LTS: Một trong những nguyên nhân làm Nhà máy đóng tầu Bến Thủy “chết đứng” xuất phát từ một hợp đồng mua vật liệu thép để đóng tàu. Bên bán, dù đã nhận tiền ứng trước, vẫn không thực hiện đúng nội dung hợp đồng. Hơn thế, có biểu hiện khỏan tiền này bị chiếm dụng và khi xảy ra tranh chấp lại có nguy cơ “đóng băng” do quan điểm cơ quan tư pháp chưa thống nhất.
Ngày 7/12/2007, Nhà máy đóng tàu Bến Thủy (NM) ký với Công ty cổ phần Kỹ thuật Đông Nam Á (ĐNA), trụ sở tầng 6, tòa nhà CEM, 23 Láng Hạ, Ba Đình (Hà Nội) mua 6.000 tấn thép với tổng số tiền gần 58 tỷ đồng và NM đã chi tạm ứng 15,7 tỷ đồng…
Khi “gạo đã nấu thành cơm”…
Nhưng khi nhận được tiền tạm ứng, Cty ĐNA lại không thực hiện việc cung ứng thép cho Nhà máy đóng tầu Bến Thủy đúng hạn định mà liên tục đưa ra các lý do khác nhau để trì hoãn việc giao hàng. NM đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu và trực tiếp trao đổi, đề nghị ĐNA phải giải thích về sự chậm trễ này. Một trong những lý do ĐNA đưa ra là do thời tiết ở Trung Quốc – nguồn cung cấp hàng – chưa thuận lợi nên hàng về chậm và xin gia hạn hợp đồng.
Sau nhiều lần trì hõan, ĐNA lại đề nghị điều chỉnh đơn giá thép trong hợp đồng kể trên tăng bình quân từ 702 USD/tấn lên 1.620 USD/tấn, tức là giá tăng gấp hơn 2 lần so với hợp đồng cũ. Trong khi đó tại hợp đồng, các bên đã thỏa thuận giá mua bán thép không thay đổi trong quá trình thực hiện.
Ngày 11/4/2008, sau hơn 4 tháng ký kết, ĐNA chính thức chuyển cho NM 60 tấn thép. Chẳng còn giải pháp nào tối ưu hơn, trót “đâm lao thì phải theo lao” nên chúng tôi phải đồng ý gia hạn thêm hợp đồng…”, ông Nguyễn Đức Chúc bất bình.
Một buổi họp của ban GĐ giải quyết khó khăn về tiền BHXH cho công nhân ở Nhà máy
Sẽ không có gì đáng nói, nếu số tiền 15,7 tỷ đồng mà NM đã chuyển được phía Ngân hàng bảo lãnh đúng quy định. Tuy nhiên, sau khi thư bảo lãnh hết hạn, NM phát công văn gửi ĐNA đề nghị trả lại tiền đặt cọc, thì trong văn bản phúc đáp gửi NM, phía Chi nhánh ĐNA (CN) cho rằng họ không có trách nhiệm hoàn trả số tiền gần 16 tỷ đồng vì “tiền chưa được chuyển vào tài khoản bảo lãnh”.
Lý do theo phân tích của ông Nguyễn Đức Chúc đó là phía Cty ĐNA đã “lập lờ đánh lận con đen. Cụ thể: Hợp đồng, ĐNA chỉ ghi duy nhất số tài khoản là 1.11.2002.6524.013 tại CN nên cả hai lần chuyển chúng tôi đều chuyển vào đây. Nhưng tài khoản bảo lãnh ở CN lại là số khác: 1.11.2002.6524.064… Cán bộ kế toán của nhà máy đã có sơ suất trong chuyện này…
Ông Nguyễn Đức Chúc – Giám đốc NM cho rằng, đây chính là “nút thắt” khiến cho NM sắp rơi vào vòng lao lý. Nhiều dự án khổng lồ “đắp chiếu” cũng bắt nguồn từ điều này…
Tranh chấp kiện tụng, tiền đóng băng
Ngày 30/6/2008, ĐNA có văn bản cam kết sẽ chuyển trả 15,7 tỷ đồng tiền bảo lãnh tạm ứng cho Nhà máy đóng tàu Bến Thuỷ và tiền lãi phát sinh do đơn vị vi phạm hợp đồng.
Tuy nhiên chờ mãi không thấy ĐNA thực hiện nên ngày 8/8/2008, lãnh đạo NM gửi đơn tố cáo tới Cục C15-Bộ Công an. Sau đó, Cục C15 đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra, xử lý.
Trong báo cáo gửi cho lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan này nhận định: ĐNA đã rút hết 15,7 tỷ đồng tiền bảo lãnh tạm ứng của NM nhưng sử dụng 7,2 tỷ đồng vào mục đích khác, không thực hiện đúng nội dung trong hợp đồng kinh tế với NM.
Ông Nguyễn Đức Chúc – Giám đốc NM cho rằng: “Vấn đề nảy sinh không phải từ việc thực hiện hợp đồng của các bên mà hợp đồng không thực hiện. Hành vi chiếm dụng vốn của ĐNA là hành vi hình sự, cần phải được giải quyết theo pháp luật hình sự…”.
Về điều này, trao đổi với phóng viên Bee, thượng tá Hoàng Bá Thọ, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh, lại nhận định: “Việc cố tình lẫn tránh không trả lại tiền cho NM của ĐNA là hành vi chiếm dụng vốn. Chưa thể coi là chiếm đoạt nên vụ việc này không xem xét về mặt hình sự.”.
Đến nay, vụ tranh chấp giữa hai bên vẫn đang tiếp tục và dừng lại ở quan điểm chưa thống nhất: hành vi chiếm dụng vốn của ĐNA là hình sự hay dân sự ? Trong khi đó, NM vẫn phải tạm ngừng sản xuất và hàng trăm công nhân tiếp tục chờ đòi lương còn bị nợ và chiếm dụng .
Hình sự hóa vụ án dân sự?
Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn – Trưởng văn phòng Luật sư An Phát (ĐLS tỉnh Hà Tĩnh) cho hay: Trong trường hợp này cần phải tách bạch từng vấn đề ra, không thể căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa hai bên để không hình sự hóa vụ án dân sự.
Cơ quan điều tra cần phải làm rõ có hay không chức năng kinh doanh các mặt hàng mà Cty ĐNA đã giao kết với đối tác? Công ty ĐNA có khả năng thực hiện nghĩa vụ, có trốn tránh hay từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình hay không?
Nếu Cty ĐNA có chức năng kinh doanh là cung ứng hàng và có khả năng trả lại tiền cọc nhưng cố tình không chịu thực hiện nghĩa vụ thì đây là dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Còn nếu Công ty ĐNA không có chức năng kinh doanh là cung ứng hàng… nhưng ngay từ đầu Công ty này đã có sự gian dối như lừa bạn hàng là có chức năng kinh doanh mặt hàng này để nhận tiền đặt cọc sau đó chiếm đoạt luôn tiền cọc thì có dấu hiệu của tổi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự..
Minh San – Trọng Đức
Bee