Chuyển nhà ra nhà máy vẫn không chịu nổi

Nhận được đơn kêu cứu của 31 hộ dân ở thôn Nam Xuân Sơn chúng tôi đã có mặt tại địa bàn để tìm hiểu sự việc.

Rất dễ dàng để tìm thấy khu vực này bởi từ xa đã thấy cột khói đen sì của nhả máy xả khói đen ra ngun ngút. Khi đến đây, toàn bộ khu vực bị bao trùm bởi khói của nhà máy, kèm theo đó là mùi hôi thối và mùi khét lẹt của nhà máy đốt rác.

hatinh (2)

Nhà máy xử lí rác thải của Công ty TNHH Môi trường Phú Hà đốt rác xả khói đen ra cả ngày lẫn đêm khiến cho cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Trong số 31 hộ dân sống trong khu vực này thì bà Nguyễn Thị N, là người chịu hậu quả nặng nề nhất.

Nói trong nước mắt bà N cho biết: “Không còn con đường sống nữa chú ơi, chắc là phải bỏ xứ mà đi, hơn một tháng nay kể từ ngày nhà máy đi vào hoạt động nhà chúng tôi gần như không thể ở được. Toàn bộ ngôi nhà lúc nào cũng mù mịt khói, hôi thối nồng nặc, tiếng ồn inh ỏi suốt ngày đêm, ruồi nhặng bu kín, không thể nào sinh hoạt được”.

Vì không chịu nổi bà N buộc phải bỏ lại căn nhà không, dựng một chiếc lều tạm cách cách nhà của mình hơn 200 m để ở nhưng hầu như cũng không cải thiện được là bao.

Bà N cho biết thêm “Khi xây dựng nhà máy, nền của nhà máy được tôn lên cao hơn rất nhiều so với nhà dân xung quang, nên chỉ cần có mưa là toàn bộ nước từ nhà máy đổ vào nhà của chúng tôi, kèm theo đó là tạp uế, hôi thối.”

Hà Tĩnh: 31 hộ dân kêu cứu vì nhà máy xử lí rác của Công ty Phú Hà

Mặc dù đã phải bỏ nhà, dựng lán tạm xa nhà máy hơn để sinh hoạt nhưng ruồi nhặng vẫn không tha cho gia đình bà N.

Ông Hoàng Văn D nói trong bức xúc: “Chúng tôi bây giờ như lâm vào bước đường cùng, cuộc sống bế tắc, dở sống dở chết. Hiện nay, vì ruồi nhặng quá nhiều nên không thể sinh hoạt được, việc nấu một bữa ăn cũng đã hết sức khó khăn, hầu như nhà nào ở đây cũng phải mắc màn để ăn cơm.”

Tiếp lời ông D, bà V rưng rưng nước mắt chia sẻ: “Ngày thường đã vậy, nay tết nhất đến rồi, không biết làm thế nào, cách đây hơn một tuần, ở đây có người mất, theo tục lễ chúng tôi làm bát cơm để cúng cho người quá cố, khi đặt lên chưa đầy năm phút thì bát cơm đã bị ruồi bu dày đặc không thể nhìn thấy hạt cơm”.

Chúng tôi có mặt vào đợt cao điểm của giá rét nhưng vẫn thấy ruồi nhặng dày đặc, người dân ở đây cho biết bởi thời tiết giá rét nên có đỡ ruồi hơn chứ chỉ cần ấm lên một tý là ruồi nhặng dày đặc khắp nơi.

Ngày 28 tháng 12 năm 2015 toàn bộ 31 hộ dân đã có có đơn kiến nghị tập thể lên chính quyền địa phương nhưng tình hình không hề được cải thiện. Nhiều người dân còn cho biết nếu chính quyền không can thiệp thì chúng tôi buộc phải đưa dụng cụ ra ngăn chặn xe chở rác đến nhà máy.

Hà Tĩnh: 31 hộ dân kêu cứu vì nhà máy xử lí rác của Công ty Phú Hà

Nền nhà máy được tôn lên cao mà không có bờ rào che chắn nên khi trời đổ mưa toàn bộ nước từ nhà máy chảy vào nhà dân xung quanh.

Chính quyền lúng túng, chưa có hướng giải quyết.

Đem vấn đề trên trao đổi với ông Lê Văn Phâng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân, ông Phâng cho biết: “Chúng tôi đã nhận được đơn phản ánh của người dân, nội dung phản ảnh hoàn toàn sự thât.

Tôi đã kiểm tra và nhà máy đã hứa phun thuốc hạn chế ruồi nhặng cho người dân nhưng hầu như không cải thiện được tình hình, hiện nay chúng tôi đang hết sức lo lắng, chưa tìm được giải pháp cho vấn đề này”.

Khi được hỏi về việc tại sao nhà máy lại đặt ở khu vực đông dân cư như vậy thị ông Phâng cho biết: “Theo quy hoạch ban đầu thì nhà máy phải lùi sâu vào trong núi là 600 m, nhưng không hiểu sao khi xây dựng nhà máy lại nằm ra ngoài như vậy, việc này chính quyền xã cũng không được thông qua.”

Hà Tĩnh: 31 hộ dân kêu cứu vì nhà máy xử lí rác của Công ty Phú Hà

Đơn kiến nghị của 31 hộ dân thôn Nam Xuân Sơn lên chính quyền địa phương.

Hà Tĩnh: 31 hộ dân kêu cứu vì nhà máy xử lí rác của Công ty Phú Hà

Các hộ dân đồng loạt ký vào đơn kiến nghị

Theo ông Nguyễn Giang Đông, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kỳ Anh thì hiện nay quy hoạch thành 2 nhà máy, một nhà máy xử lí rác thải sinh hoạt, một nhà máy xử lí rác thải công nghiệp, nên vị trí sâu vào 600 m dùng để xây dựng nhà máy xử lí rác thải công nghiệp.

Cũng theo ông Đông thì huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, họp bàn các phương án giải quyết vấn đề trên, nhưng chưa quyết định được phương án.

Người dân ở đây đang hết sức bức xúc, với họ chỉ còn giải pháp bán xới mà đi nếu nhà máy cứ hoạt động như thế này.

Đình Chuân – Đặng Sơn