Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: “Biệt phủ” trái phép mọc trên đất nông nghiệp

Được cho thuê đất nông nghiệp để làm trang trại chăn nuôi nhưng gia đình bà Phan Thị Châu (thôn 6, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã ngang nhiên xây dựng khu sinh thái, “biệt phủ” trái phép với quy mô lớn. Điều đáng nói, công trình xây dựng trên đất nông nghiệp này đã hoàn thành gần 80%, tuy nhiên chính quyền địa phương lại không có biện pháp nào ngăn chặn, xử lý.

Công khai xây “biệt phủ” trên đất nông nghiệp

Trước đó, ngày 20/3/2013, UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) ban hành quyết định số 357/QĐ-UBND về việc thu hồi đất cho bà Phan Thị Châu thuê đất để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp khác (xây dựng trang trại chăn nuôi), do ông Đặng Văn Tính – Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân ký.

Khu sinh thái, “biệt phủ” trái phép của gia đình bà Phan Thị Châu nhìn từ trên cao.


Cụ thể, thu hồi 14.624m2 đất tại xã Xuân Liên, loại đất: đất sản xuất nông nghiệp của hộ dân ông Lê Quang Trung đã được bà Phan Thị Châu thoả thuận bồi thường theo văn bản hai bên ký kết vào ngày 14/02/2013 và cho phép bà Phan Thị Châu (xóm 6, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân) được thuê toàn bộ diện tích thu hồi trên để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp khác (xây dựng trang trại chăn nuôi).

Một căn nhà gỗ trong khu sinh thái


Theo hợp đồng thuê đất giữa UBND huyện Nghi Xuân và gia đình bà Phan Thị Châu ký ngày 12/6/2013, giá tiền thuê đất là 1.458.744 đồng/ năm. Thời hạn thuê đất là 50 năm.

Mặc dù UBND huyện Nghi Xuân cho thuê đất để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp khác nhưng từ đầu năm 2021, gia đình bà Phan Thị Châu đã ngang nhiên tiến hành xây dựng khu sinh thái, “biệt phủ” trái phép khiến cho người dân địa phương bức xúc, phẫn nộ.

Chòi vãn cảnh được xây dựng ở chính giữa hồ cá.


Ngay sau khi nhận được phản ánh, phóng viên đã tìm về nơi đây để mục sở thị. Theo đó, hệ sinh thái, “biệt phủ” của gia đình bà Châu có thế tựa lưng vào núi, mặt hướng ra cánh đồng rộng lớn, tạo nên một khung cảnh thơ mộng, như một khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Theo quan sát, trên khu đất rộng gần 15.000m2, gia đình bà Châu đã cho dựng 3 căn nhà gỗ có kết cấu, kiến trúc quy mô như "biệt phủ" cổ xưa, trong đó căn nhà gỗ hai tầng lớn nhất nằm ở chính giữa. Hai bên đường đi vào khu “biệt phủ”, gia chủ đào 2 hồ nuôi cá, đồng thời xây dựng một chòi vãn cảnh ngay chính giữa hồ.

Căn nhà gỗ được dựng theo lối kiến trúc nhà sàn.


Bên cạnh đó, chủ nhân đã cho trồng một hệ thống cây xanh bao trùm toàn bộ khu sinh thái, biệt phủ, tạo ra một không gian sống yên bình, đậm nét xưa…

Chính quyền nói gì?

Trước những sai phạm nghiêm trọng của hộ gia đình bà Phan Thị Châu, phóng viên đã liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân. Tại đây, ông Mai Xuân Lý – Chủ tịch UBND xã Xuân Liên, cho biết: “Hiện, chúng tôi đã nắm bắt được thông tin và cho lập biên bản yêu cầu gia đình bà Châu dừng thi công…”.

“Biệt phủ” của gia đình bà Phan Thị Châu có thế tựa lưng vào núi, mặt hướng ra cánh đồng rộng lớn.


Trái ngược với thông tin từ người đứng đầu chính quyền xã Xuân Liên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện gia đình bà Châu đang chạy đua với thời gian khi cho hàng chục công nhân thi công những hạng mục công trình khác trên đất nông nghiệp.

Một người dân cho hay, “Không biết chính quyền xử lý “biệt phủ” trái phép này như thế nào rồi mà ngày nào cũng có công nhân đến đây để dựng nhà gỗ…”.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Tiến Anh – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cho biết: “Sau khi nắm bắt được thông tin, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo phòng Tài nguyên, phòng Hạ tầng phối hợp với UBND xã Xuân Liên kiểm tra, làm rõ vụ việc. Lúc nào có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin tới báo chí…”.

Bộ bàn ghế trường kỷ trong khu sinh thái.


Sau gần 10 năm được thuê đất nông nghiệp, trang trại chăn nuôi chưa thấy đâu, nay bỗng nhiên “mọc” lên khu sinh thái, “biệt phủ” trái phép có quy mô hàng ngàn mét vuông. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Vì sao gia đình bà Phan Thị Châu có thể ngang nhiên thách thức pháp luật được như vậy? Chính quyền đang ở đâu trong vụ việc này? Và ai là chủ thực sự của khu sinh thái, “biệt phủ” trái phép này?

Theo điều 9 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép là trái luật và bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, hành vi chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (đất ở) tại khu vực nông thôn, căn cứ diện tích đất chuyển mục đích trái phép, mức phạt giao động từ 3.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả, buộc đối tượng thực hiện hành vi chuyển mục đích sử dụng trái phép phải tháo dỡ các công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu./

Tác giả: Trần Quốc - Văn Phương

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP