Học sinh trường Tiểu học – THCS Trường Sa thăm, viếng Ngục Kon Tum nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. |
Giáo dục các em phải biết yêu thương
Thầy Lê Bá Bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Trường Sa (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho biết, năm học vừa qua toàn trường có 585 học sinh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên nhà trường hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung mà chuyển sang triển khai theo từng lớp.
Theo đó, các giáo viên chủ nhiệm, bộ môn cho học sinh tìm hiểu về an toàn giao thông, ma tuý, HIV, bảo vệ môi trường, đuối nước…
“Vào dịp hè, nhà trường trao đổi với Tổng phụ trách đội về việc chuẩn bị một số kiến thức cho học sinh để tổ chức dạy bơi, giáo dục học sinh không ra ao, hồ chơi nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, nhà trường cũng quan tâm, chú trọng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm Khoa học kĩ thuật, bảo vệ thiên nhiên. Từ đó, giáo dục học sinh tính đoàn kết, sáng tạo và tự tin hơn trong học tập cũng như cuộc sống”, thầy Bộ bộc bạch.
Tương tự, cô Đặng Thị Thuý Hoa, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đăk Tô, Kon Tum) cho biết, thông qua các tiết dạy, cô lồng ghép, giáo dục học sinh tránh xa bạo lực học đường. Theo đó, trước khi bước vào bài học về “bạo lực học đường” cô sẽ cho học sinh đứng lên chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân. Khi đó, các em sẽ chia sẻ bản thân là người bắt nạt hay bị bắt nạt và hướng xử lý của học sinh ra sao.
Theo cô Hoa, có em tự nhận bản thân là người đi bắt nạt các bạn khác. Khi chia sẻ và nghĩ lại em đó tự thấy bản thân không tốt, rất hối hận và tự nhủ sẽ không bao giờ lặp lại những chuyện tương tự. Còn có học sinh khác đứng lên tâm sự, bản thân là người hay bị bắt nạt. Khi đó, em không chống cự lại mà báo với gia đình, giáo viên để tìm hướng giải quyết.
“Thông qua những tiết học, mình muốn giáo dục các em phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, tránh xa các tệ nạn, bạo lực và những điều vi phạm đạo đức, pháp luật”, cô Hoa nói.
Tăng cường giáo dục, phòng ngừa tệ nạn xã hội cho học sinh
Học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn vẽ tranh với chủ đề "Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường". |
Tại Gia Lai, thầy Lê Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện, Gia Lai) cho biết, trong năm học 2021-2022 do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên nhà trường hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người. Tuy nhiên, lồng ghép trong các tiết học, giờ chào cờ… giáo viên, nhà trường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Cụ thể như, giáo dục học sinh về an toàn giao thông, không sử dụng chất kích thích, tránh xa ma tuý và các chất gây nghiện…
Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức ngày chủ nhật xanh để các em có thể chăm sóc cây xanh, giáo dục học sinh bảo vệ, gìn giữ môi trường sống. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức các trò chơi dân gian, bóng đá, bóng chuyền… để học sinh giao lưu, học sinh và tăng tinh thần đoàn kết.
Theo thầy Trọng, hàng năm nhà trường cũng tìm những hoàn cảnh học sinh khó khăn, vươn lên trong học tập. Từ đó kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ, trao học bổng tiếp sức cho học sinh đến trường.
Đồng thời nhà trường cũng vận động học sinh gom vỏ bia, giấy vụn để gây quỹ. Bên cạnh đó, trường tổ chức ngày hội ẩm thực kết hợp với văn nghệ. Theo đó, mỗi lớp là một gian hàng bán gây quỹ hỗ trợ cho học sinh nghèo, không nơi nương tựa.
“Với những hoạt động ý nghĩa này nhà trường muốn tuyên truyền, giáo dục học sinh phải biết sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau”, thầy Trọng tâm sự.
Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, đã có công văn về việc tăng cường phòng ngừa bạo lực học đường tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, Sở yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, quyền hạn cho các thành viên chủ động phòng ngừa và xử lý triệt để các nguy cơ bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong cơ sở giáo dục. Không để xảy ra các vụ việc bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, vi phạm đạo đức nhà giáo trong nhà trường.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong quản lý học sinh, phòng, chống bạo lực. Đối với học sinh chú trọng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng nhận biết, phòng, chống bạo lực. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, ngoại khóa về phòng, chống bạo lực.
Không những thế, Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục quản lý tổ chức các hoạt động truyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến về hậu quả, tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, các chất gây nghiện, chất hướng thần núp bóng các vỏ bọc, hình thức như: Tem giấy, bùa lưỡi, cỏ Mỹ, bóng cười,...cho thanh thiếu niên, học sinh và các bậc phụ huynh. Đồng thời, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hoạt động sinh hoạt hè của học sinh gắn với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao
Tác giả: Dung Nguyễn
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn