Truyền thống - Phát triển

Hà Tĩnh – Bình Định gắn bó thủy chung, sâu nặng nghĩa tình, xây đắp tương lai

Hà Tĩnh – Bình Định là 2 tỉnh nằm trên dải đất miền Trung có truyền thống cách mạng kiên cường và những nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Truyền thống ấy đã và đang được vun đắp và ngày càng phát triển theo chiều dài lịch sử của dân tộc.

Võ Kim Cự

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Bác Hồ kính yêu, vào đầu năm 1960, Bình Định và Hà Tĩnh đã chính thức trở thành 2 tỉnh kết nghĩa, kề vai sát cánh cùng với quân và dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Hà Tĩnh - Bình Định gắn bó thủy chung, sâu nặng nghĩa tình, xây đắp tương lai

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan và nói chuyện với ông Trần Xuân Thực – chủ mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Thạch Bằng (Lộc Hà). (Ảnh tư liệu)

Với phương châm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh luôn sát cánh, sẻ chia khó khăn, gian khổ, cùng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Định anh dũng chống kẻ thù xâm lược. Trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh đó, đã có hàng vạn người con Hà Tĩnh hăng hái lên đường vào miền Nam, vào Bình Định trực tiếp chiến đấu chống Mỹ. Những người con Hà Tĩnh trên tiền tuyến lớn miền Nam đã sát cánh cùng cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam nói chung và Bình Định nói riêng kiên cường chiến đấu, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm những trang sử hào hùng của Đảng bộ, quân và dân hai tỉnh.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh, Đảng bộ, quân và dân Bình Định luôn được động viên, tiếp sức khi ở quê hương kết nghĩa mọi người dân Hà Tĩnh đều một lòng hướng về miền Nam, hướng về Bình Định. Nhiều công trình, dự án trên quê hương Hà Tĩnh luôn vang vọng 2 tiếng Bình – Hà và những địa danh của Bình Định. Hà Tĩnh có 8 huyện, thị đã kết nghĩa với 8 huyện, thị của Bình Định. Sau chiến thắng Núi Nài (26/3/1965) bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, Hà Tĩnh đã phát động phong trào “Phát huy chiến thắng 26/3, Bình Hà quyết thắng”.

Năm 1966, Hà Tĩnh phát động chiến dịch thủy lợi Bồng Sơn (một huyện phía Bắc tỉnh Bình Định kết nghĩa với Hà Tĩnh), triển khai rầm rộ trong toàn tỉnh suốt các tháng hè, đào đắp 10 triệu m3 đất, cải tạo bờ vùng, bờ thửa 25.000 ha đất trồng trọt. Từ phong trào đã có hàng nghìn thanh niên được kết nạp vào Đoàn, trên 1 vạn đoàn viên được kết nạp vào Đảng, trên 2 vạn người được công nhận “Dũng sĩ Bồng Sơn” các cấp. Kết quả đó càng thắt chặt tình đoàn kết Bình Định – Hà Tĩnh và tinh thần hướng về miền Nam ruột thịt. Năm 1968, huyện Kỳ Anh – đơn vị kết nghĩa với huyện Phù Cát đã phát động làm công trình thủy lợi Hoài Châu (một địa danh ở Hoài Nhơn) với các phong trào thi đua sâu rộng: “Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Một người làm việc bằng hai”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tiền tuyến cần một, ta sẵn sàng hai”…

Hà Tĩnh - Bình Định gắn bó thủy chung, sâu nặng nghĩa tình, xây đắp tương lai

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (người đi giữa) tham quan dự án chăn nuôi bò siêu thịt thuộc Nhà máy Chế biến súc sản Mitraco nhân chuyến về thăm và làm việc tại Hà Tĩnh tháng 3/2015. Ảnh tư liệu

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền Hà Tĩnh tiếp tục cử các đoàn cán bộ vào giúp nhân dân Bình Định hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển KT-XH.

Ngày 7/8/2010, lãnh đạo 2 tỉnh Bình Định và Hà Tĩnh đã ký kết Bản thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa 2 tỉnh giai đoạn 2011-2015. Thực hiện văn bản ký kết đó, trong 5 năm qua, 2 tỉnh đã có những chương trình, kế hoạch cụ thể và đạt được những kết quả nhất định trên nhiều lĩnh vực.

Trên lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thủy sản: thời gian qua, 2 tỉnh đã tổ chức các đoàn trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ mới phục vụ phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Năm 2012, đoàn công tác của tỉnh Bình Định đã đến Hà Tĩnh nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn; phát triển làng nghề, trang trại; kinh nghiệm thâm canh, chuyên canh, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt quan tâm đến kỹ thuật nuôi tôm trên cát, mô hình chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp theo hình thức khép kín.

Đưa 2 tổ máy Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I vào vận hành thương mại

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I cung cấp khoảng gần 8 tỷ kWh điện thương phẩm cho thị trường Việt Nam

Trên lĩnh vực công thương, 2 tỉnh thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong việc thống kê, phân tích đánh giá và dự báo tình hình phát triển ngành công thương; định kỳ hàng tháng, quý, năm, trao đổi báo cáo ngành công thương của hai bên để học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác quản lý nhà nước. Hai bên đã phối hợp xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2015; chương trình, đề án xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, giúp doanh nghiệp 2 tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu; liên kết website của hai sở công thương nhằm đăng tải các thông tin về lĩnh vực công nghiệp, thương mại.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư 2 tỉnh đã tiến hành liên kết website về kêu gọi đầu tư, giới thiệu tiềm năng và lợi thế của các bên. Thường xuyên trao đổi thông tin về chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, về môi trường đầu tư và các dự án kêu gọi đầu tư cũng như công tác quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư. Hiện, Công ty TNHH Tân Trường Phát (Bình Định) đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ tinh chế tại KKT Vũng Áng.

Hà Tĩnh - Bình Định gắn bó thủy chung, sâu nặng nghĩa tình, xây đắp tương lai

TP. Quy Nhơn nhìn từ trên cao. (Ảnh internet)

Hà Tĩnh có KKT Vũng Áng, một trong 5 khu kinh tế trọng điểm của cả nước; Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là một trong 8 cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ ưu tiên đầu tư; KKT Vũng Áng đang là trung tâm nhiệt điện lớn nhất của khu vực (tổng công suất các nhà máy nhiệt điện trên 7.000 MW); khu luyện thép lớn nhất (22 triệu tấn/năm) và cụm cảng nước sâu hiện đại, sâu nhất. Bình Định có KKT Nhơn Hội, trong tương lai có tổ hợp lọc hóa dầu hiện đại, có khu du lịch Vinpearl Hải Giang, khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ. Trong đó, Nhơn Hội là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, là động lực phát triển KT-XH của Bình Định và miền Trung.

Hai tỉnh đang tiếp tục khai thác, phát huy thế mạnh của cảng biển Quy Nhơn, cảng biển nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương để mở hướng thông thương, hội nhập và phát triển. Bình Định và Hà Tĩnh đang tiếp tục phát huy tiềm năng tài nguyên khoáng sản, thế mạnh của rừng, của biển để phát triển công nghiệp và một nền nông nghiệp toàn diện. Phong trào xây dựng nông thôn mới của 2 tỉnh đang có nhiều khởi sắc.

Đến cuối năm 2014, Hà Tĩnh đã có 26 xã về đích nông thôn mới; Bình Định có 20 xã đạt từ 15-18 tiêu chí. Đảng bộ 2 tỉnh thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo giữ vững ổn định và phát triển. Hai tỉnh đang tiếp tục đầu tư cho phát triển văn hóa, xã hội; quan tâm phát triển giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng của quê hương.

Hà Tĩnh - Bình Định gắn bó thủy chung, sâu nặng nghĩa tình, xây đắp tương lai

Tàu vào “ăn hàng” tại Cảng Quy Nhơn

Trên lĩnh vực GD&ĐT, văn hóa – xã hội, giữa 2 tỉnh cũng đã có những mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau hiệu quả. Trong trận lũ lịch sử gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản năm 2010, tỉnh Bình Định đã đến thăm và tặng số tiền 500 triệu đồng nhằm cứu trợ nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Năm học 2014-2015, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thực hiện tài trợ công tác an sinh xã hội với số tiền 20 tỷ đồng để xây dựng Trường Mầm non Bình Hà tại phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh). Công trình được gắn tên Bình Hà thể hiện ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình hơn 50 năm kết nghĩa giữa 2 tỉnh.

Ngoài ra, các địa phương của 2 tỉnh Bình Định và Hà Tĩnh đã tiến hành hợp tác, kết nghĩa, thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về những vấn đề mà mình quan tâm; tăng cường mối giao lưu, giúp đỡ nhau trong khó khăn, thiên tai, lũ lụt, như: An Lão – Hương Khê; Tuy Phước – Can Lộc; An Nhơn – Kỳ Anh; Hoài Nhơn – Đức Thọ; Phù Cát – Cẩm Xuyên; Vân Canh – Hương Sơn…

Hơn nửa thế kỷ kết nghĩa, “mối tình” Bình – Hà đã xây dựng, vun đắp nên nhiều thành công, kinh nghiệm quý báu và để lại những kỷ niệm sâu sắc mãi đi vào lịch sử. Kỷ niệm 55 năm kết nghĩa Bình – Hà trong không khí cả nước vừa kỷ niệm 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, hướng tới kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng bộ và nhân dân Bình Định – Hà Tĩnh càng thấm sâu mối tình kết nghĩa đã được tạo dựng và thử thách qua năm tháng, cùng quyết tâm sát cánh bên nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng nắm chặt tay nhau đi tới mục tiêu cao cả của sự nghiệp đổi mới: xây dựng quê hương Bình – Hà, xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, văn minh như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

V.K.C / Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP