Là những người thường xuyên đi lại trên các tuyến đường tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi luôn phải đối mặt với “tử thần” từ nhiều phía. Nào là xe khách phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách; xe ben chở đầy đất, đá; xe công-ten-nơ rồng rắn trên đường,… Và cả những vệt lún bánh xe trên mặt đường.
Đi trên những đoạn đường này, nếu ai chưa có kinh nghiệm là “dính” tai nạn ngay. Nhẹ thì mất tay lái, nặng thì “đo đường”.
Trên quốc lộ (QL) 1, vết lún bánh xe khá sâu theo dạng “vồng khoai”, xuất hiện khá nhiều, nhất là từ đoạn Xuân An (Nghi Xuân), dốc Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh); đường tránh TP Hà Tĩnh… rồi vào đến địa phận xã Kỳ Văn, Kỳ Thọ, thị trấn Kỳ Anh (Kỳ Anh). Thậm chí cầu Bến Thủy 2 mới đưa vào sử dụng chưa hết thời gian bảo hành cũng xuất hiện vệt lún này. Đấy là chưa kể các “ổ trâu” lớn bé xuất hiện trên các tuyến đường, mặc dù, các đơn vị có trách nhiệm cũng làm hết bổn phận mình trong việc duy tu, bảo dưỡng mặt đường.
Không khó để nhận ra nguyên do của tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng lún “vồng khoai” và ổ “trâu”, mà một trong những nguyên nhân cơ bản đó là tình trạng xe quá khổ, quá tải đang ngày đêm “cày ải” trên các tuyến đường này. Hiện chưa có một cơ quan nào đứng ra công bố là mỗi ngày có bao nhiêu lượt xe quá khổ, quá tải hoành hành trên các tuyến đường ở Hà Tĩnh. Không kể các địa phương khác, riêng Hà Tĩnh có bốn doanh nghiệp vận tải lớn chuyên phân phối xi-măng, sắt thép, phân bón đều có đến hàng trăm xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc, thường cõng từ 50-80 tấn, quá tải đến vài lần cho phép. Khi lưu thông trên đường, không ai là không rùng mình khi phải đồng hành với những xe đầu kéo chất đầy gỗ, lừng lững cao chừng ba mét, chìa ra hai bên thành, mỗi bên nửa mét, chao đảo trên đường; rồi xe quá tải cõng đầy xi-măng, sắt thép… lao rầm rầm. Những xe quá tải này thường xuất hiện trên đường vào buổi trưa hay buổi tối, lúc trên đường vắng bóng các ngành chức năng.
Một anh bạn thân chuyên ngành vận tải “bật mí”: Một xe Huynđai hai cầu, hai dí (bốn bánh lái), tải trọng cho phép 15-18 tấn nhưng phải “cõng” 30-35 tấn; còn xe sơ-mi sáu đầu trục theo đăng kiểm chỉ chở được 30 tấn nhưng thường chở gấp hai lần cho phép, thậm chí gấp ba lần. Nhiều khi do chất tải quá nhiều, tài xế cứ phải cho xe chạy liên tục trên đường, không dám dừng đậu lâu, sợ nổ “bứt” mất dàn lốp.
Thời gian qua, mặc dù cả nước phải cắt giảm đầu tư công nhưng Hà Tĩnh vẫn được Chính phủ ưu tiên hàng chục nghìn tỷ đồng để tiếp tục hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng các tuyến QL 1, QL 8A, QL 15…
Điều các Ban quản lý dự án nâng cấp các tuyến quốc lộ lo lắng, đó là tình trạng xe “siêu” trọng đã và đang cày xéo khiến nhiều đoạn đường vừa mới thảm bê-tông nhựa (lớp thô) nhưng đã xuất hiện tình trạng sụt lún ở một số điểm như tại dự án nâng cấp QL 1 đoạn nam cầu Bến Thủy 2 đến đoạn tránh TP Hà Tĩnh là một thí dụ. Hay QL 8A, nhiều đoạn đã thi công xong phần mặt đường nhưng nhà thầu vẫn không dám rải thảm, bởi lo sợ các phương tiện quá tải cày nát. “Ban ngày có khá nhiều xe đầu kéo chở vật liệu xây dựng, khoáng sản; ban đêm xe chở gỗ quá tải, ì ạch nối đuôi nhau chạy qua, nhìn mà phát ớn”, Giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp QL 8 Nguyễn Đình Phúc… ấm ức nói. Quốc lộ nâng cấp dở dang, xe quá khổ, quá tải liên tục cày xéo mà các ngành chức năng không vào cuộc thật sự, làm cho người dân sống hai bên đường cùng người tham gia giao thông điêu đứng vì ô nhiễm môi trường: nắng bụi, mưa lầy. Mới đây, cuối tháng 7-2013, Tổng cục Đường bộ tổ chức thí điểm đặt trạm cân lưu động xe quá tải tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), qua kiểm tra 128 xe ô-tô vận tải tuyến bắc – nam, thì có hơn 50% số xe vi phạm quá tải cầu đường phải xử lý. Đáng nói hơn, dọc hai đầu trạm cân lưu động này có đến hàng trăm xe ô-tô quá tải ban ngày nằm bất động đợi đến đêm xuống lợi dụng trời tối đã đồng loạt ào ào vượt trạm, trước sự bất lực của các ngành chức năng.
Xử lý đồng bộ xe vi phạm
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, lãnh đạo các ngành liên quan của tỉnh Hà Tĩnh đều thừa nhận: Thực tế cho thấy thời gian gần đây, tình trạng ô-tô chở hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép đang có chiều hướng gia tăng.
Nhưng họ đều viện lý do, không có trạm cân để kiểm tra, nên không biết lấy gì làm căn cứ để xử lý, bắt chủ phương tiện hạ tải. Còn theo một lãnh đạo Đội CSGT 1-8 (Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh): Hiện trên QL 8A có khá nhiều xe quá tải nhất là về ban đêm, tuy nhiên đây là tuyến đường thông thương quốc tế nên vấn đề dừng xe để kiểm tra, xử lý gặp khó và nhạy cảm.
Cũng vì nhiều lý do khác nhau mà trong thời gian dài vừa qua, việc xử lý xe quá tải trên toàn tỉnh Hà Tĩnh rất hạn chế, số lượng vi phạm thì rất nhiều nhưng số bị xử phạt mới chỉ đếm đầu ngón tay.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ vừa ký Quyết định thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn Hà Tĩnh với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát phương tiện để xử lý các phương tiện vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn Hà Tĩnh.
Trạm biên chế 33 người, gồm các lực lượng: Thanh tra giao thông của Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh và Tổng cục Đường bộ cùng Công an Hà Tĩnh. Đặc biệt, lực lượng Kiểm soát quân sự cũng được tăng cường vào Trạm kiểm tra tải trọng lưu động này để buộc các xe ô-tô mang biển kiểm soát quân sự có biểu hiện vi phạm quá tải trọng, quá khổ vào kiểm tra xử lý; kể cả xe của các đơn vị, doanh nghiệp quân đội làm kinh tế; đồng thời, hỗ trợ các lực lượng trong công tác xử lý vi phạm, xử lý xe vi phạm trốn, tránh trạm… Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Trần Quang Tuấn cho biết, hiện tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục hành chính, chuẩn bị các điều kiện để có thể tiến hành kiểm tra tải trọng xe ngay trong cuối tháng 1 này. Trước tiên sẽ tiến hành kiểm tra thí điểm trên một số đoạn tỉnh lộ để rút kinh nghiệm, sau đó sẽ chính thức tiến hành ra quân kiểm tra lưu động trên đoạn nam QL 1.
Cùng với việc ra quân đồng loạt triển khai trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, Hà Tĩnh còn xây dựng các bến bãi hạ tải và kho tàng để cất giữ hàng hóa các phương tiện vi phạm đồng thời thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn khác, nhằm không để xảy ra tình trạng “bể” trạm cân lưu động như đã xảy ra hồi tháng 7-2013 vừa qua. Có như vậy mới có thể ngăn chặn được tình trạng xe quá khổ, quá tải hoành hành trên đường. Và người tham gia giao thông mới giải tỏa được nỗi ám ảnh xe quá khổ, quá tải…