Thêm 6 hộ dân xây dựng công trình trên đoạn đã được phóng tuyến
Ngày 23/3, ông Hoàng Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa, Tx. Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh xác nhận, có 6 hộ dân đã tự ý xây dựng thêm các công trình phụ trợ và trồng cây nhằm trục lợi tiền bồi thường.
“Thời gian qua, mặc dù chính quyền xã Kỳ Hoa đã tích cực vận động, tuyên truyền người dân nằm trong dự án không được xây dựng, cơi nới công trình trên phần đất của mình để chờ đền bù. Tuy nhiên các hộ dân này vẫn xây dựng thêm một số công trình trong phạm vi dự án đường cao tốc Bắc – Nam”, ông Tâm nói.
Một hộ dân ở xã Kỳ Hoa xây dựng nhà chăn nuôi và trồng cây trên dự án đường cao tốc. |
Được biết, dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn xã Kỳ Hoa dài gần 9 km sẽ ảnh hưởng tới đất ở của 6 hộ dân và đất lâm nghiệp của hơn 100 hộ dân khác.
“Sau khi phát hiện, chúng tôi cũng đã lập văn bản đình chỉ và yêu cầu người dân dừng các công việc thực hiện trái phép trên phần đất của họ. Tới nay, các hộ dân này cơ bản đã chấp hành”, ông Tâm nói.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch UBND Tx. Kỳ Anh cho biết, để đảm bảo dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai đúng tiến độ, địa phương này đã thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án và rà soát, đề xuất lập khu tái định cư.
Đồng thời, phía chính quyền cũng tích cực tuyên truyền người dân có đất nằm trong dự án không được xây dựng thêm công trình để chờ được bồi thường, di dời.
“Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số hộ dân có hiện tượng xây dựng cơi nới trong phạm vi dự án. Vì thế, UBND Tx. Kỳ Anh đã yêu cầu các địa phương vận động người dân tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, nếu không chấp hành thì sẽ không bồi thường sau khi thu hồi đất, nhà ở”, ông Sơn thông tin.
Trước đó, một hộ dân ở xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã bị chính quyền địa phương lập văn bản đình chỉ vì xây dựng công trình nhà ở trên dự án cao tốc Bắc - Nam để trục lợi tiền bồi thường. Đó là hộ gia đình bà Lê Thị D. xây nhà ở kiên cố với diện tích khoảng 202m2 trên phần đất đã được Nhà nước phóng tuyến.
Ông Mai Khắc Trung, Chủ tịch UBND xã Trung Lộc cho biết: “Trước hiện tượng bất thường này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động và ra thông báo về việc đình chỉ xây dựng công trình nhà ở trên phần đất đã được Nhà nước phóng tuyến và đề nghị người dân chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước”.
Theo ông Trung, việc người dân xây dựng công trình, trồng cây trái phép sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa phận huyện Can Lộc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội. Huyện Can Lộc đã chỉ đạo đến tận các xã nơi có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền đến với từng người dân vùng dự án đi qua để tạo sự đồng thuận, ủng hộ.
Tích cực công tác kiểm kê, bồi thường để bàn giao mặt bằng
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài hơn 729 km, trong đó Hà Tĩnh dài gần 14 km và có 3 dự án thành phần, gồm: đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài hơn 35km; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài gần 54 km; đoạn Vũng Áng – Bùng, tỉnh Quảng Bình.
Theo kết quả rà soát sơ bộ, Hà Tĩnh phải giải phóng mặt bằng 900 ha đất các loại, di dời 589 hộ dân và 700 ngôi mộ, đồng thời bố trí 21 khu tái định cư. Tổng kinh phí phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng là 3.900 tỉ đồng.
Đến thời điểm này, các địa phương ở Hà Tĩnh đang tích cực tiến hành các công tác kiểm kê, bồi thường để kịp thời bàn giao mặt bằng triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Người dân dựng công trình nhà ở trên đường cao tốc đã được xác định phóng tuyến. |
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, phụ trách dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng (chạy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh) thông tin, đang xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân tự ý xây dựng trên phần đất thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng.
“Về nguyên tắc, Bộ Giao thông vận tải và các ban quản lý dự án bàn giao mặt bằng cắm mốc và thực trạng cho địa phương. Sau đó địa phương sẽ thống kê số lượng nhà dân chịu ảnh hưởng, phương án đền bù. Trước khi bàn giao cắm mốc, ban cũng cung cấp hình ảnh quay thực địa bằng flycam trong quá trình khảo sát cho địa phương, nên công trình nào được xây dựng trước đó hay mới xây dựng sau khi cắm mốc đều có thể biết rõ”, ông Roãn thông tin.
Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo các địa phương nơi có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua, tiến hành kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm xây dựng trong phạm vi dự án. Đồng thời, thời điểm này, các địa phương ở Hà Tĩnh đang tích cực tiến hành các công tác để kịp thời bàn giao mặt bằng triển khai dự án.
Theo ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam cho biết, Hà Tĩnh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và đã sớm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đảm bảo mục tiêu hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án vào quý II/2023, khởi công dự án trong năm 2022 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025 theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đi qua, đề nghị đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình xây nhà lấn chiếm hành lang dự án. Để đảm bảo đúng tiến độ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành có văn bản thoả thuận với bộ về hướng tuyến, các công trình trên tuyến thuộc dự án; Sớm thành lập ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thành lập hội đồng GPMB hoặc đơn vị đầu mối triển khai. Tập trung hoàn thành thẩm định hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, gửi Bộ NN&PTNT trước 31/3, tổng hợp nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước 2 vụ trở lên gửi Bộ TN-MT trước 31/3. |
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn