Ông Phong cho biết, phần lớn cây bị đổ có rễ ăn ngang như xà cừ, bằng lăng, muồng.
Trong đó, nhiều cây đổ chắn ngang đường ảnh hưởng đến giao thông. Nhiều cây đổ ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện thành phố.
Cây đổ trong cơn dông chiều 13/6 |
Cũng theo báo cáo của đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ cây xanh bị đổ, gãy, ảnh hưởng đến giao thông đang được lực lượng chức năng khắc phục, dự kiến trong ngày mai sẽ hoàn thành.
Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai của thành phố Hà Nội đang thống kê những thiệt hại về vật chất và sẽ có báo cáo cụ thể.
Về việc trồng thay thế cây bị đổ, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, phụ thuộc vào giống cây, thời gian, thời tiết thuận lợi.
Trước câu hỏi của các phóng viên, Sở Xây dựng có biết hàng loạt cây xanh mới trồng lộ nguyên bầu bọc bằng lưới, túi ni lông sau mưa dông hay không, ông Phong cho biết: “Cây lộ bầu, thành phố và Sở Xây dựng biết sau khi có sự phản ánh của người dân, dư luận. Vụ việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Chúng tôi đã giao cho đơn vị liên quan kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm quy trình thì phải xử lý”.
Về việc trồng cây để nguyên túi ni lông bọc có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây hay không, ông Phong cho biết, ảnh hưởng như thế nào thì còn phải kiểm tra. Sau kiểm tra sự việc, Sở Xây dựng sẽ tập hợp báo cáo cụ thể.
Được biết, Thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng rà soát lại hệ thống cây xanh để phát hiện cây sâu mục, cây không đúng loại cây xanh đô thị, dễ gãy đổ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.
Liên quan đến trách nhiệm, bù đắp thiệt hại cho gia đình gặp nạn trong vụ dông lốc, ông Lưu Quang Huy – Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đến chia sẻ, giúp đỡ từng gia đình.
Được biết, trong báo cáo chi tiết của Sở này, vụ mưa dông vừa qua khiến 7 người bị thương vong.
Hoàng Sang / VNN