Giáo dục

Giáo viên Hà Tĩnh gieo chữ trên đất Lào

Họ là những giáo viên trẻ, năng động, nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, giàu lòng yêu nghề và yêu thương học trò. Họ là những người biết hi sinh, chấp nhận cuộc sống xa gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là quê hương yêu dấu để đi gieo chữ trên đất Lào.

Họ đã vượt qua những quãng đường xa xôi, cách trở vì mục đích góp phần giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho con em kiều bào ta ở nước ngoài.


Dưới cái nắng như đổ lửa của tháng 7 trên xứ sở gió Lào, chúng tôi tìm về với mảnh đất Hương Sơn địa linh nhân kiệt, nơi có 4 giáo viên thuộc Phòng GD&ĐT Hương Sơn vừa mới về quê trong dịp nghỉ hè từ nước bạn Lào. Dọc theo Quốc lộ 8A và đường Hồ Chí Minh rực nắng, chúng tôi tìm về tận nhà, tận trường của các giáo viên tham gia giảng dạy tiếng Việt trên đất Lào để tìm hiểu công việc giảng dạy của họ trên nước bạn.

Giáo viên Hà Tĩnh gieo chữ trên đất Lào

Học sinh Trường Mẫu giáo -Tiểu học hữu nghị Việt – Lào

Họ là cô giáo Lê Thị Mai Hoa (SN1981, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Giang); cô giáo Cao Thị Hà (SN 1984, GV Trường Mầm non Sơn Kim I); thầy giáo Nguyễn Anh Sơn (SN 1982, GV Trường Tiểu học Đại Kim); thầy giáo Lê Huy Chinh (SN 1984, GV Trường Tiểu học Sơn Kim I). Tất cả các giáo viên đó đều thuộc biên chế của Phòng GD&ĐT Hương Sơn, Hà Tĩnh hiện đang tham gia giảng dạy tại Trường Mẫu giáo-Tiểu học hữu nghị Việt Lào đóng tại bản Xi-vi-lay, Thị xã Pak-xan, tỉnh Bô-li-khăm-xay, CHDCND Lào.


Tiếp chúng tôi trong căn phòng trọ nhỏ thuê tại Thị trấn Phố Châu, cô Lê Thị Mai Hoa kể: Chúng em đi theo Quyết định số 3144/QĐ-UBND của tỉnh Hà Tĩnh về việc cử cán bộ đi công tác tại nước ngoài, thời hạn 2 năm kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2010. Trường em dạy bên Lào có 4 lớp: 3 lớp Mẫu giáo được phân theo các độ tuổi khác nhau và 1 lớp Tiểu học với tổng số học sinh dao động từ 80-86 em. Trong số đó, có khoảng 30% học sinh là con em Việt kiều và người lao động Việt Nam tại Lào, còn lại khoảng 70% học sinh là con em cán bộ Lào. Trường dạy bằng hai thứ ngôn ngữ là Tiếng Việt và Tiếng Lào.


Hiệu trưởng Nhà trường là ông Trương Minh Phúc (Việt kiều Lào). Giáo viên nhà trường gồm 8 người, 5 giáo viên người Việt và 3 giáo viên người Lào. Vì thế, nhà trường tổ chức dạy bằng hai thứ ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Lào. Nhà trường dự kiến trong năm tới sẽ mở thêm 2 lớp và biên chế thêm một Hiệu phó để quản lí công tác dạy và học được tốt hơn.

Giáo viên Hà Tĩnh gieo chữ trên đất Lào

Cô giáo Lê Thị Mai Hoa đang giúp học sinh vẽ hình

Rời căn nhà trọ của cô giáo Mai Hoa, chúng tôi ngược Quốc lộ 8A, dọc theo con sông Ngàn Phố thơ mộng tìm về với xã biên giới Sơn Kim, nơi có cô Hà, thầy Sơn, thầy Chinh cùng tham gia giảng dạy bên Lào. Gió Lào thổi rần rật trên đầu, cái nắng mùa hè phả vào rát mặt, Quốc lộ 8A và Khu kinh tế Cầu Treo đang thi công dang dở, bụi đất bay mù mịt nhưng lòng chúng tôi thấy vô cùng phấn khởi vì được biết đây là những giáo viên Hà Tĩnh đầu tiên đem con chữ, đem tiếng Việt và tâm hồn Việt sang nước bạn Lào, đến với con em kiều bào ta ở nước ngoài.


Cô Cao Thị Hà cho chúng tôi biết: Bọn em sang bên ấy(nước bạn Lào) nói thế chứ cũng gặp khó khăn nhiều lắm anh ạ. Từ bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán của người Lào mình chưa quen nên bọn em vừa dạy tiếng Việt vừa tranh thủ học tiếng Lào. Mình dạy chương trình Việt nhưng phải giải thích nội dung bài học bằng tiếng Lào cho học sinh hiểu, mệt lắm anh ạ nhưng mà bù lại cũng thấy vui vui. Vì bọn em tình nguyện đi sang đây nên lương thưởng không được ăn thua. Nhà trường trả cho mỗi tháng 600 nghìn kíp Lào, tỉnh Bô-li-khăm-xay hổ trợ mỗi tháng 500 nghìn kíp, tổng cộng là 1 100 000 kíp Lào, tương đương hơn 3 triệu đồng Việt Nam.


Khó khăn nữa là, giá cả ở bên đó rất đắt, hầu như gấp 3 lần Việt Nam. Từng ấy đồng lương chỉ đủ tiền ăn ở, đi lại mà thôi. Bọn em lại không đưa được phương tiện xe cộ sang nên mỗi khi đi công việc thì phải đi taxi hoặc đi bộ. Những thứ như đồ khô, gạo, mì tôm, dầu ăn…bọn em phải mua ở Việt Nam đem sang hết vì nếu mua ở Lào thì không đủ được.


Rồi còn chuyện tài liệu, phương tiện giảng dạy thì thiếu thốn nhiều, Quỹ khuyến học của người Việt bên đó cũng hạn hẹp nên đồ dùng dạy học bọn em tự làm lấy là chủ yếu.


Bên ấm nước chè xanh óng ánh, đĩa cam trái mùa mát ngọt, thầy Chinh vui vẻ nói chen vào, bọn em phải đứng lớp cả ngày, 2 giáo viên/1 lớp, 1 giáo viên Việt và 1 giáo viên Lào. Sáng thì dạy chương trình Việt, chiều lại dạy chương trình Lào vui lắm anh ạ. Học sinh được học chữ cái, chữ số, được làm quen với môi trường xung quanh về thế giới động vật, được học các bài hát, bài thơ, câu chuyện tiếng Việt…Nói tóm lại là, bọn em cố gắng để đưa chương trình giáo dục của Việt Nam vào giảng dạy để các em học sinh Lào cũng như học sinh Việt trên đất Lào biết nói và đọc tiếng Việt, biết yêu tiếng Việt, biết về cội nguồn dân tộc, biết cả các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Việt Nam…

Giáo viên Hà Tĩnh gieo chữ trên đất Lào

Giáo viên Việt và Lào chụp chung hình lưu niệm

“ Nguyện vọng của bọn em là dù đời sống có thiếu thốn nhiều thứ nhưng phải dạy cho các em đọc thông viết thạo tiếng Việt. Sau khi về lại Việt Nam được sớm ổn định cả về đời sống và công việc, nơi làm việc hợp lí, ổn định phù hợp với chuyên môn, năng lực của bản thân”-thầy Nguyễn Anh Sơn chia sẻ.


Trao đổi những ưu tư, băn khoăn, lo lắng của các giáo viên Việt gieo chữ trên đất Lào với thầy Đào Duy Sỹ-Trưởng phòng GD&ĐT Hương Sơn, Hà Tĩnh được thầy cho biết: “Các giáo viên này khi hết nghĩa vụ giảng dạy bên Lào trở về quê hương, tùy vào năng lực, sở trường và hiệu quả công việc, Phòng Giáo dục sẽ tham mưu cho huyện bố trí công việc xứng đáng”.


Một năm học mới 2011-2012 lại sắp đến gần, hứa hẹn những thành quả mới trên đất nước bạn Lào mà các giáo viên Hà Tĩnh đang gieo mầm, họ giống như những người nông dân Việt đang cố gắng chăm sóc, vun trồng từng hạt giống hôm nay để có mùa vàng bội thu. Khi chia tay, họ nói vọng theo: “anh cố làm hộ chiếu đi rồi bọn em đưa sang đó một chuyến, khó khăn, vất vả nhưng vui lắm”. Trong tâm hồn tôi nghe vang vọng lời căn dặn của Bác Hồ:


“Việt-Lào hai nước chúng ta


Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.


Lê Quốc Châu

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP