Cưỡng chế 68 công trình
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, trong thời gian sớm nhất, huyện này phải cưỡng chế 68 công trình vi phạm đất rừng. “Đây là những công trình sai phạm diễn ra trong những năm 2017-2018. Cưỡng chế được 68 công trình này theo chỉ đạo của thành phố cũng đã rất vất vả rồi”, lãnh đạo huyện Sóc Sơn nói.
68 công trình buộc phải cưỡng chế đợt này tập trung chủ yếu ở 2 xã Minh Phú và Minh Trí. Thực tế, trước khi có lệnh của UBND TP.Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn cũng đã có lệnh cho 18 gia đình ở thôn Lâm Trường, xã Minh Phú tự phá dỡ diện tích vi phạm. Tuy nhiên, yêu cầu của huyện không được người dân thực hiện triệt để. Nhiều gia đình chỉ thực hiện cầm chừng - vừa phá dỡ vừa ngóng các công trình bên cạnh.
Một công trình trong thôn Lâm Trường bị yêu cầu tháo dỡ |
Giải thích lý do chưa thực hiện theo yêu cầu của huyện Sóc Sơn, bà Nguyễn Thị Tâm khẳng định, đất của gia đình bà là thửa đất của gia đình mình được chuyển giao là đất vườn quả thuộc dự án JIFPRO để phát triển mô hình kinh tế hộ. Theo bà, khu đất này cũng được phép làm nhà không quá 200 m2.
Còn bà Vũ Thị Huệ - một trong những hộ dân ở thôn Lâm Trường bị yêu cầu phá dỡ diện tích vi phạm cho biết, khi cải tạo sửa chữa nhà, các hộ đều có đơn đề nghị và được UBND xã Minh Phú, Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng đồng ý. Sự việc đã được các hộ dân ở đây báo cáo đoàn Thanh tra TP.Hà Nội và đã được ghi vào nội dung biên bản khi các hộ làm việc với đoàn.
“Căn nhà được cải tạo sửa chữa thành nhà cấp bốn, lợp ngói xi măng, đảm bảo tránh được mưa, nắng, giông bão, đảm bảo an toàn cho cuộc sống sinh hoạt của hộ gia đình”, một hộ dân có nhà thuộc dự án JIFPRO nói.
Bao giờ động đến “biệt phủ”?
Các hộ dân ở xã Minh Phú và Minh Trí cho rằng, nhiều công trình "khủng" nằm trên địa bàn 9 xã ở huyện Sóc Sơn vi phạm đất rừng được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ từ tháng 4/2006 không được chính quyền xử lý triệt để mà chỉ “nhằm” vào những công trình nhỏ rồi yêu cầu phá dỡ.
Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Việt phủ Thành Chương (xã Hiền Ninh) có diện tích khoảng 3.000 - 8.000 m2 đất sử dụng. Nguồn gốc đất quy hoạch là đất rừng đặc dụng, trước đây hợp tác xã giao cho ông Lưu Văn Sỹ quản lý bằng sổ lâm bạ. Đến năm 2001, ông Lưu Văn Sỹ bán cho ông Nguyễn Thành Chương dưới dạ liên doanh liên kết (có xã nhân của UBND xã).
Thanh tra Chính phủ có kết luận về Việt phủ Thành Chương từ năm 2006, nhưng huyện Sóc Sơn vẫn chưa xử lý |
Kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006 nêu rõ, sau khi mua của ông Sỹ, ông Chương dã xây dựng công trình kiên cố trên đất. Điều đặc biệt, trong suốt quá trình xây dựng chỉ một lần chính quyền xã phạt 10 triệu đồng (phạt cho tồn tại). Sau đó, ông Chương lại tiếp tục xây dựng.
Dù Việt phủ Thành Chương qua nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm, nhưng trong kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội không nhắc đến công trình này. Trao đổi với với phóng viên Dân trí, Thanh tra thành phố cho rằng, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ khu đất Việt phủ Thành Chương có nguồn gốc là đất quy hoạch rừng đặc dụng (theo quy hoạch hiện nay là rừng phòng hộ môi trường) và kiến nghị xử lý đối với trường hợp này.
Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Sóc Sơn chưa thiết lập hồ sơ vi phạm tiến hành xử lý đối với trường hợp Việt phủ Thành Chương. Vì vậy, Thanh tra TP đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006-2018 đã không nghiêm túc thực hiện các Kết luận của Thanh tra Chính phủ, đồng thời khẩn trương thực hiện dứt điểm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Một công trình khủng khác tại huyện Sóc Sơn đã được Sở Xây dựng Hà Nội chỉ rõ đó là tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden được 4 người ngoài địa phương nhận chuyển nhượng của 13 hộ dân tại thôn Minh Tâm, xây dựng 4 hạng mục công trình với tổng diện tích xây dựng 717 m2.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, khu đất Hoàng Lê Gia Garden được quy hoạch là vườn quả. Tuy nhiên, chủ đầu tư xây dựng công trình nhà ở, sân vườn trên đất là hành vi sử dụng đất sai mục đích.
Tác giả: Quang Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí