công tác lâu năm tại Rào Tre, kết luận này vẫn chỉ mang tính lý thuyết, bởi trên thực tế, ngôn ngữ, tập quán cùng nhiều đặc điểm cơ bản về dân tộc học của cộng đồng người Chứt có rất nhiều điểm khác biệt so với tộc người khác cùng nhóm, chẳng hạn như người Rục ở Quảng Bình.

Tại nhà ông Hồ Sơn, một bậc cao niên ở Bản Giàng 1, thuộc xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, nơi cư trú một “phân hệ” người Chứt ở Rào Tre, người viết bài này từng được chiêm ngưỡng một cuốn sách cổ, ruột làm bằng một loại lá rừng phơi khô, ép phẳng, có khung bằng gỗ chạm trổ những hình thù hoa văn cách điệu đã bóng màu thời gian mà ông Sơn bảo, là “do ông bà để lại”. Trên các phiến lá màu nâu nhạt là những ký tự “giun dế” rất lạ, na ná như kiểu chữ của người Mường cổ được khắc lên mặt bằng một vật sắc nhọn nên rất rõ nét. Song, cả bản, kể cả người già nhất cao niên nhất lúc bấy giờ là bà Hồ Thị Lan, cũng chẳng biết trên đó ghi những gì. Phải chăng đây là một cuốn gia phả cổ của người Chứt, ghi lại nguồn gốc, tổ tiên cùng những “thông số” liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của hệ tộc? Rõ ràng, câu hỏi về nguồn gốc tổ tiên của người Chứt vẫn là một điều bí ẩn, rất cần được các nhà khoa học giải đáp.

Đại tá Trần Ngọc Thanh – nguyên Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh – tặng quà cho đôi uyên ương Hồ Thị Thanh Mai và Lê Xuân Công. Ảnh: Lê Thị Hoài Thương 

Bảo tồn người Chứt: Nhanh lên còn kịp

Trước khi được Đồn Biên phòng 575 phát hiện có sự tồn tại của người Chứt trong các hang đá ở vùng Khe Núng – Động Tràm ở xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, các thành viên của tộc người này khi về với “Giàng” chỉ được bọc sơ sài bằng vỏ cây do người nhà “liệm” rồi đem chôn. Vợ chồng lấy nhau không có lễ cưới, trước khi vợ sinh phải làm chòi ra bìa rừng ở riêng. Thế nhưng, cuộc sống có thể thiếu mọi thứ, nhưng rượu thì không. Đàn ông người Chứt đi rừng về, việc đầu tiên là “ghé thăm” ống bương đựng rượu còn nhiều hay ít. Đàn bà sau một ngày xuống suối, lên ngàn, tối về, một tay đỡ dọc tẩu nhả khói thuốc, mơ màng trong những cơn ngủ ngồi cho đến khi con nai, con hoẵng “tác tộ” sau nhà.

Được bộ đội biên phòng giúp về với cuộc sống văn minh mấy chục năm nay, người Chứt ở Rào Tre đã thoát khỏi miệng hố diệt vong, song, làm thế nào để đồng bào duy trì, phát triển nòi giống của mình đang là một câu hỏi khó. Do sự khác biệt về phong tục, tập quán và văn hoá, lại nằm ở vị trí heo hút, cách biệt với các dân tộc khác cư trú trong vùng, vì vậy cơ hội “nên duyên” của thanh niên trai gái người Chứt với người khác dân tộc là cực hiếm, trong khi các gia đình ở bản 100% có quan hệ huyết thống chưa quá 3, 4 đời. “Điều tế nhị” này đang ẩn chứa trong nó những câu hỏi lớn về sự tồn tại hay không tồn tại của một tộc người mà như trên đã nói, số cá thể còn hiện diện trên thế gian này là rất hiếm hoi.

Trung tuần tháng 4.2015 vừa qua, một “sự kiện lịch sử” đã đến với người Chứt, khi lần đầu tiên sau 25 năm hòa nhập với thế giới văn minh, có đám cưới đầu tiên giữa một “công dân Rào Tre” với một người ngoài bản. Do tính chất quan trọng của “vụ việc”, trong lễ cưới của mình, cô dâu Hồ Thị Thanh Mai và chú rể Lê Xuân Công – một chàng lính biên phòng người Kinh vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự – đã vinh dự chào đón đại biểu Thường vụ Tỉnh đoàn, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Huyện ủy, đại diện các phòng, ban ngành, đoàn thể, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt của huyện Hương Khê…

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cùng cán bộ các ban ngành chức năng huyện Hương Khê hướng dẫn đồng bào Chứt triển khai mô hình kinh tế vườn đồi. Ảnh: Lê Thị Hoài Thương 

Nói đám cưới của cặp đôi Thanh Mai – Xuân Công là quan trọng, bởi từ lâu, hôn nhân cận huyết là một sự bức bối của đồng bào dân tộc Chứt. Ở đây, có rất nhiều cặp vợ chồng như Hồ Gio – Hồ Thị Hoa là anh em con chú con bác. Hay Hồ Thị Sâm và Hồ Hà lấy nhau chỉ vì “cái bụng thích, ưng rồi lấy nhau” chứ họ không quan tâm đến việc mình là họ hàng chưa quá 3 đời. Hệ lụy nhãn tiền là tỉ suất sinh thô ở Rào Tre chỉ là 12,7%, trong khi đó tỉ lệ trẻ chết khi sinh lên đến 4,2%. Đặc biệt, tỉ lệ trẻ em bị còi cọc luôn ở mức 80% và tuổi thọ của người Chứt được ghi nhận ở mức thấp nhất cả nước.

Nhằm “giải cứu” người Chứt khỏi sự ám ảnh suy thoái giống nòi, nhiều giải pháp đã được các ban ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh đưa ra bàn thảo: Từ việc lâu dài như đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng một tuyến đường dài 15km nối bản Rào Tre với huyện Minh Hóa, Quảng Bình – nơi có cộng đồng người Rục đang sinh sống – để tăng cơ hội giao lưu cho thanh niên đến tuổi “cập kê”, cho đến việc “thiết kế” những phiên “chợ tình” hằng tháng giúp thanh niên người Chứt có cơ hội tìm hiểu, cưới vợ lấy chồng ngoài bản, khắc phục tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Nhưng đó mới chỉ là những tính toán còn ở trên bàn giấy. Theo các chuyên gia dân tộc học, để cuộc sống của tộc người hiếm hoi này không còn là “cung đàn lạc điệu” giữa trập trùng Trường Sơn – vốn nhiều lần đứng bên bờ vực của sự diệt vong – cần phải có những hành động “ngay và luôn” thì may ra còn kịp.

Lao Động