Nguy cơ đuối nước luôn rình rập khi trẻ tự ý tắm sông.Vụ đuối nước gần đây nhất xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là vào buổi chiều ngày 21/6. Một nhóm học sinh ở xóm Hòa Lộc, xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh gồm các em Đậu Thị Đào (15 tuổi), Trần Thị Ninh (14 tuổi), Nguyễn Thị Chi (13 tuổi) và Võ Thị Thanh Nga (14 tuổi), là học sinh trường THCS Kỳ Trinh, rủ nhau ra sông Đào trên địa bàn xã để bắt hàu. Trong lúc men theo đường ống thoát nước để sang sông, 4 học sinh này đã bị sảy chân rơi xuống nước. Do sông sâu, lại không biết bơi nên cả 4 em Đào, Ninh, Chi, Nga bị đuối nước dẫn đến tử vong. Đây là vụ đuối nước có số nạn nhân lớn nhất trên địa bàn Hà Tĩnh, từ đầu năm 2014 đến nay.
Huyện Can Lộc được xem là địa phương “nóng” nhất về tình trạng đuối nước của tỉnh Hà Tĩnh, với 4 vụ đuối nước kể từ đầu năm 2014, khiến 5 em học sinh thiệt mạng. Trong đó, vụ đuối nước thương tâm nhất xảy ra tại xóm Đông Phong, xã Thượng Lộc vào ngày 30/3, khiến em Lê Thị Thanh (14 tuổi) và em Trần Thị Hương (11 tuổi) tử vong. Hai em Thanh và Hương bị chết đuối do sảy chân vào vùng nước sâu khi xuống hồ bắt ốc.
Theo bà Phan Thị Mai Hương, Phó phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ em đuối nước gia tăng là do sự bất cẩn của các bậc phụ huynh trong việc quản lý con em mình. Thống kê cho thấy, tất cả các vụ trẻ chết đuối trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ đầu năm đến nay đều do các em tự ý xuống sông, hồ mà không có sự giám sát của người lớn. Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là do địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mật độ ao hồ, sông suối cao, trong khi tỷ lệ trẻ biết bơi ở địa phương này lại khá thấp. Mùa hè nắng nóng, các em “giải nhiệt” bằng cách rủ nhau đi tắm sông, và nguy cơ đuối nước cũng nảy sinh từ đó.
Cũng theo bà Phan Thị Mai Hương, để ngăn chặn tình trạng gia tăng số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tai nạn đuối nước, chính quyền và các ngành chức năng tại tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều biện pháp như: tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện truyền thông; phối hợp với Tỉnh đoàn và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. “Tuy nhiên, để giúp các em tránh những tai nạn đáng tiếc, cần ý thức tích cực từ phía các bậc phụ huynh trên 2 phương diện: giúp trẻ học bơi để tự bảo vệ mình; đồng thời quán triệt các em tuyệt đối không tự ý tắm sông, hồ khi không có sự kèm cặp của người lớn”.
Phạm Tường