Hộ ông Chí đang canh tác trên mảnh đất 7ha của Cty TNHH MTV cao su Hương Khê
Đất “của nhà” ôm đơn đi đòi 6 năm không xong?
Vụ việc đã được Toà án 2 cấp xét xử (TAND tối cao xét lại vụ án; Viện KSND cấp cao tại Hà Nội bác đơn kháng nghị giám đốc thẩm), liên tục yêu cầu Chi cục THADS huyện Hương Khê phải thi hành án cưỡng chế, nhưng đơn vị này đưa ra nhiều lý do để “chây ì” chỉ đạo của cấp trên.
Sự việc diễn ra từ đầu năm 2009, khi Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê ( Cty Hương Khê) thực hiện san ủi mặt bằng trồng rừng trên diện tích 7ha thuộc lô 17, tiểu khu 200 (Hương Giang, Hương Khê) thì xảy ra tranh chấp với hộ gia đình ông Lê Hữu Chí, (xóm 6 xã Hương Giang).
Ngày 6/3/2017 Chi cục THA huyện Hương Khê ban hành quyết định tiếp tục thi hành án
Ông Chí đã đưa người đến chiếm diện tích đất của cao su, đào hố trồng keo, dù doanh nghiệp đã nhiều lần có ý muốn hòa giải, nhưng bất thành. Đến ngày 2/8/2010, Cty cao su Hương Khê chính thức có đơn khởi kiện hộ ông Chí ra tòa.
Ngày 27/5/2011, TAND huyện Hương Khê tuyên án bản án sơ thẩm buộc ông Lê Hữu Chí phải di dời toàn bộ số cây keo đang trồng trên diện tích 7ha trả lại mặt bằng cho Cty cao su Hương Khê. Phía cao su sẽ hỗ trợ 25 triệu cho chi phí di dời tài sản trên đất.
Xét về nguồn gốc đất bằng nhiều tài liệu khác nhau cho thấy: Từ năm 1990-2003, tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) và Hà Tĩnh hiện nay trong các quyết định đều công nhận lô đất 7h là của cao su Hương Khê (có bản đồ). Bản thân bị đơn là hộ ông Chí trong nhiều lần xét xử, đều không đưa ra được bằng chứng chứng minh lô đất trên là của ông.
Ngày 28/8/2011 TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bản án phúc thẩm “Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Hương Khê”. Buộc ông Chí phải trả lại mặt bằng diện tích 7ha cho Cty cao su Hương Khê.
Ngay sau đó, ngày 10/3/2017 Chi cục này lại tiếp tục…báo cáo, kiến nghị để trì hoãn thi hành án
Không chấp nhận thua kiện, hộ ông Chí gửi đơn kháng án lên TAND tối cao. Đến ngày 2/6/2014, TAND tối cao đã có thông báo, nội dung: Không có cơ sở xác định 7ha đất là của ông Chí. Đất này thuộc quyền sở hữu của Cty cao su Hương Khê nên việc ông bà lấn chiếm đất và trồng cây trên đất của Cty cao su là không đúng. Do đó, không có căn cứ để kháng nghị bản án phúc thẩm trên theo thủ tục giám đốc thẩm.
“Thay vì chấp hành bản án, ông Chí có hành vi đe dọa, chống đối, cản trở những người thực thi pháp luật, tỏ thái độ bất hợp tác trong các buổi làm việc với các cơ quan chức năng” – một cán bộ Phòng TNMT huyện Hương Khê cho biết.
Quyết định cưỡng chế sau đó cũng được ban hành nhưng đã 6 năm trôi qua công lý vẫn chưa được thực thi, các cơ quan thi hành án viện nhiều lý do để khẳng định không thể thực hiện.
Bản án vẫn “treo” trên giấy
Để tìm hiểu thêm về vụ việc, PV báo điện tử Infonet đã làm việc với Chi cục thi hành án huyện Hương Khê, người đứng đầu cơ quan này cho rằng bản án không thể thi hành bởi lý do: “Không có sơ đồ vị trí, mốc giới, ranh giới thực địa của thửa đất; Cty cao su Hương Khê cung cấp sơ đồ thửa đất tranh chấp chỉ có diện tích 4,32ha, trong khi bản án tuyên diện tích 7ha; Bản án phúc thẩm không tuyên “di dời toàn bộ số keo đã trồng trên diện tích 7ha” và… thiếu kinh phí…”.
Dù đưa ra những lý do như trên để kháng nghị nhưng ngày 28/2/2017 Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã có văn bản trả lời ông Lê Hữu Chí và Chi cục THADS Hương Khê rằng: “Không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm số 13/2011/DSPT, ngày 26/8/2011 của TAND tỉnh Hà Tĩnh”.
Văn bản trả lời của VKSND cấp cao về việc không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Như vậy, đến thời điểm này các cơ quan có thẩm quyền đều đã có văn bản trả lời ông Lê Hữu Chí và của Chi cục THA huyện Hương Khê, trong đó khẳng định: Việc xét xử vụ án của tòa án hai cấp (cấp huyện và cấp tỉnh) là hoàn toàn đúng quy định pháp luật, không có cơ sở đề nghị giám đốc thẩm.
Thế nhưng, ngày 6/3/2017 Chi cục THA huyện Hương Khê ra quyết định để tiếp tục thi hành án đối với vụ án trên nhưng 3 ngày sau đó, ngày 10/3/2017 Chi cục này lại tiếp tục làm báo cáo, kiến nghị lại những lý do đã bị các cơ quan có thẩm quyền bác bỏ!
Ông Phan Châu Sơn, Phó Tổng giám đốc Cty cao su Hương Khê cho biết: “Những lý do mà Chi cục THA huyện Hương Khê đưa ra để hoãn việc thi hành án hoàn toàn không có cơ sở, không khách quan, cố tình kéo dài vụ việc”.
“Việc xác định vị trí, ranh giới, mốc giới thửa đất đã được thể hiện rất rõ tại Biên bản thẩm định do TAND huyện Hương Khê lập trong quá trình giải quyết vụ việc. Công việc đó thuộc thẩm quyền của Chi cục THA huyện chứ không thể yêu cầu Cty cao su Hương Khê cung cấp tài liệu để làm rõ nội dung trên. Đặc biêt, đơn vị thi hành án không thể dựa vào tài liệu Cty cung cấp trước đó để làm căn cứ thi hành án” – ông Sơn giải thích.
Đối với lý do bản án phúc thẩm không tuyên “Di dời toàn bộ số keo đã trồng trên diện tích 7ha”, Cty cho rằng lý do này không xem xét toàn diện bản án. Bởi, bản án phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm thì về nguyên tắc thi hành án, Chi cục THA huyện phải căn cứ cả 2 bản án để thi hành chứ không thể chỉ căn cứ mỗi bản án phúc thẩm – Phó Tổng giám đốc Cty cao su Hương Khê bức xúc.
Luật sư Phan Văn Chiều, Văn phòng luật sư An Phát cho biết: “Mặc dù TAND tối cao, Viện KSND cấp cao đã trả lời không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng Chi cục THA huyện Hương Khê vẫn tiếp tục kiến nghị giám đốc thẩm và trì hoãn thi hành án là hoàn toàn trái pháp luật. Theo quy định tại điều 334 Bộ luật tố tụng dân sự thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực. Nếu vì một số điều kiện quy định tại khoản 2, điều 334 Bộ luật tố tụng dân sự thì thời hiệu cũng chỉ kéo dài thêm 2 năm. Như vậy thời hạn được quyền kháng nghị tối đa không quá 5 năm, trong khi đó, bản án tranh chấp giữa hộ ông Chí và Cty cao su Hương Khê đã kéo dài gần 6 năm”.
Tác giả: Gia Bách
Nguồn tin: Báo Infonet