Nhiều trường đại học cấm sinh viên, giảng viên mặc quần jeans. Nhưng trên thực tế, quần jeans “chẳng là gì” so với đủ kiểu thời trang có thể gọi là “biến dạng” của sinh viên.

Gần 1 giờ chiều, trước cổng Trường ĐH V, TPHCM tấp nập sinh viên (SV) đổ về chuẩn bị cho giờ vào lớp. Chỉ 10 – 15 phút quan sát đã thấy vô số kiểu thời trang “quái dị” của SV khi đến trường.

Những chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn tưởng rằng chỉ có thể để mặc ở nhà hoặc khi đi picnic được rất nhiều nữ sinh chuộng dùng. Nhiều cô gái mặc kèm với áo quây, áo hai dây rồi thêm một chiếc áo khoác lùng bùng bên ngoài. Có nữ sinh lại kết hợp với chiếc áo sơ mi đủ dài chạm đến mép quần. Quần quá ngắn nên nhìn từ phía sau da thịt của không ít nữ sinh lộ cả những chỗ nhạy cảm.

Nhiều cô gái kết những kiểu quần túm ngang túm dọc, rộng thùng thình kiểu Alibaba kết hợp với những đôi dép lê đủ màu sắc Hợp tông với phong cách này dường như chỉ là áo hai dây, ba lỗ được các bạn che bằng chiếc áo khoác mỏng bên ngoài.

Giảng đường nhiều trường ĐH đang trở nên lếch thếch vì… trang phục của sinh viên.

Không chỉ nữ sinh, nam sinh của trường cũng gây “chóng mặt” với đủ kiểu phong cách thời trang lập dị. Có anh chàng cao dong dỏng với mái tóc được nhuộm màu xanh lẫn vàng cắt mái dài. Chiếc quần jeans hoa văn loang lổ bó sát người kết hợp với chiếc áo thun bó đủ màu sắc. Đặc biệt, chiếc áo thun này chỉ có một ống tay áo, còn phía bên kia trần vai, chiếc áo nằm chéo qua ngực.

Phong cách quần ngố được xếp lệch ống ngắn ống cao cũng được nhiều nam sinh ưa chuộng. Các loại áo sơ mi hay áo thun cũng được “cách tân” với đủ bộ dạng như trước khoét ngắn cũn, sau dài chấm đuôi.

Ngôi trường này có những ngành mang dáng dấp “nghệ thuật” nên dường như mặc định cho SV những kiểu ăn mặc như vậy là bình thường, thậm chí như vậy mới là phong cách. Cho dù phong cách đó thật khó để gọi tên được là phong cách gì.

“Loạn” giá trị thẩm mỹ

Một giảng viên Trường ĐH Văn hóa TPHCM chia sẻ giảng đường hiện nay bị nhiều SV biến thành sàn diễn thời trang với những phong cách “biến dạng”. Từ quần áo cho đến nhiều loại phụ kiện lắc tay, lắc chân, dây đeo cổ, túi xách… rất phản cảm.

Ở giảng đường cũng có thể thấy sự xuất hiện rầm rộ của trang phụ “phi giới tính” như nam sinh đeo khuyên tai, túi xách xúng xính…, không thiếu những bạn tô son đỏ chót. Đặc biệt SV ở những ngành liên quan đến nghệ thuật, họ thể hiện một cách thái quá như một cách khẳng định cá tính cá nhân mà không chú ý đến văn hóa học đường.

Thẩm mỹ của nhiều sinh viên có xu hướng “nhập ngoại” một cách thiếu định hướng.

Tuy nhiên, không chỉ ở những trường có các ngành liên quan đến nghệ thuật mới có xuất hiện thời trang như “mớ bòng bong”. Đến hầu hết các trường ĐH, kể các các trường phần lớn đào tạo các ngành nghiêm túc như sư phạm, khoa học, kỹ thuật cũng có không khó để thấy những trang phục “khó nhìn” của SV như những chiếc áo voan mỏng tanh nhìn xuyên thấu, áo thun ba lỗ, quần ôm sát cơ thể, đi dép lê…

Cách ăn mặc nhiều SV đã làm giảng đường ĐH mất đi nề nếp môi trường học đường, thậm chí trở nên nhếch nhác lếch thếch. Điều này xuất phát từ thực tế các trường ĐH ít đặt ra yêu cầu khắt khe về đồng phục khi đến trường, chủ yếu quy định chỉ mang tính nhắc nhở.

Khi tình trạng SV ăn mặc phản cảm xuất hiện nhiều ở giảng đường, nhiều trường phải đặt ra những quy định về trang phục “chuẩn” cho SV lại gây ra nhiều tranh cãi.

Theo đánh giá của của một số chuyên gia văn hóa, hiện tượng thời trang SV “biến dạng” là do giới trẻ ngày ngày ảnh hưởng từ nhiều phong cách thời trang từ bên ngoài nhưng lại thiếu một định hướng thẩm mỹ. Thậm chí họ bị loạn về giá trị thẩm mỹ, nhìn nhận sai lệch về cái đẹp. Nhiều bạn trẻ cho rằng phải cách tân, khác người hay hở hang mới là đẹp… Họ không còn biết đâu là giới hạn nên đã tự biến mình thành khác người và ảnh hưởng tới môi trường học đường.

Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho rằng chương trình giáo dục thẩm mỹ trong trường học từ mầm non lên phổ thông của chúng ta chưa hợp lý. Giáo dục chỉ mới tập trung dạy kỹ năng, kỹ thuật mà bỏ quên việc hướng dẫn thế hệ trẻ hiểu về ngôn ngữ, về những giá trị của nghệ thuật, giá trị của cái đẹp.

Theo Hoài Nam

Dân Trí