Vấn nạn xe cứu thương giả 115 hoạt động một cách ngang nhiên không những làm rối loạn hoạt động cấp cứu mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. |
Anh Lê Văn Ngọc, ngụ tại xóm Long Sơn, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh gửi Đơn Khiếu nại đến Tạp chí Truyền thống và Phát triển phản ánh sự việc xe cứu thương "dù" của một đơn vị tư nhân có chủ xe tên Tài sau khi tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân (là em trai anh Ngọc) từ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh ra Hà Nội cấp cứu, nhưng sau khi anh Ngọc xin hóa đơn vận chuyển của nhà xe này để làm thủ tục chi trả bảo hiểm cho em trai thì nhà xe không cung cấp được. Thậm chí, anh Ngọc còn trình bày rằng chủ xe tên Tài còn giở thái độ hống hách, dọa nạt...
Đằng sau sự hoạt động công khai của đội ngũ xe này là nạn móc túi, “chặt chém” tiền của bệnh nhân. Và nguy hại hơn là nó gây ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn cho bệnh nhân cấp cứu. Điều đáng nói, các xe cứu thương “dù” này hoạt động chui bằng nhiều hình thức như tự trang bị còi hụ, đèn ưu tiên, dán chữ thập đỏ, giả mác 115. Thậm chí còn có cả sự móc nối với cán bộ công nhân viên của một số bệnh viện để chèo kéo khách.
Sở dĩ gọi đây là những chiếc xe cứu thương vận chuyển cấp cứu không phép vì các xe đều có đèn và còi ủ gắn trên nóc xe; hai bên thành xe in lô gô chữ thập màu đỏ. Thậm chí, có những xe ô tô biển kiểm soát tỉnh Hà Tĩnh còn đề rõ chữ “Cấp cứu” màu đỏ bên ngoài xe và công khai đầy đủ số điện thoại để người bệnh dễ bề liên hệ khi có nhu cầu.
Phóng viên đã có nhiều ngày rong ruổi cùng ống kính để độc giả có thể rõ hơn về vấn nạn này đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, ngoài xe cấp cứu của các bệnh viện và xe cứu thương của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh được cấp phép đủ điều kiện hành nghề thì cũng đang tồn tại hàng chục chiếc xe cứu thương “dù” tuy không có giấy phép hành nghề của Sở Y tế nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động công khai trên địa bàn.
Đội quân "xe dù" 115 này có mặt khắp các nơi từ trạm y tế xã, các bệnh viện tuyến huyện và thậm chí là cả bệnh viện tuyến tỉnh để chèo kéo, đưa đón bệnh nhân. Không chỉ có thế “đội ngũ” xe không phép này còn tranh giành bệnh nhân với các xe cứu thương của các bệnh viện và Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh.
Tại một số bệnh viện đa khoa (BVĐK) trên địa bàn Hà Tĩnh như BVĐK Hà Tĩnh, BVĐK Hồng Lĩnh, BVĐK huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê… tình trạng xe cứu thương giả 115 hoạt động một cách ngang nhiên. Đặc điểm các xe cứu thương giả này là xe của tư nhân, thậm chí xe riêng của một số cán bộ đang công tác tại bệnh viện mua về rồi trang bị còi hú, đèn ưu tiên, dán chữ thập đỏ để hợp thức thành xe cứu thương. Có người còn cho rằng đây là đội ngũ xe “bốn không”: không có giấy phép hành nghề y tế, không có trang thiết bị cấp cứu tối thiểu, không có nhân viên y tế chăm sóc, hộ tống và không có bảng giá cước phí công khai, ổn định…
|
Đơn Khiếu nại của anh Lê Văn Ngọc gửi Tòa soạn Tạp chí Truyền thống & Phát Triển phản ánh tình trạng xe cứu thương "dù" không xuất được hóa đơn cho anh để hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm. |
Tệ hại hơn, phần lớn các xe dởm này là những chiếc xe đã cũ nát, giá rẻ được mua về sửa chữa, lắp một số thiết bị cứu thương như cáng, bình Oxy, dán hình chữ thập đỏ, còi đèn ưu tiên để hoạt động nhằm đánh lừa người nhà bệnh nhân, chất lượng thấp kém, rất dễ mất an toàn cho người bệnh. Việc xe cứu thương giả lộng hành trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không những đe dọa về sự an toàn đến tính mạng của người cấp cứu, kinh tế của gia đình bệnh nhân mà gây hiểu nhầm, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín về chất lượng dịch vụ chung của ngành y tế.
Vậy tại sao những xe ôtô cứu thương này vẫn ngang nhiên hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật, đậu đỗ vô tư trong khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để vận chuyển bệnh nhân và gần đây khi thấy phóng viên tìm hiểu sự việc thì dạt sang các Trung tâm y tế tỉnh Hà Tĩnh và một số nơi khác ngoài bệnh viện để tiếp tục thực hiện việc đưa đón bệnh nhân không theo một qui định nào?
Theo điều tra riêng của chúng tôi, hầu hết những chiếc xe cứu thương này có "nguồn" để hoạt động được mặc dù không được cấp giấy phép là nhờ móc nối với một số cá nhân y - bác sỹ trong bệnh viện. Thậm chí, các bác sỹ còn có "cổ phần" trong đội ngũ nhà xe này.
Theo Luật Khám chữa bệnh và quyết định số 01 ngày 21-1-2008 của Bộ Y tế về qui chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc thì xe cứu thương vận chuyển người bệnh là hoạt động nghề nghiệp có điều kiện, công ty hoạt động phải có trụ sở. Y, bác sĩ và cán bộ y tế vận chuyển trên xe phải có giấy phép hành nghề, mỗi xe cứu thương vận chuyển người bệnh phải có một bác sĩ, một điều dưỡng và một lái xe.
Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có Hai đơn vị được cấp phép vận chuyển cấp cứu, có đầy đủ phương tiện, nhân lực để đáp ứng tốt nhu cầu của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện hoặc chuyển tuyến điều trị.
Việc xe “cứu thương dù” công khai hoạt động tại một số bệnh viện trên địa bàn, nhất là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh một thời gian dài vừa qua là việc làm cần lên án mạnh mẽ.
Bên cạnh việc tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị, thì điều đáng bàn là đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân khi di chuyển trên đường cấp cứu do thiếu nhân lực và các trang thiết bị cần thiết theo qui định của Bộ Y tế.
Việc cần làm lúc này của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh là khẩn trương xác minh, điều tra, nắm rõ tất cả các phương tiện vận chuyển cấp cứu trên địa bàn để sàng lọc, xử lý nghiêm những xe không phép nhưng lén lút đưa đón bệnh nhân vi phạm qui định của pháp luật.
Tác giả: Anh Tuấn
Nguồn tin: truyenthongvaphattrien.vn