Họ nói vậy mà không làm như vậy. Xin dẫn chứng việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) nâng cấp Quốc lộ 8A… “Hỏa tốc” gây sốc cho dân Năm 1992, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định số 1176/QĐ-UB mở rộng QL 8A đoạn nối từ QL1A đến cầu Đò Trai, mỗi bên tính từ tim đường ra là 17,5m. Ngày 13/2/1993 UBND thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định số 15/QĐ-UB “Về việc GPMB dọc hai bên tuyến QL1A và 8A” ghi rõ: “Điều 1. Giao cho phường Bắc Hồng, phường Nam Hồng và các đơn vị có đường 1A và 8A đi qua phải GPMB theo mốc chỉ giới đã được xác định. Thời gian chậm nhất là 30/2/1993 phải xong”. Theo đó, việc giải tỏa mới chỉ tiến hành trong nội thị phường Bắc Hồng và Nam Hồng. Tài liệu lưu trữ trong hồ sơ UBND thị xã Hồng Lĩnh chưa có một quyết định nào thu hồi đất của dân và hướng dẫn cắm mốc lộ giới hai phía đoạn thuộc địa bàn xã Đức Thuận (nay là phường Đức Thuận). Năm 2010, QL8A toàn tuyến được nâng cấp gần 40km. Đoạn đi qua phường Đức Thuận chỉ có 2km, Ban GPMB không bồi thường tiền đất nên bà con viết đơn kiến nghị. Ngày 18/6/2013, UBND thị xã Hồng Lĩnh có công văn số 2048 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin ý kiến chỉ đạo. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, ngày 28/6/2013 Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Tĩnh có công văn số 1460 hướng dẫn việc áp giá bồi thường cho từng loại đất và tài sản trên đất. Qua kiểm đếm nhiều gia đình có giá trị tiền đất 1 tỉ đồng. UBND thị xã Hồng Lĩnh viện lí do là hai bên hành lang QL8A khu vực này đã được giải tỏa từ tháng 4/1993 nên không trả tiền cho dân. Ngày 7/6/2013, chính quyền tổ chức lực lượng dưới chiêu bài “bảo vệ thi công” để GPMB, dời dọn công trình và nhà cửa của dân mà không ban hành quyết định thu hồi đất. Cuộc GPMB này không thành. Khi Báo Người cao tuổi, Báo Cựu chiến binh Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam đăng những bài viết bảo vệ quyền lợi cho người dân bị chính quyền phản ứng. Chiều 15/8/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc đối thoại giữa chính quyền thị xã Hồng Lĩnh với 6 nhà báo. Trong đó 5 tác giả không thuộc các cơ quan báo chí của tỉnh Hà Tĩnh thì không bị nhắc nhở, riêng nhà báo Phạm Chí Thúc, cán bộ Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) Hà Tĩnh bị dồn ép giữa hội trường, sau đó cơ quan lên kế hoạch kiểm điểm. Ngày 27/8/2013, Giám đốc Đài PTTH Hà Tĩnh ban hành văn bản số 315 “Về việc xử lí cán bộ…”. “Cấm không cho nhà báo Phạm Chí Thúc viết bài gửi các cơ quan báo chí Trung ương. Yêu cầu ông Thúc làm bản tường trình để đưa ra Chi bộ”. Ngày 15/8/2013 tại cuộc đối thoại ở thị xã Hồng Lĩnh, ông Lê Ngọc Huấn, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đưa ra lời thách đố: “…Các nhà báo và dân Đồng Thuận mời một luật sư giỏi nhất Việt Nam đến đối thoại với tôi. Nếu luật sư thắng thì chính quyền sẽ trả tiền cho dân”. Chiều hôm đó, ông Lê Ngọc Huấn tham mưu cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Kỳ một văn bản rất kì lạ: Công văn số 2905/UBND-GT ngày 15/8/2013 “Về việc chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, GPMB Dự án cải tạo, nâng cấp QL8A (đoạn qua thị xã Hồng Lĩnh)”, đóng dấu “Hỏa tốc” gửi UBND thị xã Hồng Lĩnh, lời lẽ quyết liệt: “Hủy bỏ văn bản số 1460/STNMT ngày 18/6/2013 của Sở TN&MT…” kết tội cho các hộ dân “…tái chiếm hành lang bảo vệ đường bộ đã được cắm mốc quản lí theo quy định từ tháng 4/1993”. Hơn 40 hộ đang cư trú ổn định ở đây đều phản ứng vì công văn số 2905 đã áp đặt, vu oan cho những người dân đã được giao đất ở từ những năm 1977 – 1978… khi Nghị định 203/HTBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chưa ban hành. Nhiều hộ nhận chuyển nhượng, thừa kế, mua tài sản nhà và đất do ngân hàng phát mại cũng bị công văn 2905 loại bỏ quyền lợi chính đáng mà người dân được hưởng. Nỗi oan… cần được giải Tại phường Đức Thuận, nhiều người già bức xúc lên tiếng: “Lời nói đọi máu…”. Một đoạn đường 2km, hai phía QL8A có hàng chục gia đình đã ở từ trước khi có Nghị định 203/1982. Trong đó có hơn 20 CCB và thương bệnh binh từ các chiến trường về, nay đã là ông bà nội, ngoại. Thời 1993 họ đều đã trên dưới 40 tuổi chưa một ai nhận được quyết định thu hồi đất; chưa ai chứng kiến được cột mốc mà chính quyền Hồng Lĩnh đã cắm trong địa bàn của làng mình. Thế mà công văn 2905/UBND-GT do ông Trần Minh Kỳ kí đã vu oan cho chúng tôi: Tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đã được giải tỏa cách đây 20 năm. Chúng tôi yêu cầu ông Trần Minh Kỳ về đây chỉ ra cột mốc đã cắm hồi ấy ở đâu?”. Sáng ngày 17/9/2013, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ cùng một số cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh tái gặp một số nhà báo, ông khẳng định: Hà Tĩnh không bao giờ bỏ sót một đồng xu nào tiền đền bù chính đáng cho dân theo đúng quy định của pháp luật. Đề nghị chính quyền Hồng Lĩnh cho rà soát lại không để một người dân nào thiệt thòi quyền lợi. Những trường hợp còn vướng mắc mà UBND thị xã Hồng Lĩnh không đủ thẩm quyền giải quyết thì lập báo cáo trình UBND tỉnh xem xét. Đáng tiếc, trong cuộc họp, ông Trần Minh Kỳ đã xúc phạm: “Nhiều nhà báo ngồi ở đây ăn cơm Hà Tĩnh, uống nước Hà Tĩnh… mà viết những bài không có lợi cho phong trào Hà Tĩnh…” gây bức xúc cho một số nhà báo dự họp… Đừng bàn chuyện của dân sau lưng dân Từ khi xảy ra những bất đồng vì người dân khối Đồng Thuận không được đền bù tiền đất, một số nhà báo đề xuất cần có cuộc gặp mặt ba bên: Chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, các hộ dân và một số nhà báo. Ông Trần Minh Kỳ cho rằng không cần thiết làm như vậy. Bởi ông tin vào những bản báo cáo thiếu trung thực của chính quyền Hồng Lĩnh. Hiện nay, còn 40 hộ có đơn khiếu nại chứ không phải 17 hộ như ông Kỳ nói. Mọi giao dịch với dân phải bằng hệ thống văn bản, không thể chỉ bằng lời nói suông. Được biết, trong quý I năm 1993 liên quan đến việc giải phóng mặt bằng QL1A và QL8A, ông Nguyễn Thượng Luận hồi đó là Chủ tịch đã kí ít nhất 4 văn bản: 1. Quyết định số 15/QĐ-UB “Về việc GPMB hai bên QL1A và 8A…” ngày 13/2/1993 như chúng tôi đã dẫn ở phần đầu: Chỉ giao nhiệm vụ GPMB cho hai phường nội thị là Bắc Hồng và Nam Hồng, xã Đức Thuận chưa được thực hiện. 2. Quyết định số 16/QĐ-UB cùng ngày 13/2/1993 “Về việc thành lập Ban chỉ đạo GPMB trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh”. 3. Công văn số 15/VP-UB ngày 25/2/1993 gửi Ban A85 và Ban Quản lí Đường bộ IV “Bàn về việc xây mương thoát nước hai bên đường”. Những văn bản này chính quyền không cung cấp cho báo chí và nhân dân. Sau này, khi sự việc bùng lên, họ mới đưa cho ông Phan Văn Hàn, Khối trưởng khối Đồng Thuận. Còn công văn số 24/TB-UB ngày 27/4/1993 “Thông báo của UBND thị xã Hồng Lĩnh về việc giải tỏa hành lang giao thông” gửi cho phường Bắc Hồng và Nam Hồng đốc thúc việc GPMB chỉ để xây mương thoát nước. Việc giải phóng hành lang QL8A mỗi bên 17,5m theo quyết định 1176 năm 1992 của UBND tỉnh chỉ thực hiện ở Bắc Hồng và Nam Hồng. Vì nội dung công văn số 24 nếu trưng ra là hoàn toàn bất lợi cho chính quyền nên UBND thị xã Hồng Lĩnh cố tình giấu tịt. Chiều 17/9/2013, cuộc tái đối thoại giữa chính quyền Hồng Lĩnh với các nhà báo. Những câu hỏi phía báo chí nêu lên về quyết định thu hồi đất và những cột mốc đã cắm trên địa bàn xã Đức Thuận năm 1993 ở đâu? Những nhà chức trách từng đảm nhận các chức vụ thời 1993 đến nay đều không đưa ra được bằng chứng nào. Cuối cùng một nhà báo chia sẻ: “Thời ấy chắc rằng các quyết định ban hành và chủ trương chỉ được công bố trên loa”. Vì sao bao nhiêu lần giải quyết quyền lợi cho người dân mà chính quyền cùng với các nhà báo chỉ ngồi đối thoại sau lưng dân thì bao giờ mới đi đến kết quả? Chẳng nhẽ quan điểm của Đảng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không có giá trị gì ở địa bàn thị xã Hồng Lĩnh? Võ Minh Châu – Đức Đạo
NCT