TP-Huyện-Thị

Hà Tĩnh: Bẫy “tận diệt” gà rừng kiếm tiền triệu mỗi ngày

Khác với các loại chim muông và thú rừng, bẫy gà rừng rất dễ. Nếu biết chắc khu vực đặt bẫy có gà rừng thì sau khi giăng bẫy và thả gà mồi khoảng 5-10 phút là có thể có chú gà rừng dính phải một trong những cái bẫy “tông gio”.

Bén duyên…

Tôi may mắn quen được Mão – một tay bẫy gà rừng cừ khôi ở TP Hà Tĩnh. Vốn dĩ, Mão là một tay thợ mộc làng, có nhiều tài vặt. Mão kể, lão học được cái nghề bẫy gà rừng này từ một ông bạn có tên là Bình “què”.

Ði bẫy gà rừng!
Những chiếc bẫy gio được cắm xuống đất lẫn trong đám lá khô nên gà rừng có tinh mắt đến mấy cũng không nhận ra

Bình “què” người gốc Thạch Quý, nhưng khi lớn lên vào miền Nam làm thuê rồi lấy vợ và ở luôn trong đó. Chỗ Bình ở là một xã miền núi của huyện Hàm Thuận Nam – tỉnh Bình Thuận.

Theo những gì Mão nghe Bình kể thì khu vực này đời sống của bà con hết sức khó khăn, mỗi hộ chỉ có vài sào đất để trồng lúa nước. Những gia đình chịu khó khai hoang phát rẫy thì có cái ăn, cái mặc, nếu chỉ chờ vào mấy sào lúa nước thì đói quanh năm. Ruộng sát bìa rừng nên cứ đến mùa gieo hạt là gà rừng kéo cả đàn về ăn lúa giống của người dân vừa gieo sạ. Chính vì vậy, những ruộng nào đàn gà rừng ghé thăm thì coi như mất trắng. Khác với gà nhà, không có cách nào để bảo vệ mùa màng khi gà rừng xuất hiện. Do đó, những người nông dân ở đây đã nghĩ ra cách đặt bẫy.

Bình “què” bắt đầu nghề bẫy gà rừng từ đó. Hàng năm, cứ đến mùa gà rừng sinh sản (từ tháng 3 đến cuối tháng 7), Bình “què” lại ôm gà mồi, bẫy gio từ Bình Thuận về Hà Tĩnh để “hành nghề”. Ở các vùng rừng núi như: Ngọc Sơn, Nam Hương, Thạch Hương (Thạch Hà); Hà Linh, Hương Trạch, Phúc Trạch (Hương Khê) và vùng lòng hồ Kẻ Gỗ… theo Bình là rất nhiều gà rừng.

Tận diệt…

Trong những lần đi theo phụ giúp và điếu đóm cho Bình, với khả năng tài vặt của mình, Mão đã nhanh chóng học được cách chọn vị trí đặt bẫy, thả mồi sao cho hiệu quả nhất. Rồi Mão lặn lội vào tận Bình Phước để mua gà mồi và bẫy gio về hành nghề. Với nguồn vốn đầu tư khoảng 5 triệu đồng, Mão đã trang bị được 1 con gà mồi đúng tiêu chuẩn và 5 bộ bẫy (mỗi bộ 20-30 vòng gio).

Ði bẫy gà rừng!
Gà mồi liên tục cất tiếng gáy “mời gọi” gà rừng

Lần đi bẫy gà rừng đầu tiên trong đời tôi với Mão quả thật ấn tượng. Khu vực chúng tôi đến là trại Ông Con nằm ở địa phận xã Nam Hương (giáp ranh giữa 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên), cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 35 km. Có mặt tại trại Ông Con lúc 5h chiều, tôi và Mão đi vào bìa rừng và lắng nghe gà rừng gáy. Theo kinh nghiệm của Mão thì xác định được gà rừng gáy ở khu vực nào thì sáng sớm mai đặt bẫy ở khu vực đó là ăn chắc. Sau vài giờ đồng hồ cuốc bộ sát bìa rừng, Mão xác định được 5 điểm và định hình được các vị trí đặt bẫy vào ngày mai.

4h sáng, Mão gọi tôi dậy, lần đến những nơi đã định vị, đặt bẫy. Đúng 6h30’, mọi công việc hoàn tất. Bước tiếp theo là thả gà mồi và chọn vị trí thuận lợi để ẩn nấp quan sát.

Gà mồi vừa được thả ra, ngay lập tức vỗ cánh và cất tiếng gáy. Không phải chờ lâu, chỉ sau 3 hồi gáy của con gà mồi, lập tức một chú gà rừng xuất hiện. Có lẽ vì “tức nhau tiếng gáy” và cả “lãnh địa” của mình bị kẻ khác xâm hại nên chú gà rừng xù lông lao vào gà mồi “chiến” ngay. Chưa đầy 5 phút giao chiến, gà rừng đã bị dính bẫy. Nó cố hết sức giãy giụa, vỗ cánh phành phạch và bay tứ tung, miệng kêu toang toác nhằm thoát thân, nhưng mỗi khi đã dính phải bẫy gio rồi thì coi như “tận số”. Và, bây giờ Mão chỉ việc nhanh chóng từ chỗ nấp tiến về phía con gà rừng, cột chân, cột cánh cẩn thận và cho vào túi.

Theo Mão, sở dĩ làm vậy là để nó không nhìn thấy ánh sáng, sẽ nằm yên, khỏi đánh động những con khác bay mất. Sau khi cho chiến lợi phẩm vào túi, Mão nhanh chóng thu dọn bẫy và tiếp tục di chuyển đến vị trí mới, tiếp tục thả gà mồi vào khu vực bẫy đã được giăng sẵn.

Ngày hôm đó, tôi và Mão bẫy được 3 con gà rừng, tạm coi như thành công.

Nguy cơ tuyệt chủng

Có lẽ xuất phát từ tính hung hăng hiếu thắng, chiếm giữ lãnh địa của gà rừng, kết hợp với các thủ thuật của những tay bẫy gà cừ khôi như Bình “què”, Mão, nguy cơ gà rừng bị tuyệt chủng trong tương lai rất gần. Theo Mão, trước đây, ở Nam Hương, Thạch Hương và đập Đá Đen (Thạch Ngọc) có rất nhiều gà rừng nhưng nay chỉ còn toàn gà mái. Như vậy, có nghĩa loài gà rừng đang dần biến mất khỏi khu vực này.

Ði bẫy gà rừng!
Bẫy được dời từ vị trí này đến vị trí khác ở những khu vực được phát hiện có gà rừng sinh sống

Trong những lần theo chân Mão đi bẫy gà rừng, chúng tôi không hề gặp bất cứ một sự ngăn cản nào từ phía các lực lượng chức năng và cả chính quyền địa phương, kể cả Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Mão thổ lộ: khi mà họ chưa cấm thì mình tranh thủ, chứ nếu bị cấm thì khó lòng lắm. Như đọc được thắc mắc của tôi, Mão giải thích: Việc cấm hoặc ngăn cản đánh bắt gà rừng là không khó bởi 2 lý do.

Thứ nhất, khu vực bẫy gà rừng thường nằm ngay bìa rừng, gần các trang trại, nương rẫy có người sinh sống nên việc phát hiện và nghiêm cấm đánh bắt là hết sức đơn giản. Thứ hai, hiệu quả kinh tế của gà rừng mang lại không cao như những loại thú rừng khác (mỗi con gà rừng bán được 250-300 ngàn đồng), hơn nữa, những người đi bẫy gà rừng phần lớn là để chơi cho vui chứ không phải là nghề mưu sinh nên các thợ săn dễ từ bỏ.

Sau những lần cùng Mão đi bẫy gà rừng, trong giấc ngủ của tôi, thỉnh thoảng lại chập chờn hình ảnh cố hết sức để thoát thân của chú gà rừng xấu số. Choàng tỉnh dậy, tôi vẫn hy vọng rằng, một ngày không xa, những chú gà rừng tội nghiệp kia sẽ được bảo vệ, góp phần làm phong phú thêm những loài động vật hoang dã có ích trong tự nhiên.

Đức Thiện

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP