Đủ mặt hàng “vây” mặt tiền Chi cục Thú y Hà Tĩnh |
Dọc các tuyến đường trung tâm, không khó để tìm ra hàng, quán tại chốn công sở với đủ loại hình kinh doanh từ photocopy, hiệu ảnh cho tới hàng tạp hóa và cả… bán xe đạp. So với khu vực xung quanh, hoạt động kinh doanh của ki-ốt trong khuôn viên công sở có phần “suôn sẻ” và tấp nập hơn hẳn.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương – cán bộ văn phòng Viện KSND huyện Thạch Hà hồn nhiên: “Khi tôi về đây (năm 2009), 2 ốt kinh doanh này đã tồn tại. Hiện, Viện cho các hộ thuê dài hạn để làm hiệu photocopy, chụp ảnh với mức giá 500 ngàn đồng/ốt/tháng, tính ra mỗi tháng cơ quan thu về 1 triệu đồng”. Vừa nói, chị Phương không quên kèm theo lời giới thiệu “Ở đây vẫn còn rẻ chán, chứ đi nhiều nơi, người ta lấy giá trên trời. Không tin các em cứ thử mà xem?”.
Viện KSND huyện Thạch Hà cho các hộ thuê dài hạn để làm hiệu photocopy, chụp ảnh |
Dừng chân trước cổng Viện KSND huyện Cẩm Xuyên, chúng tôi đã tận mắt “mục sở thị” 3 gian hàng kinh doanh đóng cửa im ỉm. Theo lời Viện trưởng Hoàng Xuân Thủy thì “cơ quan sắp chuyển nên người ta cũng… giải tán”. Ông Thủy thanh minh: “Chúng tôi sắp chuyển nơi làm việc nên vấn đề cho các cá nhân thuê ốt kinh doanh giờ đây không còn ảnh hưởng đến mỹ quan chung”. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn mâu thuẫn với lời thừa nhận của Viện trưởng trước đó, bởi suốt thời gian trụ sở Viện kiểm sát đóng chốt tại nơi cũ, các ki-ốt này vẫn mặc nhiên tồn tại.
Cảnh mặc cả, mua bán cũng nhộn nhịp lại diễn ra ngay trước cổng Đài truyền hình Cẩm Xuyên. Phó trưởng Đài Nguyễn Thị Hồng Phượng phân bua: “Nơi này trước đây vốn là trụ sở cũ của Tòa án. Do 3 gian phòng trước cổng lâu nay không sử dụng nên anh em mới đưa ra phương án cho thuê. Một ốt bán xe đạp, một ốt hàng tạp hóa, riêng gian còn lại dùng để hàng. Nhờ đó, cơ quan có thêm 3 triệu đồng/tháng/3 ốt để sắm sửa các vật dụng cần thiết”. Khi được chất vấn: “Tại sao cấp trên đã ban hành quyết định cấm mà vẫn tiếp tục cho thuê?”, bà Phượng ngạc nhiên: “Nếu thực sự như vậy, chúng tôi sẽ phải tuân thủ ngay lập tức bởi dù sao, đài truyền hình cũng là đơn vị tuyên truyền”!
Cách Viện Kiểm sát chỉ vài bước chân, Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên cũng nhanh chóng “nhập cuộc”. Riêng trụ sở Công an huyện, ngoài việc trưng dụng vỉa hè làm bãi gửi xe trái phép thì nơi này còn biến mặt tiền công sở thành… đại lý kinh doanh bánh kẹo.
Chằng chịt quán hàng tại Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên. |
Lý do muôn thuở mà đa phần cơ quan, công sở viện dẫn là chỉ cho phép các hộ kinh doanh thuê những phòng công vụ cũ, không còn giá trị sử dụng. Theo chia sẻ, đó cũng là cách mà họ tận dụng mọi nguồn thu nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên; có thêm chi phí mua sắm thiết bị văn phòng; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cũng như duy trì hoạt động công đoàn…
Xuất phát từ quan điểm “cho cá nhân thuê, tập thể có lợi”, nhiều cơ quan, trụ sở đã phớt lờ các lệnh cấm từ cấp trên, nghiễm nhiên coi đây là việc làm chính đáng, tự ý để cá nhân có nhu cầu kinh doanh trên phần đất công mà không thèm đếm xỉa tới các hoạt động này làm ảnh hưởng xấu đến “bộ mặt” công sở.
Thực trạng cho thuê khuôn viên công sở làm nơi kinh doanh đã đến lúc cần phải được giải quyết triệt để nhằm trả lại mỹ quan, đảm bảo sự nghiêm túc cho nơi làm việc.
Điều 26, Nghị định số 38/1998/NĐ-CP ngày 9/6/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: “Trụ sở làm việc, nhà công vụ và các công trình khác thuộc tài sản công phải được sử dụng đúng mục đích, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định. Không được sử dụng trụ sở làm việc để cho thuê, chuyển làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ, làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích khác trái quy định”. |
Thùy Dương – Phúc Quang / Baohatinh.vn