>> Hà Tĩnh: Tập đoàn Mường Thanh bị cáo buộc “cướp” dự án?
Lấy “vàng” của người khác đem đãi “đại gia”
Xin nhắc lại, sau gần 24 tháng làm thủ tục, năm 2006 Công ty Y.E.S được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép đầu tư thực hiện Dự án “Dịch vụ 24h” (xây dựng trạm dừng xe, nghỉ ngơi, ăn uống…), được Ban Quản lí (BQL) Khu kinh tế Vũng Áng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp GCNQSDĐ vào năm 2008. Ngay sau đó, Y.E.S tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, xây kè, san lấp… theo đúng tiến độ đã cam kết. Tuy nhiên, do quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng cũng như những khó khăn về bão lũ, suy thoái kinh tế… đã làm dự án chậm tiến độ.
Thế nhưng, thật không sao hiểu nổi, trong khi thời hạn giấy phép đầu tư vẫn còn gần 8 tháng thì ngày 20/4/2011, BQL Khu kinh tế Vũng Áng ra quyết định thu hồi Dự án, để rồi sau đó, gần 1/3 trong 12,6ha “đất vàng” của Y.E.S được chuyển giao cho Tập đoàn của “đại gia” Thanh Thản. “Chúng tôi thực hiện Dự án Dịch vụ 24h theo mô hình nước ngoài. Khi đó đất đai ở đây còn hoang hóa, giá trị không đáng kể. Nay, khu đất trở thành “vàng”, đã khiến nhiều doanh nghiệp ước ao, nhòm ngó… Và, không rõ bằng cách nào Mường Thanh lại được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép “nhảy” vào. Như thế, thật chẳng khác gì lấy “vàng” của người đem đãi “đại gia”!” – Ông Võ Trí Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Y.E.S bức xúc.
Công trình 12 tầng chẳng “màng” giấy phép
Sau khi bị “cho ra rìa”, Công ty Y.E.S có đơn khiếu nại, kêu cứu gửi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, cùng nhiều cơ quan ở TW. Đáp lại, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh, nêu ý kiến chỉ đạo của ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư: “Giao UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì cùng Thanh tra Chính phủ xem xét giải quyết đúng pháp luật”. Song, dường như, sự chỉ đạo ấy vẫn chưa “chuyển đổi” được gì…
Song song với việc “đánh trống” các cơ quan chức năng, Y.E.S còn gửi văn bản đến ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh, nêu rõ việc ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư và thu hồi đất của Y.E.S là trái luật. Tương tự, động thái xây khách sạn trên đất chưa được giải quyết dứt điểm cũng là sai trái. Và, “Công ty đã nhiều lần họp với các sở, ban, ngành của tỉnh để tìm phương án tháo gỡ… đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất kì ý kiến hoặc văn bản nào của UBND tỉnh, đề nghị Ban lãnh đạo Tập đoàn dừng ngay việc xây dựng công trình trên đất 24h, kể từ ngày 11/11/2013″. Thế nhưng, Tập đoàn Mường Thanh coi như không nhận được đề nghị trên, vẫn triển khai xây cất nhiều hạng mục công trình, trong đó có tòa nhà “ngạo nghễ” 12 tầng, không hề có giấy phép trên đất chưa có quyết định giao…
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQL Khu kinh tế Vũng Áng, thừa nhận:
Diện tích gần 5ha thu hồi của Y.E.S giao cho Mường Thanh chưa có quyết định giao đất, mà chỉ “ra thực địa chỉ vị trí để họ thi công”. Hơn thế, “chúng tôi cho Mường Thanh “nợ” giấy phép xây dựng”(!). Còn giấy chứng nhận đầu tư thì đến ngày ngày 12/6/2014 mới được cấp.
Ai “dắt tay” Mường Thanh “phá rào”?
Cũng theo ông Tuấn, chủ trương “2 không” (cho Mường Thanh thi công khi không có quyết định giao đất, không cần giấy phép xây dựng) nhằm “phá rào” pháp luật, “khởi nguồn” từ… UBND tỉnh! Bán tín, bán nghi chúng tôi xin được gặp lãnh đạo chính quyền địa phương nhằm kiểm chứng, trao đổi (cùng một số nội dung khác). Thật bất ngờ, ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh xác nhận việc Mường Thanh “2 không” là do tỉnh “bật đèn xanh”. Sự vi phạm ấy, chỉ để nhằm tạo điều kiện cho những doanh nghiệp thực tâm, triển khai dự án! Ông Thiện nói: Công ty Y.E.S được giao đất “cái chỗ ngon lành nhất”, khi vô cũng “cam kết hùng hổ, giới thiệu thi công mần hoành tráng” nhưng “có làm đâu”(!)… Còn Mường Thanh vô, “trong chừng mực nào đó tỉnh chỉ đạo chưa hoàn thiện, song người ta làm thật thì tạo điều kiện cho người ta làm”… Vì, tỉnh “biết những việc đó… có vấn đề gì”(!).
Lời “trần tình” của vị lãnh đạo hàng đầu của tỉnh đã khiến một doanh nghiệp thốt lên: “Căn cứ vào đâu để khẳng định nhà đầu tư “không thực tâm”? Và, cứ khi bảo “người ta làm thật” thì được tự cho mình cái quyền đứng trên pháp luật?”. Còn ông Vũ Trí Dũng giải bày: “Hà Tĩnh cho rằng, Công ty thực hiện dự án chậm và có ý coi chúng tôi “không làm thật” là không có cơ sở. Bởi, đối với một dự án, thời gian thực hiện các hạng mục công trình như: Khảo sát, thiết kế lập dự toán, bồi thường GPMB, rà phá bom mìn, đánh giá tác động môi trường… sẽ chiếm khoảng 3/4 tổng thời gian. BQL Khu kinh tế Vũng Áng thu giấy phép đầu tư của Công ty trước thời hạn 8 tháng. Lúc này, Công ty đã kí hợp đồng với Vinaconex Xuân Mai xây dựng công trình theo quy trình công nghệ bê-tông dự ứng lực tiền chế bằng phương pháp kéo trước. Thời gian thực hiện chỉ bằng 1/3 so với thời gian xây dựng cổ truyền nên vẫn bảo đảm tiến độ thi công. Nếu các ngành liên quan và UBND tỉnh Hà Tĩnh thực sự quan tâm, ưu ái chúng tôi như Mường Thanh, thì cớ sao hàng loạt văn bản kiến nghị của doanh nghiệp gửi đi không được hồi âm? Phải chăng, vì cái gì đó, người ta đã bắt tay với Mường Thanh để… các bên đều có lợi?”!
CHÍ THÚC – KIỀU LIỆU – HỒNG KỲ