Nông Thôn Hà Tĩnh

Giao đất, giao rừng cho các hộ vùng tái định cư Kỳ Anh: Vướng “toàn tập”

Nói về những khó khăn trong việc giao khoán diện tích này, ông Võ Xuân Sơn – Trưởng BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho biết: “Trong các hộ đã được nhận giao khoán này chỉ có 19 trường hợp có hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, số còn lại chưa đảm bảo nên khi tiến hành giao khoán thì gặp nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề hồ sơ, thủ tục pháp lý. Mặt khác, các hộ này lấy lý do trước đây họ ký hợp đồng giao khoán với Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh nên nay chúng tôi không đủ tư cách pháp nhân thanh lý hợp đồng…”.

Thời gian qua, mặc dù đã có sự vào cuộc từ phía các cơ quan chức năng nhưng công tác giao đất, khoán rừng và đất lâm nghiệp cho các hộ vùng tái định cư (TĐC) ở Kỳ Anh vẫn đang gặp khó khăn, bế tắc. Cá biệt, ngay cả khi có sự chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn của Tổ công tác đặc biệt theo Quyết định 3360 của UBND tỉnh, tình hình vẫn không mấy chuyển biến. Các vướng mắc trong kế hoạch giao đất, khoán rừng chưa thể tháo gỡ nên nhiều hộ dân TĐC vẫn chưa nhận được tư liệu sản xuất theo chủ trương chung…Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2011, BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã tiếp nhận từ Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh gần 1.633 ha rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định 4315 của UBND tỉnh. Số diện tích này hiện đang được BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh làm thủ tục bàn giao cho các hộ dân vùng TĐC trên địa bàn. Sau khi rà soát, có gần 1.233 ha khó có thể giao khoán do mỏ đá, núi cao, đường điện, đã giao cho các địa phương quản lý… nên thực tế chỉ còn hơn 400 ha có thể giao khoán ở các xã Kỳ Phương, Kỳ Trinh và Kỳ Long. Nhưng trong số diện tích có thể giao khoán này trước đây đã được Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh giao khoán cho 81 hộ với 314,61 ha; số còn lại cũng đã bị các hộ này lấn chiếm, sử dụng.

Giao đất, giao rừng cho các hộ vùng tái định cư Kỳ Anh: Vướng “toàn tập”
Diện tích rừng do các xã quản lý đều đã được các hộ dân sử dụng từ lâu, ổn định và khai thác nhiều chu kỳ

Trong số diện tích Công ty CP Nông lâm sản bàn giao lại, trước đây, BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã tiến hành bàn giao trên 254 ha cho chính quyền xã Kỳ Liên và Kỳ Thịnh quản lý. Việc giao đất, giao rừng ở diện tích này cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề xử lý tài sản rừng. Tại xã làm điểm Kỳ Liên, sau khi rà soát đã chia lô cho 25 hộ nhận khoán mới và tiến hành bốc thăm nhưng đến “mục” xử lý tài sản thì các hộ chỉ muốn nhận “đất sạch” và đề nghị được Nhà nước hỗ trợ tiền bồi thường. Mặt khác, các chủ rừng cũ cũng không đồng tình theo mức giá đền bù của tỉnh mà đòi được thỏa thuận đền bù theo các dự án đã triển khai tại đây.

Ông Sơn cho biết thêm: “Sau khi kiểm kê và áp giá theo mức tỉnh xây dựng ở Kỳ Liên thì tùy từng loại rừng sẽ có mức đền bù 60-80 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nếu theo đòi hỏi được tự thỏa thuận đền bù như các mỏ đá trước đây thì chênh lệch rất lớn với mức đền bù 130-140 triệu đồng/ha, cá biệt có nơi lên tới 300 triệu đồng/ha. Mức chênh lệch quá lớn đó đang tạo khó khăn và áp lực lớn trong kế hoạch, tiến độ giao đất, khoán rừng”.

Cùng trong tình trạng đó, công tác giao đất, khoán rừng và đất lâm nghiệp phần diện tích do các xã quản lý ở vùng TĐC cũng chẳng khá hơn là mấy. Hiện nay, diện tích do các địa phương quản lý có trên 502 ha, thuộc địa bàn các xã Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Trinh, Kỳ Hưng và Kỳ Hoa. Qua rà soát và đối chiếu thì toàn bộ diện tích này đều thuộc quỹ đất dự phòng phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt. Để thuận lợi cho việc thu hồi sau này và giảm thiểu đền bù, một số địa phương và cơ quan chức năng cho rằng, không nên giao lâu dài cho các hộ dân mà giữ nguyên hiện trạng. Thế nhưng, việc xử lý cũng không phải là dễ bởi toàn bộ diện tích do xã quản lý đều đã được dân canh tác lâu năm và các hộ đang sử dụng hiện nay không thuộc diện được giao đất, giao rừng.

Ông Trương Công Bình – Chủ tịch UBND xã Kỳ Trinh cho biết: “Diện tích rừng và đất lâm nghiệp do xã Kỳ Trinh quản lý hiện có 195 ha. Dù chưa có bìa nhưng toàn bộ diện tích này đều đã có chủ sử dụng ổn định, lâu dài và không tranh chấp; cá biệt có những vùng được khai hoang và sử dụng trước các điểm mốc 1983 và 2004 nên không dễ để chấm dứt hợp đồng mà không đền bù. Việc giao khoán, cấp bìa chỉ mang tính hợp thức hóa cho các hộ đang sử dụng chứ không thể thu hồi rồi cấp cho đối tượng khác. Hiện chúng tôi đang tiến hành rà soát nhưng xã không có tiền thuê tư vấn nên chưa thể đo đạc và phải chờ cấp trên hỗ trợ kinh phí”…

Có thể khẳng định, giao đất, giao rừng là một chủ trương lớn và đúng đắn, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sinh kế, ổn định tình hình, nâng cao thu nhập cho người dân vùng TĐC Kỳ Anh. Vì vậy, các cơ quan chức năng, các bên có liên quan cần tập trung xử lý những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng và đất lâm nghiệp cho các đối tượng.

Tiến Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP